Mặc dù đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi do tăng tính rủi ro nhưng có đến 60% doanh nghiệp có xu hướng mở rộng hoạt động trong tương lai.
Trong báo cáo thực trạng hoạt động doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam công bố sáng 23/2 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, trong 5 hạng mục hàng đầu về “rủi ro trong môi trường đầu tư” của toàn khu vực thì Việt Nam đã tăng 4 điểm so với năm ngoái.
Điều này cho thấy môi trường đầu tư đang xấu đi.
Trên 60% doanh nghiệp được khảo sát chỉ ra vấn đề rủi ro về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch khiến Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 về độ rủi ro trong 15 quốc gia.
Bên cạnh đó, hơn một nửa số doanh nghiệp nhận định vấn đề rủi ro là chi phí nhân công tăng cao, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách, thủ tục thuế phức tạp.
Về hoạt động kinh doanh, Việt Nam vẫn thuộc tỷ lệ cao khi có 80% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng”, và 65% doanh nghiệp cho biết gặp “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
“Các DN Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện nào cả. Dù chúng tôi biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư song trên thực tế, các DN Nhật Bản chưa cảm nhận được điều này”, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, phát biểu tại buổi họp báo.
Mặc dù liên tiếp đưa ra những khó khăn gặp phải tại môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam song báo cáo này lại chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn ở Việt Nam có lãi là 58,8%, chiếm trên một nửa số doanh nghiệp.
Trong khi đó, số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 26,2%.
Thậm chí, có đến 63,9% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm 2016 và tiếp tục coi đây là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 85% doanh nghiệp cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh.
Tại sao trong khi môi trường đầu tư xấu đi, làm ăn không có lãi nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn mở rộng đầu tư, tiếp tục đầu tư ở Việt Nam?
Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, ông Atsusuke Kawada cho biết: Các DN Nhật đang kỳ vọng vào việc hội nhập kinh tế của Việt Nam với việc Việt Nam chuẩn bị kỹ khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Trong đó, DN Nhật kỳ vọng lớn nhất qua việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời là đơn giản hóa các thủ tục hải quan, dỡ bỏ thuế nhập khẩu, chính sách thuế , thống nhât trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ .
Kỳ vọng đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) về thuận lợi hóa trong thương mại và thuế qua, tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc nguồn gốc xuất xứ.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 6 năm 2015, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào Việt Nam với 2.661 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư là 37,7 tỷ USD, chỉ sau Hàn Quốc.
Tuy nhiên hiện nay, đầu tư của các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, xu hướng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Nhật Bản chỉ xếp thứ 5/48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với gần 496,4 triệu USD, chỉ chiếm 9% tổng số vốn FDIvà bằng 61,6% tổng số vốn FDI cùng kỳ năm trước.
Theo Tri Thức Trẻ/ Cafebiz