Bài viết của Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, bệnh viện đại học Kyoto đăng tải trên Y học cộng đồng.
Không phải là cân đo giữa Sinh mạng và Kinh tế, đó là bài toán đánh đổi giữa Sinh mạng và Sinh mạng
Trước sự lan rộng của dịch bệnh COVID-19, nhiều nơi đã đưa ra các quy định về hạn chế phạm vi hoạt động, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của con người. Vì mục tiêu tối thượng là “Phòng ngừa lây lan dịch bệnh”. Đã có những thói quen, văn hóa phải thay đổi hoặc mất đi, trong khi những tiếng nói quan ngại rất ít xuất hiện.
Sinh mệnh là quan trọng. Nhưng SỐNG, có phải chỉ là để DUY TRÌ SINH MỆNH hay không?
Để đối phó với dịch bệnh COVID-19, nhiều nước đã ban hành các quy định nghiêm ngặt. Một số nơi không cho tụ tập quá 2 người, một số nơi khác Cấm ra ngoài nếu không có lý do chính đáng và còn phạt tiền cảnh cáo. Tại Hàn Quốc, nếu bị nhiễm COVID-19, tất cả đường đi nước bước của bạn, bao gồm việc lên/xuống trạm xe bus, vào quán ăn…đều được báo đến trung tâm. Qua đó, thông báo tới những người xung quanh qua điện thoại di động.
Một số nước như Nhật Bản không thể thực hiện những đối sách như vậy vì luật định về phòng chống bệnh truyền nhiễm không/chưa cho phép can thiệp quá sâu tới quyền riêng tư của người dân. Một câu hỏi đang được đặt ra ở Nhật là liệu người dân có sẵn lòng “được quản lý” và “theo dõi” như vậy để chống COVID-19 hay không?. Người dân Nhật Bản có sẵn lòng để những luật định mới, ảnh hưởng tới giá trị nhân văn, những thói quen hằng chục năm nay được thông qua sau có vài ngày bàn họp hay không?
Chống COVID-19 là việc quan trọng. Nhưng con người có sẵn lòng trao đi những “tài sản quý giá” mà thông thường không trao cho ai không?
Dịch bệnh COVID-19 đã và đang mang lại nhiều thay đổi lớn lao trong xã hội loài người, với một tình trạng nguy hiểm khác chưa được gọi tên. Đó là sự coi trọng những giá trị đạo đức mạnh mẽ mới nổi. Như ở Nhật Bản:
Những hành vi nào giúp giảm nguy cơ lây nhiễm đều được cho là TỐT.
Những hành động làm tăng nguy cơ lây nhiễm đều được cho là XẤU.
Đằng sau những giá trị đó là mong muốn ngăn chặn “vỡ trận” trong bệnh viện, muốn giảm thiểu số thương vong và đây cũng là một giá trị đạo đức mạnh mẽ khác.
Đương nhiên, giá trị đạo đức này quá đúng, không có gì phải phản đối. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với mục tiêu đó. Tuy nhiên, để hoàn thành những mục tiêu “không thể phản đối” này, một số người có đang sống để “miễn sao đừng để lây Corona” hay không?
Vì mục tiêu cao cả là “Không để lây nhiễm Corona lan rộng” này mà vô hình trung, những hành động và suy nghĩ thường nhật của chúng ta có vẻ như cũng đang bị chia thành hai nhóm TỐT–XẤU.Nguy hại hơn, những việc được cho là TỐT như hạn chế quyền tự do di chuyển, cho phép quyền theo dõi chặt chẽ người dân đang được một số nơi ủng hộ với quan điểm “Không có thời gian bàn luận vì đây là tình trạng khẩn cấp “.
Đánh đổi giữa Sinh mạng và Kinh tế
Một trong những bàn luận về Thiện-Ác hay được nói tới từ đầu mùa dịch là cân nhắc giữa Sinh mạng và Kinh tế. Khi tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, có nhiều người muốn đứng trên quan điểm y khoa để chủ trương rằng cần phải gia tăng hạn chế dù đi kèm hy sinh kinh tế để ngăn chặn dịch bệnh. Đương nhiên, đây là ý kiến đúng theo góc nhìn đó, tại thời điểm đó.
Tuy nhiên, về lâu về dài, tôi nghĩ rằng đây không đơn giản là sự đánh đổi giữa Sinh mạng và Kinh tế. Mà là sự đánh đổi giữa Sinh mạng và các Sinh mạng khác. Đó là vì chiến lược chống COVID-19 để phòng ngừa thương vong về y khoa đang làm nhiều người gián đoạn hoạt động sinh kế hằng ngày, lâm vào cảnh thất nghiệp, vỡ nợ…Thương vong về mặt kinh tế-xã hội đang xảy ra nhãn tiền.
Những tin tức và báo cáo tại Nhật Bản, Hoa Kỳ cho thấy số người không có thu nhập, không đủ tiền trang trải chi phí cuộc sống như học phí, tiền nhà…thậm chí vỡ nợ là không hề nhỏ và có thể dẫn tới tự sát vì trầm cảm và căng thẳng.
Những người dễ tử vong khi mắc COVID-19 là người “yếu thế” về mặt y khoa.
Nhưng đừng quên rằng những người phải tạm dừng kế sinh nhai vốn đã bấp bênh cũng là người “yếu thế” về mặt xã hội.
Trong số các khuyến cáo chống COVID-19 tại Nhật Bản có mục “Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết hoặc không gấp”. Tuy nhiên, thế nào là “không cần thiết” và thế nào là “không gấp” thì chưa được định nghĩa rõ ràng. Đối với một số người, phía trước của họ là công việc mà thật sự nếu không tiếp tục thì sợi dây mỏng manh duy trì sinh kế của cả gia đình có thể bị đứt mất.
Điều đáng nói ở đây là “không cần” hoặc “không gấp” lại đang bị phán xét thiên về mặt y khoa. Những ai không tuân thủ dễ dàng bị gắn mác “vô đạo đức” ngay lập tức. Chính vì thế, tại Nhật Bản nhiều người đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Đánh đổi khi thực hành chiến lược chống COVID-19 phải được xem là đánh đổi giữa sinh mạng và những sinh mạng khác.
Đánh đổi giữa Sinh mạng và Cuộc sống
Nhiều người nói rằng nếu có hỗ trợ tiền lương/thu nhập thì cũng chẳng sao. Đương nhiên, hỗ trợ thu nhập là rất cần thiết và đang được tiến hành. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta cần tự hỏi rằng mình có đồng ý nhận mỗi tháng 30-50% thu nhập để hạn chế ra ngoài, chịu sự giám sát hay theo dõi của một ai đó hay không?. Hay bạn có đồng ý “Không tụ tập ăn uống vui chơi, không gặp mặt bạn bè người thân” (vì không gấp) hoặc giảm giao tiếp 80%… như vậy mãi hay không ?.
Nếu chỉ là cố gắng trong vài tuần/tháng, tôi nghĩ nhiều người sẽ làm được. Nhưng vấn đề ở COVID-19 lần này là chưa chắc dịch bệnh sẽ tiêu biến ngay mà có thể kéo dài 1-2 năm, thậm chí quay trở lại theo mùa. Chính phủ các nước trên thế giới cũng đang cân nhắc tìm lối ra để khởi động lại nền kinh tế trong tinh thần “sống chung với lũ”.
“Sống mà chỉ ở nhà mãi, không giao lưu với ai” làm tôi nghĩ tới tình trạng sống chỉ để duy trì sự sống, tình huống hay gặp ở một số ca bệnh lớn tuổi, liệt giường tại Nhật Bản. Cũng là bác sĩ Nội tổng quát chăm sóc những người già tại đất nước có gần 15% người trên 75 tuổi này, tôi thường xuyên thảo luận với bệnh nhân và người thân của họ về việc sống như thế nào và nên tận hưởng cuộc sống như thế nào. Điều này là cực kỳ quan trọng để không vô tình đưa bệnh nhân vào trạng thái duy trì sự sống ngày này qua tháng khác trên giường bệnh. Với rất ít giao tiếp, với dinh dưỡng cung cấp qua xông dạ dày hay các phương thức nhân tạo khác.
Sau một thời gian thu thập nghe ngóng thông tin, giờ là lúc cần bình tĩnh nhìn nhận rằng “Không lây Corona” không phải là mục tiêu cuộc sống của chúng ta. Những người hoạch định chính sách tại Nhật Bản đang bàn tính làm thế nào để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống “bình thường mới” sao cho an toàn nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn, khía cạnh xã hội quan trọng của con người.
Sống quen với nguy cơ
Trước tương lai phải “sống chung với lũ”, có lẽ chúng ta sẽ cần duy trì những việc làm “phiền phức” như rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, đúng lúc để tiếp tục cuộc sống. Nhiều người có thể e ngại hoặc lo lắng về nguy cơ phải đối mặt này.
Tuy nhiên, hãy đặt mọi thứ vào tổng thể, với con số gần 80 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ tại Việt Nam vừa qua. Mặc cho nguy cơ tử vong và tàn phế suốt đời do tai nạn giao thông vẫn còn cao, đang “lảng vảng đâu đó” dù được liệt vào nhóm phòng tránh được, nhiều người vẫn đang lao ra đường với ý thức giao thông thấp-kém. Nói vậy để thấy rằng dù việc đội mũ bảo hiểm để phòng ngừa đã thành một nếp sống mới sau nhiều quan ngại ban đầu, chúng ta vẫn đang sống với rủi ro tiếp diễn. Thật ra, đó cũng chính là bản chất của cuộc sống.
Điều đáng nói ở đây là rủi ro về dịch COVID-19 đang được vô tình phóng đại/zoom-up lên nhiều lần làm lu mờ những rủi ro khác. Thiết nghĩ rằng cần nhìn nhận COVID-19 trong tổng thể nhiều phần đa dạng của cuộc sống. COVID-19 không phải là tất cả cuộc sống.
Xem thêm bài:Những thông điệp từ dịch Covid-19
Tài liệu tham khảo
- https://zingnews.vn/cach-lam-khac-biet-cua-han-quoc-trong-khong-che-dich-virus-corona-post1057941.html
- https://viettimes.vn/hy-sinh-kinh-te-de-chong-covid19-chung-ta-co-the-chong-chiu-den-muc-nao-386046.html
- https://nld.com.vn/thoi-su/4-ngay-nghi-le-79-nguoi-chet-75-nguoi-bi-thuong-vi-tai-nan-giao-thong-20200503170432814.htm
- https://www.stat.go.jp/data/topics/topi1131.html