Sự hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập trong cuộc sống hằng ngày của chính phủ có thể được tìm thấy ở nhiều khía cạnh, như trong việc thiết kế và xây dựng các công trình lớn và giao thông công cộng đều được đảm bảo rằng người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận sử dụng. Các hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trường học giáo dục, trung tâm dạy nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật được xây dựng và vận hành bên cạnh hàng ngàn cơ sở dịch vụ và tổ chức thông thường.
Trong những năm 1960, người khuyết tật thường sống tập trung tại những trung tâm ở xa thành phố do nhà nước đầu tư và bao cấp nuôi dưỡng. Từ năm 1971, chính phủ Nhật Bản đã đóng cửa các cơ sở này, để những người này trở về sống với gia đình, hòa nhập cùng cộng đồng. Riêng những người không có người thân thì được tập hợp thành nhóm và sống cùng nhau tại những căn nhà xã hội của nhà nước, tổ chức từ thiện, hay các tổ chức phi lợi nhuận. Các căn nhà xã hội này nằm tại các điểm dân cư với đầy đủ phương tiện sinh hoạt phù hợp với từng dạng thương tật.
Các mức trợ cấp đặc biệt dành cho người khuyết tật được cung cấp cho những người từ 20 tuổi trở lên bị khuyết tật cần được chăm sóc và quan tâm đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày do khuyết tật nghiêm trọng về tinh thần hoặc thể chất là 26.230 yên mỗi tháng cùng mức giới hạn thu nhập (1997).
(Mức lương hưu cơ bản dành cho người khuyết tật mức độ I: 81.825 yên mỗi tháng
Mức lương hưu cơ bản dành cho người khuyết tật mức độ II: 65.458 yên mỗi tháng)
Ngoài ra, chính phủ còn thực hiện các mức trợ cấp nuôi dưỡng dành cho trẻ em đặc biệt:
- Cấp cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 20 tuổi bị khuyết tật trung bình/nặng:
Mức trợ cấp 50.350 yên mỗi tháng cho những trẻ khuyết tật nặng (1997).
Mức trợ cấp 33.530 yên mỗi tháng cho những trẻ khuyết tật vừa (1997).
- Trợ cấp phúc lợi cho trẻ em khuyết tật: 14,270 yên mỗi tháng được cấp cho trẻ em khuyết tật nặng.
Mặc dù Nhật Bản đã thực hiện chế độ giáo dục hoà nhập từ hơn 30 năm qua, nhưng hình thức giáo dục dành cho người khuyết tật vẫn được chia thành hai loại là giáo dục chuyên biệt và giáo dục hoà nhập. Hiện nay chính phủ Nhật Bản đang thực hiện khuyến khích giảm thiểu giáo dục chuyên biệt và thực hiện phổ biến giáo dục hòa nhập, đưa trẻ khuyết tật vào lớp 1 cùng các bạn bình thường. Khi lên cấp II và cấp III, học sinh khuyết tật cũng được lên lớp cùng với các học sinh khác, nhưng khi đánh giá về khối lượng kiến thức tiếp thu thì theo một quy định riêng. Hiện có hơn 10.000 trẻ em khuyết tật được học hoà nhập trong số 200.000 trẻ khuyết tật ở Nhật Bản.
Về vấn đề đào tạo nghề, chỉ một số người khuyết tật được học tập trong các trường dạy nghề thông thường, còn lại đa phần sẽ tham gia học tập tại hệ thống các trung tâm và cơ sở dạy nghề ngắn hạn dành riêng cho người khuyết tật. Hệ thống này bao gồm các cơ sở dạy nghề được nhận hỗ trợ kinh phí từ tỉnh, thành phố sở tại bằng nguồn tài chính từ khoản nộp phạt của các công ty không tiếp nhận đủ số lượng người khuyết tật vào làm việc theo quy định của Chính phủ.
Mỗi trung tâm dạy nghề có khoảng từ 20 -100 học viên khuyết tật. Người khuyết tật về cơ thể học từ 1 – 2 năm với các môn như vi tính, công việc văn phòng. Còn người khuyết tật trí tuệ thì học từ 6 -12 tháng với các môn như lắp ráp linh kiện, dụng cụ… đó là những nghề không đòi hỏi nhiều về trí tuệ. Nhưng đối với người khuyết tật về trí tuệ mà có khả năng thì vẫn được đào tạo những môn học như người khuyết tật về cơ thể. Bên cạnh việc học nghề chuyên môn, người khuyết tật được học phong cách làm việc như chào hỏi, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật giờ giấc, tự giác chấp hành nội quy, tác phong làm việc… Sau khi học nghề, người khuyết tật được theo dõi trong một thời gian dài, ngắn khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng khuyết tật.
Theo quy định của Bộ luật “Xúc tiến lao động là người khuyết tật”, nhằm thực hiện và đảm bảo sự đa dạng và hỗ trợ người khuyết tật, các công ty và tổ chức chính phủ phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định những người bị khuyết tật về thể chất, trí tuệ hoặc tinh thần. Mục tiêu hiện tại là 2,2% lực lượng lao động với ít nhất 46 công nhân tại các công ty và từ 2,3% đến 2,5% tại các cơ quan chính quyền quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động, người khuyết tật chỉ chiếm 1,97% lực lượng lao động vào năm 2017 tại các công ty.
Trong cả nước có khoảng gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của người khuyết tật trong đó có trên 6.000 cơ sở do người khuyết tật tự thành lập, còn lại trên 3.000 cơ sở do Nhà nước thành lập dành cho người khuyết tật làm việc. Trung bình số lượng người khuyết tật làm việc trong một cơ sở là 15 người, có cơ sở chỉ có 5 người khuyết tật, nhưng có cơ sở hơn 100 người khuyết tật làm việc. Nhà nước sẽ miễn các loại thuế cho các cơ sở sản xuất của người khuyết tật. Bên cạnh đó, hầu hết các tập đoàn lớn sẽ thành lập các “Công ty con” với 100% người khuyết tật làm việc và làm gia công cho các “Công ty mẹ” nhằm đảm bảo tỷ lệ lao động là người khuyết tật tại các tập đoàn.
Nguồn: Internet
Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ và tư vấn hỗ trợ được thành lập và hoạt động khắp toàn quốc để phục vụ người khuyết tật và điều phối nhân viên hỗ trợ đến tận nhà phục vụ người khuyết tật. Chỉ riêng ở Osaka đã có 500 công ty cung cấp dịch vụ này với khoảng 60 trung tâm.
Nguồn:
https://www.dinf.ne.jp/doc/english/law/japan/30select.html#:~:text=Special%20Allowance%20for%20Disabled%20Persons,with%20income%20limitation%20(1997).
https://www.japantimes.co.jp/news/2018/10/15/national/social-issues/learning-life-japan-like-people-disabilities/
https://www.drdvietnam.org/vi/highvisibility/bai-viet/73-linh-vuc-nguoi-khuyet-tat-o-nhat-ban.html