Chế độ bảo hiểm ở Nhật (Phần 1)

Đăng ngày 23/03/2019 bởi iSenpai

Khi làm việc tại Nhật không biết các bạn đã từng có suy nghĩ, “ Phòng khi ốm đau, tôi muốn tham gia bảo hiểm y tế nhưng còn chế độ lương hưu thì bởi vì cho đến lúc có thể nhận lương hưu tôi không còn ở Nhật nên không muốn đóng” hay “Người nước ngoài như mình có được miễn bảo hiểm không nhỉ?” chưa?

Thực ra Bảo hiểm xã hội của Nhật Bản có tới 4 loại : Bảo hiểm lương hưu, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm an toàn lao động, Bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm lương hưu và bảo hiểm y tế luôn đi cùng nhau vì vậy không thể có trường hợp chỉ nộp bảo hiểm y tế mà không đóng bảo hiểm lương hưu. Tuy nhiên trường hợp bảo hiểm lương hưu cũng có ngoại lệ. Đó là những người lao động ở những nước có hiệp định với Nhật Bản tuy nhiên Việt Nam chúng ta hiện tại vẫn chưa ký kết vì thế có thể coi là người lao động Việt Nam vẫn bắt buộc phải nộp bảo hiểm này.

Người nước ngoài khi học tập hoặc làm việc tại Nhật bản bắt buộc phải có tư cách lưu trú. Tư cách lưu trú có thời hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm. Trước khi hết hạn người lao động phải làm thủ tục xin gia hạn. Từ ngày 1 tháng 4 năm 2010 trở đi khi xin gia hạn tư cách bạn cần phải trình thẻ bảo hiểm. Vì vậy trong tương lai rất có thể tham gia bảo hiểm là một trong những điều kiện để gia hạn tư cách lưu trú.  

Quỹ lương hưu phúc lợi và bảo hiểm y tế 

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về bộ đôi quỹ lương hưu phúc lợi (厚生年金) và bảo hiểm y tế (健康保険) nhé.

Quỹ lương hưu và phúc lợi bất kỳ cá nhân nào, kể cả người nước ngoài trong độ tuổi 20- 60 đều bắt buộc phải nộp. Khi về già, họ sẽ nhận được số tiền lương hưu tùy thuộc vào số tiền bảo hiểm đã nộp. Nghe đến đây thì có vẻ những lao động nước ngoài khá thiệt thòi. Tuy nhiên, cần hiểu 2 điểm quan trọng. Thứ nhất, không thể chỉ tham gia bảo hiểm y tế mà không tham gia bảo hiểm lương hưu phúc lợi được. Thứ hai, không tham gia bảo hiểm lương hưu phúc lợi là một hành vi phạm pháp. Đồng thời, Nhật Bản có chế độ thanh toán một lần khi ra khỏi bảo hiểm. Chế độ này chính là dành cho những người nước ngoài khi chưa đến tuổi nhận lương hưu đã phải về nước vì vậy lao động nước ngoài sẽ không phải chịu thệt thòi nữa.

Bảo hiểm lương hưu phúc lợi đối với người lao động nước ngoài làm việc bán thời gian

Những trường hợp visa là người lao động thì việc tham gia bảo hiểm là nghĩa vụ bắt buộc rồi, vậy còn trường hợp những lưu học sinh xin được “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” hay những người nước ngoài có visa đoàn tụ gia đình thì sao?

Để xét xem những trường hợp này có thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm không phụ thuộc vào thời gian quy định làm việc trong ngày và số ngày lao động so với những người lao động làm tại cùng công ty, làm cùng một công việc.

Nếu thời gian quy định làm việc 1 tuần bằng ¾  và số ngày làm việc 1 tháng bằng ¾  so với nhân viên chính thức tại đó sẽ thỏa mãn điều kiện là đối tượng đóng bảo hiểm.

Ví dụ: Nhân viên chính thức tại công ty có thời gian quy định làm việc 1 tuần là 40h, tổng 1 tháng là 160h thì những người làm việc trên 30h/ tuần và 120h/ tháng thì sẽ thuộc đối tượng đóng bảo hiểm.

Tuy nhiên những người tuy chưa đủ ¾ thời gian so với nhân viên chính thức mà đủ 5 điều kiện dưới đây cũng sẽ thuộc đối tượng đóng bảo hiểm:

– Thời gian làm việc trên 20h/ tuần.

– Người có nguyện vọng muốn làm việc trên 1 năm.

– Tiền lương hàng tháng trên 8,8000 yên

– Không phải học sinh.

– Doanh nghiệp tại thời điểm có trên 501 người lao động làm việc.

Chế độ tiền thanh toán một lần khi ra khỏi bảo hiểm

Chế độ thanh toán một lần dành cho người nước ngoài, sau khi về nước, trong vòng 2 năm, tùy thuộc vào số tiền bảo hiểm đã đóng có thể làm đơn để nhận lại.

Để có thể nhận lại tiền thanh toán một lần này bạn phải thỏa mãn những điều kiện sau:

  • Không có quốc tịch Nhật Bản.
  • Đã đóng Bảo hiểm Lương hưu phúc lợi (厚生年金保険) hay Bảo hiểm Lương hưu công vụ (共済組合) trên 6 tháng.
  • Không còn địa chỉ tại Nhật Bản.
  • Không có quyền lợi nhận lương hưu (bao gồm lương hưu tai nạn).
  • Nộp đơn trong vòng 2 năm kể từ ngày không còn địa chỉ tại Nhật Bản.

Tùy theo thời gian đã tham gia bảo hiểm mà số tiền nhận được sẽ như sau:

Thời gian đã đóng bảo hiểm

Số tiền nhận được

Số tiền

Trên 6 tháng đến 12 tháng

Tiền lương cơ bản x 0.4

39 900 yên

Trên 12 tháng đến 18 tháng

Tiền lương cơ bản x 0.8

79 800 yên

Trên 18 tháng đến 24 tháng

Tiền lương cơ bản x 1.2

119 700 yên

Trên 24 tháng đến 30 tháng

Tiền lương cơ bản x 1.6

159 600 yên

Trên 30 tháng đến 36 tháng

Tiền lương cơ bản x 2.0

199 500 yên

Trên 36 tháng

Tiền lương cơ bản x 2.4

239 400 yên

Phần Bảo hiểm y tế khá dài nên sẽ được giải thích ở phần hai nhé.

Bảo hiểm thất nghiệp

Dù là người nước ngoài, hoặc làm bán thời gian nhưng nếu thỏa mãn những điều kiện sau đây thì đều pahir nộp bảo hiểm thất nghiệp:

– Người lao động có nguyện vọng hợp đồng lao động trên 31 ngày.

– Số thời gian làm việc quy định trên 20h/ tuần

Những bạn có tư cách lưu trú là lưu học sinh trên nguyên tắc là không được làm việc nhưng nếu xin được “Hoạt động ngoài tư cách lưu trú” thì có thể làm thêm và giới hạn là 28h/ tuần. Trường hợp này tuy đã thỏa mãn điều kiện làm việc trên 20h/ tuần nhưng vì học trong các trường học cả ngày nên vẫn không thuộc đối tượng phải nộp bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và xin việc tại các công ty thì sẽ là đối tượng phải nộp bảo hiểm.

Các đối tượng học trực tuyến, học buổi tối tại đại học, hệ đào tạo vừa học vừa làm nếu thỏa mãn các điều kiện trên thì vẫn phải tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm an toàn lao động

Bảo hiểm an toàn lao động này sẽ do người chủ lao động đóng. Cho dù có 1 người lao động hoặc người lao động bất hợp pháp, đều bắt buộc phải đóng loại bảo hiểm này. Nếu khi chưa đóng bảo hiểm an toàn lao động mà có xảy ra tai nạn thì sau đó sẽ bị truy cứu lại toàn bộ số tiền nộp bảo hiểm mà ngoài ra người chủ còn phải nộp thêm 100% hoặc 40% số tiền bảo hiểm đó.

Đến đây các bạn đã phần nào hiểu về chế độ bảo hiểm của Nhật Bản chưa nào? Phần tiếp theo ISenpai sẽ tiếp tục giới thiệu tới các bạn lợi ích của việc tham gia Bảo hiểm y tế nhé.

Nguồn tham khảo: https://visa.yokozeki.net/shakai-hoken/ 

http://www.eriw-office.com/article/13317088.html 

Trả lời