…Từ những ngày lớp 5, khi mới bắt đầu làm quen với bảng chữ cái tiếng Anh, làm quen với môn học gọi là ngoại ngữ, cho đến khi nhận thức được rằng tương lai của mình sẽ gắn liền với ngôn ngữ, mình luôn có một tâm niệm duy nhất trong việc học ngôn ngữ là cần cù, tích tiểu thành đại.Những gì mình chia sẻ với các bạn qua các clip chỉ đến lúc các bạn nhắn tin hỏi, mình mới lục lọi và sắp xếp lại nội dung để truyền đạt tới các bạn. Và mình xin nhấn mạnh lại lần nữa, đó chỉ là những CHIA SẺ không phải BÍ QUYẾT. Không có một thứ chuẩn mực nào cho việc học ngôn ngữ, vì có thể cách học đó hợp với mình, nhưng không hợp với bạn và ngược lại. Mà giả dụ có bí quyết đi chăng nữa, thì bí quyết duy nhất với mình đó là KHỔ LUYỆN. Tất nhiên, muốn khổ luyện cũng nên biết nên khổ luyện điều gì để vừa không mất thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả. Sau đây là một số quan điểm cá nhân của mình về việc học tiếng Nhật nói riêng và ngôn ngữ nói chung.Rất hi vọng có thể cùng các bạn chia sẻ và đưa ra những ý kiến thảo luận tích cực.
1. Một người giỏi ngôn ngữ phải là người giỏi cả quốc ngữ lẫn ngoại ngữ.
Bạn đã thực sự tự tin rằng mình là người giỏi tiếng Việt chưa? Bạn đã thử một lần dịch một câu tiếng Nhật sang tiếng Việt sao cho thật thuần Việt và trôi chảy chưa? Đừng lầm tưởng rằng chỉ có phiên dịch mới cần phải giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng ngoại ngữ. Nhiệm vụ của một người phiên dịch không phải là cố ngồi nghe hay ngồi dịch từng chữ từng chữ một mà đó là công việc yêu cầu sự linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ. Làm thế nào để có thể truyền tải một thông tin bằng tiếng Nhật sang tiếng Việt trong một thời gian ngắn để đạt được hiệu quả giao tiếp, nghe thì đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một người có trong tay bằng cấp này nọ nhưng lại lúng túng trước một câu ngoại ngữ khi được yêu cầu dịch sang tiếng mẹ đẻ. Tập đọc, tập dịch song ngữ cũng là cách rèn luyện tư duy và phản xạ ngôn ngữ. Hãy cố gắng giỏi tiếngViệt trước khi bạn muốn giỏi một ngoại ngữ nào đấy.
2. Trình tự học: ĐỌC- NGHE- VIẾT- NÓI.
Như mình đã chia sẻ trong Clip thứ 2 về việc làm thế nào để có thể nói tiếng Nhật một cách tự nhiên nhất, mình đã nhấn mạnh NÓI là kỹ năng không cần quá phụ thuộc vào ngữ pháp. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không học ngữ pháp hay bỏ qua ngữ pháp. NÓI là khâu cuối cùng sau khi bạn lĩnh hội được kiến thức đúc kết từ ba kỹ năng còn lại. Và với mình, một thứ tự học khôn ngoan nhất là đó là ĐỌC-NGHE-VIẾT-NÓI. Cần đọc nhiều để nắm được ngữ pháp, ý tứ của câu, và rèn luyện khả năng đọc hiểu nhanh, nắm đại ý. Sau đấy là nghe. Hai kỹ năng này mình vận dụng triệt để khi xem ti vi, nghe hát, và tin tức thời sự có phần ghi nội dung. Đôi tai của bạn cần thời gian thích ứng với âm thanh, nhưng để đôi tai không bị ngợp hoặc shock thì bạn nên tập đọc trước để làm quen với từ vựng, ngữ pháp trước khi nghe. Vì nếu nghe mà không hề biết thực tế mình đang nghe cái gì sẽ dẫn đến tình trạng chán nản và dễ bỏ cuộc.
Về kỹ năng viết, đây là kỹ năng rất khó, và chúng ta nên thầm cảm ơn trời đất vì kỳ thi năng lực tiếng Nhật không cho kỹ năng này vào nội dung thi. Hihi. Mình luyện viết bằng cách nghe tin, nghe lời bài hát, viết lại và học thuộc những cách diễn đạt mình thích. Ngoài ra, mình còn viết stt bằng tiếng Nhật trên trang cá nhân nữa. Đây cũng là hình thức ngụy trang cực tốt cho những ai muốn tránh không cho thầy bu ở nhà đọc được mình đang viết cái gì;D.
Cuối cùng là kỹ năng nói.Để giao tiếp thông thường, thực sự bạn không cần có đến N1 hay học gì cao siêu nhưng để nói được một câu tiếng Nhật đơn giản mà trôi chảy cũng như là phản ứng tốt trong giao tiếp, cần có thời gian luyện tập. Nói là kỹ năng giúp bạn nhớ lâu nhất những gì bạn học, vì chỉ có khi nói ra bằng miệng, bạn mới nhanh nhớ mà thôi. Và như mình đã chia sẻ, hãy tập đứng trước gương và thu âm lại giọng nói của mình. Đứng trước gương nói thực chất là hình thức để rèn luyện sự tự tin, khi tự cho mình vào thế giới riêng của mình. Và sau này dù có đứng trước bao nhiêu người phát biểu thì cũng hãy coi họ là chiếc gương đó để tự tin mà nói. Hãy dành 30 phút mỗi ngày cho việc tập nói (nói gì cũng được) để luyện phát âm và luyện cả độ dẻo dai cho cơ miệng nữa nhé.
3. Bằng cấp chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực chứ không phải là minh chứng cho thực lực.
Mình đồng ý thước đo cho trình độ của các bạn khi muốn phỏng vấn xin việc là đã có bằng N2, N1, đã có kinh nghiệm đi làm chưa,…nhưng chỉ có bạn hiểu rõ thực lực của mình nhất. Đừng choáng ngợp khi thấy các sempai có bằng này bằng kia, hay nghe thấy các bạn sang trước bắn tiếng Nhật như đúng rồi mà đã thấy hoảng và chán nản. Và một điều nữa, bạn không cần phải tập nói quá nhanh, vì không ai thi với bạn cả, nói chậm nhưng phải nói đúng, nói chắc. Có chắc rồi việc đẩy nhanh tốc độ cũng dễ dàng hơn.
Có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi mình : Làm thế nào để vừa học nhanh, không mất thời gian mà vẫn nhớ lâu? Câu trả lời của mình là : Không có con đường nào ngắn và dễ dàng cả. Con đường đến với ngày hái quả sẽ trở nên ngắn hơn nếu như sự kiên trì nỗ lực ươm mầm của bạn dài hơn mỗi ngày.
Theo Duong Linh tu Cong Dong Viet Nhat
One thought on “Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc học tiếng Nhật nói riêng và ngoại ngữ nói chung”
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
ありがとうございます。