Cái nhìn từ Nhật Bản về cà phê và “bình đẳng thương mại”

Đăng ngày 05/06/2021 bởi iSenpai

Những người sành về cà phê thường rất chú ý đến xuất xứ của cà phê, vì họ biết rằng, cà phê được trồng ở những vùng đất khác nhau, hương vị sẽ rất khác nhau. Để ý các quốc gia sản xuất cà phê chính trên thế giới, người ta thấy rằng, tất cả chúng đều nằm trong khu vực gần với đường xích đạo gọi là “Vành đai cà phê”. Ngoài ra, đây cũng là nơi có rất nhiều quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển.

Đây là một câu hỏi nằm trong một đề thi của một trường trung học cơ sở tại Nhật Bản mà NHK đã trích lại trong bài xã luận về cà phê của mình. Câu hỏi như sau: Việc mua nông sản từ các nước đang phát triển với giá cả hợp lý để cải thiện đời sống cho người nông dân thì được gọi là gì? Hãy chọn một trong bốn đáp án sau đây. 1. Stealth Marketing 2. Trade-off 3. Fair Trade ( bình đẳng thương mại) 4. Flea Market

Đáp án đúng trong câu hỏi này là 3. Bình đẳng thương mại là một sáng kiến hỗ trợ sự độc lập của người nông dân hoặc người lao động bằng cách thu mua nông sản hoặc sản phẩm được sản xuất tại các nước đang phát triển với giá cả phù hợp tương xứng với chất lượng, giá thu mua cao hơn bao gồm cả phần chi phí để duy trì việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cũng như cải thiện cuộc sống của người nông dân. Việc sản xuất và thu mua cà phê tại một số nơi cũng nằm trong chương trình hỗ trợ bình đẳng thương mại này.

Khi biến động kinh tế làm khổ nông dân

Giống như dầu thô và vàng, cà phê cũng được giao dịch trên các thị trường kỳ hạn như New York. Nguyên nhân gây ra sự biến động về giá cà phê này không chỉ do thay đổi về thời tiết mà còn do sự đầu cơ của các doanh nhân. Năm 1997 được xem là năm điển hình cho sự tăng giá đột biến do đầu cơ. Sau đó, mặc dù sản lượng cà phê tăng lên đều đặn, nhưng giá thì rớt thảm hại.

Năm 2001, giá cà phê giảm xuống còn bằng 1/4 so với năm 1997. Ông Yukio Ikemoto, giáo sư tại Đại học Tokyo, cho biết : “Giá cà phê giảm mạnh khiến người nông dân không còn nhiều thiết tha với cây cà phê. Họ không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón nữa. Các khu vườn trồng cà phê trước đây không được chăm sóc nên cành mọc tự do và trở thành ruộng hoang. Nhiều người vay nợ không trả được thậm chí còn phải bỏ chạy khỏi địa phương.”

Do đó, các sáng kiến về bình đẳng thương mại ra đời và gây được chú ý vì nhằm vào mục đích nhân đạo là đảm bảo cuộc sống cho người nông dân. Trong bình đẳng thương mại, các tổ chức phi chính phủ và các nhà bán lẻ sẽ giao dịch trực tiếp với bên sản xuất.

Dự án “biến cây thuốc phiện thành cây cà phê”

Tại Thái Lan, vào năm 1988, Quỹ Hoàng gia bắt đầu dự án chuyển cây thuốc phiện thành cây cà phê tại khu vực các dân tộc thiểu số. Tại đây, trước kia người dân chủ yếu sinh sống nhờ vào việc trồng cây thuốc phiện. Việc đầu tiên cần làm là phá bỏ cây thuốc phiện, cải tạo đất, quy hoạch rừng để trồng cây cà phê.

Thái Lan cũng đã cử các kỹ sư đến để dạy dân cách trồng và chế biến cà phê. Bằng nhiều nỗ lực, chẳng hạn như việc tỉ mẫn chọn những hạt cà phê chín bằng tay, người dân ở đây đã và đang cố gắng tạo ra loại cà phê với chất lượng hảo hạng. Sau hơn 30 năm kể từ khi bắt đầu dự án, thương hiệu cà phê này đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới. Hiện tại, nó được bán thông qua hình thức bình đẳng thương mại tại khắp Nhật Bản và Châu Âu.

Dự án ở Thái Lan đã mang lại lợi ích cho hơn 10.000 nông dân. Vùng đất trồng anh túc xưa đã được chuyển đổi thành rừng và các rẫy cà phê. Sau ngần ấy năm, nó đã tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của người dân địa phương. Ông Ikemoto giải thích : “Trồng cây thuốc phiện là phạm pháp. Khi trồng cây thuốc phiện, người ta buộc phải chấp nhận cuộc sống chui lủi. Tuy vậy, sau khi chuyển sang trồng cà phê, người ta đã có thể sinh sống một cách đàng hoàng, được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế và trẻ em thì có thể đi học.”

Ông Ikemoto nói : “Mỗi người hãy có những lựa chọn kĩ càng thay vì chỉ đơn giản nghĩ uống cà phê là tiêu dùng một loại sản phẩm. Hãy cố gắng tìm hiểu, những hạt cà phê đó được trồng như thế nào, cuộc sống của người nông dân trồng nó ra sao. Ngoài cà phê, các sản phẩm của bình đẳng thương mại còn có cacao, chuối và hoa tươi”. Ông hi vọng càng ngày càng có nhiều người chú ý và ủng hộ các sản phẩm của đến từ các sáng kiến bình đẳng thương mại.

Theo NHK, Wikipedia

Trả lời