ictnews – Bên cạnh xu hướng xe tự lái, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản lại chuyển sự quan tâm sang các robot có khả năng hỗ trợ người cao tuổi.
Toyota cho biết họ có thể trở thành nhà sản xuất đại trà robot giúp đỡ người già tại quốc gia có dân số già nhanh hơn phần còn lại của thế giới khi mà tỷ lệ sinh ngày một giảm. Nhân khẩu học thay đổi đặt các hãng xe hơi vào tình thế độc nhất vô nhị. Ngoài các vấn đề liên quan đến dân số già như thiếu hụt lao động, áp lực lương hưu, Nhật Bản còn đối mặt với nhu cầu ô tô nội địa giảm dần.
Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới, vừa có bước tiến đầu tiên vào thương mại hóa robot phục hồi hôm 12/4 khi ra mắt dịch vụ cho thuê hệ thống hỗ trợ đi lại, giúp bệnh nhân học cách đi đứng sau đột quỵ hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Trước đó, Honda đã giới thiệu “ đôi chân robot” hỗ trợ năm 2015, dựa trên công nghệ phát triển cho robot khiêu vũ ASIMO.
Phát biểu trước báo giới, ông bổ sung rằng sản xuất robot tập trung là bước tiến tự nhiên đối với công ty, vốn đi lên từ nhà sản xuất khung cửi năm 1905 thành hãng ô tô hàng đầu thế giới, với sứ mệnh “chế tạo các sản phẩm thực tiễn có mục đích”.Ông Toshiyuki Isobe, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Toyota, trả lời hãng tin Reuters trong cuộc phỏng vấn: “Nếu có một cách để giúp người cao tuổi di chuyển được khi họ không thể lái xa, chúng ta phải nhìn xa hơn ô tô và phát triển thành nhà sản xuất robot”.
“Dù là robot hay xe hơi, nếu cần phải sản xuất robot đại trà, chúng tôi sẽ làm điều đó một cách vui lòng”.
Dân số già
Theo Reuters, Nhật Bản có dân số già nhanh hơn phần còn lại của thế giới, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 26,7% dân số năm 2015, trong khi trung bình toàn cầu là 8,5%. Như một hệ quả, nhu cầu các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi nở rộ và thu hẹp dân số lao động, đồng nghĩa với việc rất ít người trưởng thành có thể chăm sóc cho họ.
Trên thế giới, doanh số robot hỗ trợ người cao tuổi dự đoán đạt 37.500 đơn vị trong giai đoạn 2016-2019 và có thể tăng bền vững trong 20 năm tới, theo Liên đoàn Robot quốc tế. Cùng lúc này, doanh số xe hơi tại Nhật Bản giảm 8,5% trong giai đoạn 2013-2016 do tài xế cao tuổi dừng mua xe và sở hữu ô tô không còn là ưu tiên đối với tài xế trẻ.
Cũng như các nhà sản xuất xe hơi lớn khác, Toyota đang cạnh tranh mạnh mẽ để phát triển xe tự lái khi cam kết dành 1 tỷ USD cho trung tâm nghiên cứu robot và trí tuệ nhân tạo.
Ông Isobe thừa nhận Toyota cần nhiều thời gian hơn để phát triển robot thay vì xe hơi và buộc ra khỏi vùng an toàn. Chẳng hạn, trợ lý hỗ trợ đi lại mới của công ty mất tới hơn 10 năm mới chính thức ra mắt thị trường.
“Thử thách lớn nhất là xác định nhu cầu của thị trường robot còn tương đối mới mẻ và bảo đảm sản phẩm của chúng tôi an toàn”, ông nói.
Các công ty sử dụng động cơ và linh kiện khác để kích hoạt chuyển động, điều khiển. Nhiều hãng còn hợp tác với Google hay đơn vị khác để tìm cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp họ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong dịch vụ robot cho người già.
Du Lam (iCTNews, Theo Reuters)