Một công ty khởi nghiệp ở Nhật phát triển camera AI có thể chỉ ra kẻ ăn cắp trước khi họ hành động
Vaak, một công ty khởi nghiệp của Nhật, đã phát triển phầm mềm trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện ra những kẻ đáng ngờ có khả năng ăn cắp cao, bằng cách phân tích các biểu hiện ngôn ngữ hình thể từ hình ảnh của camera an ninh.
Mặc dù AI thường được hình dung dùng trong trợ lý cá nhân thông minh hoặc xe tự lái, nhưng giờ đây công nghệ này đã được áp dụng cho việc phát hiện hành vi bất chính.
Như trong một cảnh của bộ phim “Minority Report”, thuật toán được dùng để phân tích hình ảnh camera an ninh và cảnh báo các nhân viên về kẻ đáng ngờ thông qua một ứng dụng điện thoại.
Mục tiêu là phòng ngừa: nếu có người tiếp cận mục tiêu và hỏi họ có cần giúp đỡ hay không thì rất có thể hành vi trộm cắp không bao giờ xảy ra.
Vaak gây chú ý vào năm ngoái khi giúp đỡ bắt một kẻ trộm trong cửa hàng tiện lợi ở Yokohama. Công ty đã lắp đặt thử nghiệm phần mềm trong cửa hàng, nhằm vào những hành động ăn cắp không được phát hiện ra trước đây. Thủ phạm đã bị bắt sau đó vài ngày.
Người sáng lập của Vaak, Ryo Tanaka, 30 tuổi, phát biểu, “Tôi đã thầm nghĩ vậy cuối cùng cũng thành công. Chúng tôi đã tiến một bước quan trọng đến xã hội mà ở đó tội phạm có thể được phòng ngừa bởi AI.”
Trên toàn thế giới, nạn trộm cắp trong cửa hàng đã gây thiệt hại 34 tỉ đô la năm 2017, cũng là nguyên nhân lớn nhất của hao hụt, theo báo cáo của Tyco Retail Solutions. Mặc dù nó chỉ chiếm xấp xỉ 2% doanh thu, nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong ngành công nghiệp nổi tiếng với lợi nhuận mỏng như dao cạo.
Cơ hội là rất lớn. Các nhà bán lẻ dự định sẽ đầu tư 200 tỉ đô la vào công nghệ mới năm nay, theo Gartner Inc., bởi họ đã trở nên cởi mở hơn với các công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như cải thiện lợi nhuận.
Thomas O’Connor, một nhà phân tích bán lẻ của Gartner cho biết, “Nếu chúng ta đến những cửa hàng ở Mỹ hoặc Anh, thường sẽ có các CCTV camera và một số dạng camera khác được lắp đặt trong cửa hàng. Có thể tận dụng hệ thống đó kết nối với công cụ phân tích để đưa ra kết quả phân tích thực tế một cách hiệu quả.”
Bởi liên quan đến bảo mật, các nhà bán lẻ đã yêu cầu các nhà cung cấp phần mềm Ai như Vaak và Third Eye ở London không tiết lộ thông tin họ sử dụng các hệ thống chống trộm.
Tuy nhiên, có thể phán đoán được một số các chuỗi cửa hàng tên tuổi lớn ở Nhật đang triển khai công nghệ này dưới hình thức này hay hình thức khác. Anh Tanaka cho biết Vaak đã được gặp gỡ hoặc được tiếp cận bởi một chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Nhật.
Các nhà bán lẻ lớn đã áp dụng công nghệ AI trong kinh doanh. Ngoài quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa phân phối và các nhu cầu doanh nghiệp khác, thuật toán AI còn chạy các ô chat hỗ trợ khách hàng trên trang web. Phân tích hình ảnh và video cũng đang được triển khai, ví dụ như Echo Look của Amazon giúp tư vấn thời trang cho khách hàng.
Anh Tanaka nói, “Chúng tôi chỉ mới khám phá tất cả tiềm năng của thị trường. Chúng tôi muốn tiếp tục mở rộng quy mô của công ty.”
Được thành lập từ năm 2017, Vaak hiện đang thử nghiệm tại vài chục cửa hàng ở khu vực Tokyo. Công ty bắt đầu bán phiên bản thương mại của phần mềm phát hiện trộm cắp tháng này, và hướng đến mục tiêu 100 nghìn cửa hàng trên toàn nước Nhật trong 3 năm tới. Công ty đang nhận 50 triệu yên tài trợ từ quỹ AI của Softbank và đang trong vòng kiểm nghiệm để tăng lên 1 tỉ yên.
Điều khiến cho phần mềm phát hiện trộm cắp dựa trên nền tảng AI trở thành một đề xuất hấp dẫn chính là việc hầu hết phần cứng – camera an ninh- đều đã được lắp đặt sẵn.
Vera Merkatz, giám đốc phát triển kinh doanh của Third Eye cho rằng, “Về cơ bản, đây là dùng cái mà trước nay chưa được dùng đúng mức.”
Được thành lập năm 2016, Third Eye cung cấp dịch vụ tương tự như Vaak ở Anh và có được hợp đồng với một chuỗi cửa hàng tạp hóa lớn. Công ty đang hy vọng mở rộng ra cả Châu Âu.
Khả năng phát hiện và phân tích các hành vi bất thường của con người còn có ứng dụng khác. Vaak đang phát triển một hệ thống tự tính tiền dựa trên hình ảnh video. Công ty muốn dùng hình ảnh video để thu thập thông tin khách hàng tương tác với mặt hàng như thế nào để giúp các cửa hàng trưng bày sản phẩm hiệu quả hơn.
Ngoài các cửa hàng, anh Tanaka có ý tưởng dùng phần mềm video ở các nơi công cộng và ga tàu để phát hiện các hành vi đáng ngờ hoặc người nhảy đường ray tự tử. Merkatz ở Third Eye cũng cho biết công ty họ được một công ty quản lý bảo mật tiếp cận nhằm tận dụng công nghệ AI của họ.
Hiroaki Ando, một nhà tư vấn bán lẻ tại công ty tư vấn Ernst&Young chi nhánh Tokyo, cho rằng, “Tiềm năng là rất lớn vì có thể ứng dụng cả ngoài mảng bán lẻ và phòng chống tội phạm, ví dụ như sản xuất hoặc các loại hình tiếp thị khác.”
Nguồn: Japantimes