Việc tái đắc cử được kỳ vọng sẽ giúp Thủ tướng Abe có thêm quyền lực và thời gian thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng nội địa để đưa Nhật Bản nhanh chóng thoát suy thoái.
Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe vừa tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm nay, sau chiến thắng của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử trước thời hạn ngày 14/12. Việc này sẽ giúp ông Abe có thêm thời gian thực hiện các chính sách kích thích tài chính và củng cố quyền lực cần thiết để tiếp tục chống giảm phát.
Khi kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử, Abe đã đánh cược đảng ông có thể giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý về nhóm chính sách kinh tế “Abenomics”. Dù thực tế là kinh tế Nhật Bản vừa chìm vào suy thoái. Sự liều lĩnh này đã mang lại kết quả rất tốt, khi LDP và đối tác liên minh cầm quyền – Komeito, giành 326 trên 475 ghế trong Hạ viện, cao hơn con số 313 ghế cần để duy trì thế đa số.
“Kiểm soát các chính sách kinh tế là trọng tâm của cuộc bầu cử này. Thông điệp chúng tôi nghe được từ phía người dân Nhật Bản là hãy tiến về phía trước cùng với Abenomics”, ông Abe cho biết. Nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài đến năm 2018 và Abe sẽ trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong 40 năm qua.
Ông hy vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ giúp ông có thêm nhiệm kỳ để giải quyết các yếu tố khó khăn hơn của chương trình cải cách “3 mũi tên”. Đến nay, Abe đã thành công với 2 mũi đầu tiên – bơm tiền vào thị trường thông qua kích thích tài chính, và tạo việc làm thông qua chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cơ cấu lại nền kinh tế Nhật Bản nổi tiếng không chịu thay đổi thông qua các cải cách chính trị sẽ khó khăn hơn. Những nỗ lực chấm dứt 2 thập kỷ kinh tế trì trệ, suy thoái và giảm phát đã bị ảnh hưởng bởi những quyền lợi về nông nghiệp và lao động bất di bất dịch.
Giờ đây, ông Abe sẽ phải thực hiện lời hứa cải cách sâu rộng của mình. “Khả năng thúc đẩy cải cách tài chính và cơ cấu của ông ấy có phần hạn chế trong 2 năm qua. Nhưng bây giờ, mọi người sẽ yêu cầu LDP phải hành động nhanh chóng. Việc thắng cử sẽ giúp ông Abe tin tưởng mình được ủy nhiệm để thực hiện điều đó”, Heidi Richardson – chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại BlackRock nói.
Trong bối cảnh chính trị này, Nhật Bản về cơ bản là sân chơi vĩ mô với các nhà đầu tư trong vài tháng qua. Sau bầu cử, những lo ngại về GDP của Nhật Bản giảm trong 2 quý liên tiếp có thể nhường chỗ cho sự lo lắng về những tác động mà Abenomics sẽ mang đến cho thị trường Nhật Bản.
Dù giá cả trên thị trường đã tăng trở lại với dự đoán về chiến thắng của ông Abe, và thực tế chứng khoán Nhật Bản là một món hời tương đối so với các thị trường phát triển khác, dòng tiền đầu tư trong nước và quốc tế vẫn chưa nhúc nhích. Tuy nhiên, khi quyền lực của Abe được củng cố, điều này có thể thay đổi.
Thị trường đang kỳ vọng vào một gói kích thích tài chính mới, tập trung vào phục hồi chi tiêu hộ gia đình, giảm bớt gánh nặng lên vai các doanh nghiệp vừa và nhỏ (những đối tượng coi sự suy yếu của đồng yên như một loại thuế) và chi tiêu vào hệ thống cơ sở hạ tầng già cỗi, trong đó có việc chi tiền cho ngành năng lượng hạt nhân. “Tóm lại, gói kích thích này sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, bây giờ điều này là cốt yếu đối với Abe”, Richardson cho biết trên Bloomberg.
Chính sách trọng tăng trưởng của Abe, đặc biệt là chương trình mua lại trái phiếu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản, đã làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp. Sự can thiệp này đã khiến đồng yen giảm giá 30% so với USD, làm tăng thu nhập của các hãng xuất khẩu Nhật Bản.
Phấn chấn với chiến thắng của mình, ông Abe được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thông qua gói kích thích trị giá 25 tỷ USD vào tháng 3/2015. Đây được coi là phiếu giảm giá khi mua sắm cho người tiêu dùng – đối tượng bị tổn thương bởi việc tăng thuế tiêu thụ trong tháng 4, và cứu trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ hơn đangbị tác động mạnh bởi đồng yen yếu.
Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán của Nhật Bản không thoát được xu hướng bán tháo trên toàn cầu. Chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,6 % trong ngày giao dịch đầu tiên sau cuộc bầu cử 2 tuần trước, do chứng khoán Mỹ đi xuống và giá dầu sụt giảm.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, đối với các nhà đầu tư kiên nhẫn, hai mũi tên đầu tiên trong Abenomics –nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu chính phủ đã trở thành các chất xúc tác cho chỉ số Nikkei. Kể từ thời điểm ông Abe nhậm chức Thủ tướng năm 2012, chỉ số MSCI Nhật Bản đã tăng 37%.
Các nhà đầu tư hiện trông chờ liệu ông Abe có thể tận dụng nhiệm kỳ của mình để đạt được mũi tên khó khăn nhất – tái cấu trúc hay không. Một chất xúc tác tích cực khác là quyền lợi cổ đông đang được cải thiện. “Các công ty đang tập trung vào việc nâng cao lợi nhuận cho cổ đông. Họ đang tích cực mua lại cổ phiếu và nâng cổ tức lên cao nhất 6 năm. Dấu hiệu tích cực khác bao gồm nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập, lợi nhuận tăng, quản trị doanh nghiệp được cải thiện và nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động hơn”, Richardson cho biết.
Những nhà đầu tư toàn cầu kỳ vọng kinh tế Nhật Bản tăng trưởng bền vững có thể cũng sẽ quyết định đầu tư vào đây, thông qua 2 quỹ ETF là iShares MSCI Japan và iShares MSCI Currency Hedged Japan.
Nguồn VnExpress