Nhà sản xuất phụ tùng xe hơi Takata chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản, sau khi những chi tiết lỗi liên quan đến các vụ chết người do túi khí gây ra vụ triệu hồi bảo đảm an toàn lớn nhất từ trước đến nay.
Tin tức báo chí cho hay, các khoản nợ liên quan có thể sẽ vượt quá 9 tỷ USD. Tuy nhiên, những thông tin này vẫn chưa chính thức được xác nhận.
Ngày 25/6 vừa qua, Takata xác nhận Nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ, KSS, thuộc sở hữu của tập đoàn Ningbo Joyson Electronic của Trung Quốc, sẽ nhận tiếp quản lại Takata. Hai tập đoàn cũng tiết lộ mức giá Takata sẽ bán tài sản và doanh nghiệp của mình cho KSS khoảng 1,588 tỷ USD.
“Tại một cuộc họp hội đồng quản trị vào ngày 26/6, công ty chúng tôi đã quyết định bắt đầu thủ tục nộp đơn xin bảo hộ phá sản”, Takata ra tuyên bố sau khi nộp đơn với tòa án quận Tokyo. Hiện tòa án đã chấp nhận biện pháp này.
Takata có 12 công ty con ở nước ngoài cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Jason Luo, chủ tịch và giám đốc điều hành của KSS, đã lên tiếng tin tưởng vào việc phục hồi của Takata.
“Mặc dù Takata đã bị ảnh hưởng rất nặng bởi việc triệu hồi túi khí trên toàn cầu, nhưng với nền tảng sức mạnh dựa trên trình độ kỹ thuật tay nghề cao vốn có của nhân viên, tầm nhìn địa lý hơn nữa những sản phẩm khác như vô lăng, dây an toàn và các sản phẩm phụ kiện an toàn khác trên xe đã không hề bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng túi khí này”, Jason Luo nói.
“Chúng tôi mong muốn hoàn thiện thỏa thuận cuối cùng với Takata trong những tuần tới, hoàn thành mọi giao dịch và tiếp tục phục vụ tốt cho cả khách hàng mới và khách hàng lâu năm của chúng tôi cùng lúc vẫn tiếp tục chú trọng đầu tư vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo cho một KSS hoàn toàn mới”, chủ tịch và giám đốc điều hành của KSS nói thêm.
Gần 100 triệu xe hơi, bao gồm khoảng 70 triệu xe ở Mỹ, nằm trong diện đã bị thu hồi do liên quan đến nguy cơ túi khí có thể nổ không đúng cách gây rách, vỡ, bắn văng các mảnh vụn chết người vào chính các hành khách cần được bảo vệ trên xe.
Nguyên nhân cuối cùng của sự cố vẫn chưa được xác định nhưng có ba yếu tố có khả năng gây ra lỗi trên: Thành phần hóa học, amoni nitrat, phản ứng kém với độ ẩm; Điều kiện khí hậu khắc nghiệt có thể do nhiệt độ và độ ẩm cao; Và thiết kế bị lỗi.
Bùi Phương Hoa (Tiền Phong Online) Theo Theguardian