Cách đăng ký sim và điện thoại dành cho người có visa ngắn hạn

Đăng ngày 13/01/2020 bởi iSenpai

Bạn có từng nghĩ mình sẽ ra sao nếu lỡ một hôm nọ đi nhầm tàu, xuống nhầm ga, hoặc chẳng may ngủ quên lỡ vài trạm buýt? Khi đi ra ngoài, đặc biệt là khi ở nước ngoài, điện thoại và mạng (mạng điện thoại hoặc mạng wifi) là những thứ nhất định lúc nào cũng phải ở bên người!

Đầu tiên, về vấn đề mua điện thoại.

Nếu bạn muốn mua điện thoại trả góp của nhà mạng, thì điều kiện cần là visa của bạn phải còn hơn 1 năm. Ví dụ như visa ban đầu bạn xin được là 1 năm 3 tháng, nhưng bạn ở Nhật đã hơn 3 tháng rồi, vậy bạn cũng không thỏa được điều kiện để mua trả góp nữa. Nên có nhiều bạn visa ngắn hạn sẽ không thể mua điện thoại theo hình thức này. 

Lúc này bạn có thể chọn hình thức trả một lần, tức là hình thức như chúng ta vẫn hay mua ở Việt Nam, hay còn gọi là “mua đứt”. Để được giá tốt, các bạn có thể tham khảo trên Kakaku hay Amazon, hoặc đi dạo quanh khu bạn sống xem có cửa hàng nào có campaign hay không. Việc khuyến mãi sẽ tùy thuộc vào khu vực bạn sống và thời điểm mua hàng nên mình không thể đảm bảo gì cả.

Ngoài việc mua máy mới, các bạn vẫn có thể cân nhắc việc chọn mua máy cũ. Mình cảm thấy khá an tâm khi mua đồ điện máy cũ ở Nhật. Khi mua, máy của bạn sẽ được xếp theo rank A-B-C…. để thể hiện mức độ còn tốt của sản phẩm. Nói về máy cũ, các bạn sẽ thường hay được nghe nhắc tới musbi, nó quá nổi tiếng rồi nên mình cũng không nói thêm nữa. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo thêm Janpara. Nói về Janpara, ngoài online nó cũng có khá nhiều cửa tiệm ở khắp cả nước, không chỉ bán máy cũ, nó còn bán cả máy mới cũng như máy chưa sử dụng. Nếu có thời gian, mình sẽ viết một bài share về Janpara với mọi người, điện thoại và ipad mình đang dùng đều mua ở Janpara, mình cảm thấy khá là thích nơi này ^^

Quay lại vấn đề điện thoại, cá nhân mình nghĩ, nếu điện thoại ở Việt Nam bạn đang dùng vẫn dùng tốt, là bản quốc tế (hầu hết điện thoại ở mình đều là bản quốc tế, nếu các bạn lo có thể đến cửa hàng đã mua để hỏi lại nhân viên cho chắc chắn) và hỗ trợ 4G thì các bạn vẫn nên mang theo. Vừa tiết kiệm tiền, vừa được sử dụng chiếc điện thoại mình đã quen thuộc.

Về phần sim, đây là vấn đề khá rắc rối. Như các bạn đã biết, không như nước mình, muốn mua sim ở đâu thì mua, dùng không thích thì vứt, lại còn được lựa số yêu thích hay hợp mệnh các kiểu. Ở Nhật, mỗi người chỉ có một số điện thoại, và vấn đề hợp đồng sim cũng khá mệt mỏi. Khoảng một năm trước, mình có đến Nhật du học trong thời gian 1 năm. Mặc dù visa mình có là visa 1 năm 3 tháng, nhưng bắt buộc học xong 1 năm mình phải về nước, nên lựa chọn về sim cũng như điện thoại của mình bị hạn chế đi khá nhiều. Hầu hết các nhà mạng đều bắt buộc bạn phải ký hợp đồng trong 2 năm, hủy hợp đồng trước thời gian đó sẽ bị phạt khoảng 1 man (hơn 2 triệu đồng). Một số nhà mạng giá rẻ khác sẽ cho phép bạn ký hợp đồng 1 năm nhưng sẽ kèm theo một số điều kiện, ví dụ như rakuten sẽ bắt bạn phải có thẻ credit để đăng ký, điều kiện này thì không phải ai cũng đáp ứng được.

Lúc đó cũng có nhiều bạn người Việt bán sim, cũng có quảng cáo là không ràng buộc hợp đồng, nhưng mình không an tâm nên không tìm hiểu. Vì mình không tìm hiểu nên cũng không biết chính xác như thế nào, nên vấn đề này mình không bàn đến.

Cuối cùng mình chọn sim Line, sim sẽ yêu cầu bạn thanh toán bằng Line Pay (Line Pay cũng khá phổ biến rồi, các bạn có thể hiểu nó như MoMo hay VNPay, AirPay mà bên mình). Đăng ký Line Pay cũng khá dễ, các bạn có thể tìm kiếm trên mạng hoặc tải app Line về và tự tìm hiểu, mình nghĩ khá nhanh. Khi sử dụng hết 12 tháng bạn có thể hủy hợp đồng trên web và gửi sim về trụ sở (bằng bưu điện), nếu không gửi sim sẽ bị phạt 3 sen (khoảng hơn 600 nghìn đồng). Thời điểm của mình thì sim Line đang khuyến mãi (giảm 900 yên mỗi tháng trong suốt nửa năm đầu), nên mình chọn nó.

Nhưng hiện tại mình thấy có JP Smart Sim, có hỗ trợ cả tiếng Việt nữa, các bạn có thể tham khảo nhiều nhà mạng và tìm cái phù hợp với điều kiện cũng như nhu cầu của bản thân.

Theo như một dự luật về sim điện thoại, Nhật có khả năng sẽ giảm tiền phạt do kết thúc hợp đồng trước thời hạn (mình nhớ giảm còn 1-2000 yên gì đấy), nếu như được áp dụng thì sẽ giúp mọi người đỡ lo rất nhiều về vấn đề sim nhỉ.

Ngày trước, khi nộp CV để xin việc làm thêm, vì yêu cầu phải có số điện thoại nên mình mới phải đăng ký, vì hầu như suốt một năm mình không gọi hay nhận điện thoại gì mấy. Nếu chỉ tra đường hay lướt mạng xã hội, liên lạc bạn bè thân thiết (đã có sns lo) thì các bạn có thể sử dụng sim data. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của mình, mình cảm thấy wifi cầm tay có phần tiện lợi hơn sim data.

Mong qua bài viết này các bạn có thể định hình sơ về việc đăng ký sim cũng như sử dụng/mua điện thoại, điều kiện của mình sẽ phù hợp với hình thức nào hơn. Và cùng nhau trông chờ ngày tiền phạt hủy hợp đồng trước thời hạn được hạ xuống.

Hồng Hiệp

Trả lời