Aoi Murata, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba tại Đại học Nghệ thuật Akita, đã tích lũy được hơn 46.000 chữ ký vào đầu tháng 9 để ủng hộ chiến dịch mà cô bắt đầu vào tháng 4 nhằm loại bỏ tận gốc những hình ảnh quảng cáo mang tính phân biệt đối xử về ngoại hình của con người. Cô dự định sẽ gửi chữ ký cho các công ty phát trực tuyến các quảng cáo đó và YouTube sau khi đạt được mục tiêu 50.000 chữ kí.
Ngành công nghiệp làm đẹp của Nhật Bản thường bị chỉ trích vì quảng bá các tiêu chuẩn không thực tế, ví dụ như các sản phẩm làm trắng da và các liệu trình tạo mắt hai mí, tất cả đều dưới danh nghĩa để đạt được “vẻ đẹp”. Các chuyên gia cho rằng những quảng cáo như vậy bao gồm cả quảng cáo về thực phẩm chức năng, thuốc tẩy lông hay các sản phẩm khác có khả năng đã gây ra một lầm tưởng về vẻ đẹp với ngụ ý rằng mỡ thừa và có lông là không đẹp, không sạch sẽ,… Ví dụ như một quảng cáo có hình thức manga về một cô gái rơi nước mắt sau khi bị gia sư cũ từ chối, anh ta nói “Tôi không hẹn hò với những người béo”. Những đặc điểm cơ thể được đưa ra trong các quảng cáo như thể chúng rất xấu xí. Điều đó khiến nhiều người lo lắng và cảm thấy tổn thương mỗi khi nhìn thấy chúng.
Murata chia sẻ cô đã bị các bạn cùng lớp ở trường tiểu học và trung học trêu chọc vì thân hình bụ bẫm do đó cô hiểu được những trải nghiệm đó có thể gây tổn thương như thế nào. Và khi lớn hơn, cô đã đặt câu hỏi về các phương pháp quảng cáo lôi kéo mọi người mua sản phẩm bằng cách xúc phạm ngoại hình của họ. Murata nói: “Trẻ em ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với internet, và cuối cùng chúng sẽ có hiểu biết sai lệch về giá trị thật sự. Chúng ta cần dừng lại việc này vì lợi ích của thế hệ tiếp theo”.
Ngoài ra, Murata cho biết cô không phản đối mọi người ăn kiêng, sử dụng các sản phẩm tẩy lông hoặc thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ nếu điều đó khiến họ hài lòng. Khiếu nại của cô nhắm tới những nhà quảng cáo mà theo cô họ đã không tôn trọng mọi người chỉ vì muốn bán được sản phẩm. Theo Tổ chức Đánh giá Quảng cáo Nhật Bản (JARO), một cơ quan tự quản lý xử lý các khiếu nại và thắc mắc về quảng cáo từ người tiêu dùng, đã có 631 đơn khiếu nại từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái . JARO suy đoán rằng một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này là dịch bệnh khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn để lướt internet khi họ ở nhà.
Khi những lời chỉ trích ngày càng tăng về các quảng cáo body-shaming, một số công ty đã bắt đầu các biện pháp đối phó. Chi nhánh tại Nhật Bản của Google LLC, công ty điều hành YouTube, cho biết họ đã xóa hàng nghìn quảng cáo vi phạm chính sách của mình. Mặt khác, một số nhà quảng cáo lại đang thúc đẩy “sự đa dạng về ngoại hình” so với hiện trạng để phá vỡ những quy chuẩn về cái đẹp. Ví dụ, Kai Corp., một nhà sản xuất lớn về lưỡi dao cạo và dụng cụ cắt công nghiệp, đã gây chấn động với tấm bảng quảng cáo có hình ảnh một người mẫu Nhật Bản tự hào giơ cả hai cánh tay khoe lông nách ở Shibuya, thánh địa thời trang của Tokyo, vào tháng 8 vừa qua. Theo công ty Kai Corp., quyết định sản xuất một quảng cáo như vậy là vì họ biết được một số phụ nữ trẻ nói trên mạng xã hội rằng họ lo lắng về lông trên cơ thể nhưng không thể cạo vì làn da mỏng manh. Chính vì vậy, họ muốn tiếp tục gửi đi thông điệp sẽ giúp mọi người giải phóng bản thân khỏi những định kiến về lông trên cơ thể.
Tham khảo:
https://english.kyodonews.net/news/2020/09/1d809efe86d4-feature-japanese-art-student-campaigns-to-eliminate-body-shaming-ads.html
https://www.japantimes.co.jp/news/2020/09/25/national/social-issues/student-youtube-body-shaming-ads/