Cha đẻ của Sony – Thần tượng của nước Nhật

Đăng ngày 01/11/2014 bởi iSenpai

Có một sản nghiệp đồ sộ từ gia đình, lẽ ra Akio Morita không cần phải lăn lộn từ tay trắng đến thế. Trên đống hoang tàn đổ nát của nước Nhật sau Thế chiến II, chàng thanh niên đam mê vật lý quyết tâm biến những quy luật, định lý khô khốc thành… tiền. Nghĩ khác và làm khác, Morita đã khiến cho thế giới phải ghi nhận sự trở lại của nước Nhật trong một vị thế mới.

Từ chối nối sản nghiệp gia đình
Morita sinh ngày 26/1/1921 ở Nhật trong một gia đình có truyền thống nấu rượu sake qua 15 thế hệ. Vào thời gian đó, hoạt động của họ cũng đã mở rộng với việc sản xuất đậu nành lên men và tương. Đó là một gia đình giàu có và có quan hệ với phương Tây, trong nhà thường bật máy quay đĩa và nhạc Tây.

Từ khi còn nhỏ, mọi người cho rằng Morita sẽ tiếp tục truyền thống sản xuất rượu sake của gia đình. Ông đã bắt đầu được chuẩn bị để đảm nhận công việc của gia đình khi mới 10 tuổi. Khi đó, bố ông cho ông tham dự tất cả các cuộc họp của công ty. Chỉ trong vài năm, Morita đã trở thành một chuyên gia ở mọi lĩnh vực từ kiểm soát tới sản xuất rượu, tới đánh giá chất lượng rượu do các nhà máy sản xuất, tới việc quản lý nhân viên.

Nhưng, trong lúc học hỏi từ công việc bên trong và bên ngoài gia đình, Morita cũng phát hiện ra niềm yêu thích của mình không chỉ có rượu, mà là cả toán học và vật lý
Khi học đến lớp 10, Morita nhận ra rằng ông không có ý định gìn giữ truyền thống gia đình, cho dù điều đó sẽ làm cha ông rất thất vọng.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Morita đăng ký vào Đại học Hoàng gia Osaka và tốt nghiệp với tấm bằng về vật lý vào năm 1944. Trong thời gian đó, ông đã thực sự yêu thích kỹ thuật và các thử thách của việc ghi âm thanh chất lượng cao.

Được đào tạo là một nhà vật lý học, Morita biết lĩnh vực của ông có thể được trọng dụng. Do đó, Morita tham gia Hải quân Nhật ngay sau khi tốt nghiệp. Lúc này đang là giai đoạn giữa của Thế chiến II. Tại đây, ông gặp Masaru Ibuka, một kỹ sư điện tử ở Uỷ ban Nghiên cứu thời chiến của Hải quân. Hai người cùng chia sẻ sở thích chung và nhanh chóng trở thành bạn thân.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Morita làm việc ở Viện Kỹ thuật Tokyo. Trong khi đó, Ibuka làm ở Viện nghiên cứu viễn thông. Morita và Ibuka đã cùng hợp sức với nhau vào thời điểm nhiều công ty ở Nhật Bản sa sút – hậu quả tất yếu của cuộc chiến tranh thế giới lần 2.

Biến kiến thức vật lý thành tiền

Thế chiến II kết thúc, nhưng với nhiều quốc gia, hậu quả của cuộc chiến khiến những năm tháng sau đó thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Hầu hết các thành phố lớn ở Nhật cùng với mạng lưới các nhà máy và giao thông bị tàn phá nặng nề. Tình trạng thiếu thực phẩm rất nghiêm trọng, chưa kể đến gần 3 triệu người có khả năng lao động đã bị thiệt mạng trong chiến tranh. Nhật Bản đứng trên đống đổ nát.

Nhưng, Morita đã rất tự tin rằng đất nước ông không chỉ hồi phục, mà có thể trở thành nước dẫn đầu trong thị trường toàn cầu, và ông muốn là một trong những người biến điều này thành hiện thực. Ông bàn bạc với bạn mình – Ibuka về cách họ có thể kết hợp kiến thức vật lý và chế tạo lại với nhau.

Năm 1946, Morita và Ibuka tìm ra một giải pháp: họ thành lập Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo có trụ sở đặt tại Nagoya.

Công ty đã được thành lập với số vốn ban đầu chỉ có 350 đô, trong một cửa hàng cũ bị bom tàn phá và đã bị cấm sau chiến tranh. Thậm chí ngay cả khi đã thuê 20 nhân viên, Morita và Ibuka vẫn không chắc chắn rằng họ sẽ tập trung vào sản phẩm nào, nhưng điều họ biết chắc chắn là họ muốn tạo ra những sản phẩm điện tử tiên tiến và có chất lượng cao để có thể đưa Nhật Bản trở lại bản đồ thị trường thế giới. Cái nhãn “sản xuất tại Nhật Bản” sẽ không chỉ dán trên các sản phẩm rẻ và chất lượng thấp nữa.

Lúc đó, Morita chỉ mới 25 tuổi, nhưng tuổi tác chẳng bao giờ là rào cản đối với việc mở rộng công ty. Năm 1949, Morita và Ibuka phát triển một loại băng ghi âm từ tính, mà dẫn tới sản phẩm đầu tiên của họ năm sau đó – máy ghi âm bằng băng. Đó là loại máy ghi âm đầu tiên ở Nhật bản. Làm ăn rất thuận lợi ở Nhật, nhưng Morita còn muốn nhiều hơn thế.

Làm khác biệt và đừng bận tâm đến thành tích ở trường

Ngang bướng, không thích tuân theo các quy tắc thông thường, cũng không coi trọng các thành tích ở trường, thế nhưng, Akio Morita – cựu chủ tịch của tập đoàn Sony luôn biết cách truyền cảm hứng sáng tạo cho nhân viên và đưa cho họ những cái đích để hướng đến. Theo ông, đó là công việc quan trọng nhất của người quản lý.

Quản lý nghĩa là truyền cảm hứng sáng tạo

“Ở vị trí quản lý, biết cách giải phóng sự sáng tạo bên trong của con người sẽ rất quan trọng” – Morita nói. “Tôi thừa nhận rằng ai cũng có khả năng sáng tạo, nhưng rất ít người biết cách sử dụng nó”. Morita đã tạo ra một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, nhưng không phải một mình ông làm được điều đó. Thực tế, trong sự nghiệp hơn 50 năm của mình, Morita là một trong những doanh nhân thẳng thắn đưa ra các nguyên tắc quản lý của mình, các nguyên tắc phần lớn dựa trên truyền thống của Nhật Bản.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một nhà quản lý Nhật Bản là phát triển các mối quan hệ vững mạnh với nhân viên, để tạo ra cảm giác tổ chức cũng giống như gia đình, cảm giác mà nhân viên và các nhà quản lý cùng chia sẻ chung một số phận” – Morita nói. “Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra những điều kiện mà các cá nhân có thể tập hợp với nhau trong tinh thần của nhóm, một rèn luyện khát khao về khả năng kỹ thuật của họ”.

Morita thường xuyên đến thăm các nhà máy và cố gắng để gặp từng nhân viên. Ông muốn chắc chắn rằng nhân viên của ông cảm thấy họ là những người bạn của công ty, chứ không phải là những công cụ được sử dụng. Dù vậy, trong khi đề cao cách làm việc nhóm và mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên, Morita cũng tin vào tầm quan trọng của khả năng cá nhân để phát huy sự tự do sáng tạo.

Với Morita, động cơ không đến từ tiền bạc, mà thay vì thế, chúng đến từ chất lượng công việc mà nhân viên của ông đang làm. “Tôi tin rằng mọi người làm việc vì sự thỏa mãn” – ông chia sẻ – “Tôi tin rằng, nếu nghĩ rằng tiền bạc là cách duy nhất để bù đắp công việc mà một người nào đó làm thì sẽ là một sai lầm lớn, mà nhân viên muốn họ cảm thấy vui vẻ với công việc của mình và tự hào về nó”.

Thực tế, Morita bất đồng với chính phủ Nhật khi họ cho rằng trang bị các phòng thí nghiệm lớn với các thiết bị hiện đại nhất là chìa khóa để kích thích sáng tạo. Cho dù muốn nhân viên của mình có được những phương tiện tốt nhất, ông biết rằng, chỉ có phương tiện thôi thì chưa đủ dẫn tới cách làm việc sáng tạo và hiệu quả.

Morita cũng tin vào việc lên kế hoạch và đầu tư lâu dài, ngược với việc lấp đầy bằng lợi nhuận theo hàng quý mà ông nghĩ rằng các công ty của Mỹ vẫn làm. Sony luôn tập trung vào việc thuê những người có thể kết hợp làm việc với nhau. Morita không bao giờ quan tâm đến chuyện nhân viên của ông có học từ các trường đại học tốt nhất hay không hay việc họ có đạt điểm cao hay không. “Tôi hình thành một quy tắc rằng, khi chúng ta thuê một nhân viên, thành tích ở trường chỉ là vấn đề của quá khứ, thành tích ấy không còn được sử dụng để đánh giá công việc hoặc quyết định về sự thăng tiến nữa”. Năm 1966, ông còn viết một cuốn sách về vấn đề này với nhan đề “Đừng bao giờ bận tâm vì các thành tích ở trường”.

Morita tin rằng phong cách quản lý của ông luôn luôn pha trộn giữa phong cách phương Tây và truyền thống của Nhật Bản. Ông kết hợp cả hai để tạo nên một phong cách riêng, và phong cách đó đã đưa ông đến đỉnh cao.

Thách thức các quy định và phá vỡ các khuôn mẫu

Năm 1989, cùng với chính khách người Nhật Ishihara Shintaro, Morita viết một cuốn sách về sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, có tên gọi: “The Japan That Can Say No”. Trong đó, Morita phê bình doanh nghiệp Mỹ vì những điều ông xem là “làm lõm sâu” nền kinh tế của đất nước. Đặc biệt, ông nghĩ sự tập trung của họ vào sự liên kết và những gì giành được, và tái định vị lại tổ chức nước ngoài, đã lấy đi sự sáng tạo của sức mạnh sản xuất thực sự.

Morita bàn về thực tế rằng, thu nhập cao của hầu hết các CEO người Mỹ thực ra làm tổn hại đến công ty của họ, ngược với cộng đồng các công ty của Nhật ngày càng bình đẳng và kết nối chặt chẽ. Ông cũng lí giải cho sự quyết đoán của Nhật bản trên thương trường. Ông đã khen ngợi sự cởi mở của thị trường Mỹ, đồng thời phê bình nước ông vì tư duy đóng. Tuy nhiên, trong sự phê bình của ông, thì những lời khen ngợi hiếm khi được dư luận Mỹ lắng nghe.

Morita nói: “Theo quan điểm của tôi, hệ thống quản lý của người Mỹ dựa quá nhiều vào những người bên ngoài giúp họ ra quyết định kinh doanh, và điều này dẫn tới việc người Mỹ cảm thấy thiếu an toàn khi phải ra quyết định trong công việc, khi so sánh với hầu hết các nhà điều hành của Nhật Bản”.

Đó là những tuyên bố có thể gây ra sự kích động trên thế giới ngay khi cuốn sách được dịch từ tiếng Nhật ra tiếng Anh. Morita bị gọi là một doanh nhân ngạo mạn và thậm chí một số người còn từ chối làm ăn với ông. Nhưng với Morita, thẳng thắn là một phần tự nhiên của ông. Morita đã bất chấp các quy định từ khi ông sinh ra.

Là đứa con lớn nhất trong gia đình, Morita luôn được mong đợi sẽ đi theo truyền thống của Nhật Bản, kế thừa truyền thống nấu rượu sake 15 thế hệ của gia đình. Nhưng Morita chưa bao giờ có ý định làm vậy. Thay vì thế, ông lựa chọn đi theo trái tim mình, và mạo hiểm khởi nghiệp trong một môi trường kinh doanh đầy mạo hiểm hơn – Nhật Bản sau thế chiến II.

Khi Morita làm bố, theo truyền thống của Nhật, ông nên gửi ba đứa con của mình tới các trường học nghiêm khắc của Nhật. Tuy nhiên, Morita từ chối. Ông muốn những đứa con của mình được giáo dục trong các trường học mà có thể làm cho chúng trở thành các công dân quốc tế và các nhà lãnh đạo toàn cầu mà ông biết rằng chúng có khả năng trở thành.

Cũng với tính cách không chịu theo các quy tắc khuôn mẫu đó mà Morita đã giành được mọi thứ trong đời mình, bao gồm cả việc kinh doanh. Khi đối thủ cạnh tranh bảo ông rằng khách hàng chỉ muốn các sản phẩm với kích cỡ và hình dạng tiêu chuẩn, Morita làm các sản phẩm nhỏ hơn và có thể mang theo được. Và, khi các nhà điều hành Nhật Bản được mong đợi là sẽ im lặng, không tranh cãi và ẩn danh, thì Morita dám nói lên những quan điểm của mình.

Sự sẵn sàng thách thức với các quy tắc đã dẫn Sony trở thành công ty đầu tiên của Nhật Bản có tên niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Morita đã lót đường cho các công ty Nhật Bản tăng nguồn vốn nước ngoài, thay vì cách vay tiền từ các ngân hàng trong nước như truyền thống trước đây.

Ngày nay, các ý tưởng trái với thói thường của Morita đã thay đổi khá nhiều đến cách kinh doanh của thế giới.

Tự tạo ra thị trường

Năm 1950, Công ty Kỹ thuật viễn thông Tokyo gặp phải một khó khăn. Morita và Ibuka đã chế tạo ra chiếc máy ghi âm bằng băng đầu tiên, nó hoạt động được, họ tin rằng nó có tiềm năng lớn, nhưng lại không ai có nhu cầu mua nó.

Chỉ rất ít người Nhật thích thú với thiết bị nhỏ nhưng dường như không có khả năng sử dụng thực tế này, cho đến khi một nhóm giáo viên phát hiện ra sản phẩm này và nhận ra rằng nó có thể được sử dụng trong lớp học. Không để lỡ cơ hội, Morita và Ibuka bắt đầu sản xuất các chương trình đào tạo bằng âm thanh bằng băng để đáp ứng nhu cầu của các giáo viên. Họ cũng bắt đầu đi đến các trường học ở Nhật Bản, giới thiệu sản phẩm mới của họ với các giáo viên và chứng tỏ chúng có lợi cho các trường học như thế nào.

Thứ từng bị xem là một sản phẩm tiên tiến nhưng không có thị trường nhanh chóng trở thành một sản phẩm tiên tiến có nhu cầu cao ở khắp Nhật Bản. Thiết bị này được bán nhanh đến nỗi các công ty hiếm khi đáp ứng đủ nhu cầu. Morita đã không chỉ cải thiện được lợi nhuận của mình, mà còn nhanh chóng học được một bài học đáng giá. Không cần phải tạo ra các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, ông có thể tự tạo ra thị trường. Và, đó là một bài học mà ông luôn nhớ trong đầu trong suốt những năm tháng ở Sony.

Cho dù có trực giác rất tốt, Morita cũng không phải là một người hoàn hảo. Ông đã đứng sau rất nhiều sản phẩm không tạo ra được lợi nhuận. Ví dụ, Sony đã đưa ra băng có trọng lượng lớn, một sản phẩm với công nghệ tiến bộ hơn bất kỳ sản phẩm nào thời kỳ đó. Chất lượng hình ảnh của nó không có gì sánh kịp. Thế mà, khi một trong những đối thủ cạnh tranh của Sony tung VHS ra thị trường, sản phẩm của Morita đã “thất thế”. Khả năng ghi lâu hơn của VHS nhanh chóng trở nên thông dụng với khách hàng.

Là một doanh nhân ngang bướng, Morita từ chối hợp tác với bất kỳ kỹ thuật nào của VHS cũng như việc thay đổi sản phẩm của mình. Kết quả là, Sony đã thiệt hại nặng. Nhưng điều đó không ngăn Morita nghe theo trực giác. Ông biết rằng nơi sản phẩm của ông là sản phẩm tiên tiến nhất trên thị trường, thì ông có thể bán được nó.

Vì sự sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đó, năm 1972, Morita được Viện Khoa học và nghệ thuật truyền hình quốc gia trao giải thưởng Emmy cho sản phẩm Trinitron. 4 năm sau, ông nhận được giải thưởng Emmy lần hai vì hệ thống ghi băng video U-Matic.

Morita biết rằng thị trường của ông là một thị trường cạnh tranh gay gắt, và cách duy nhất để đứng vững là tìm được chỗ đứng. Nơi không có thị trường, ông biết mình có thể tạo ra thị trường. Và đó chính xác là những điều mà Akio đã làm ở Sony.

Nguồn lanhdao.net

Trả lời