Chính phủ Nhật vừa đưa ra cảnh báo nước này đang đối mặt với rủi ro trong nguồn cung lương thực do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cũng như tình hình dịch bệnh phức tạp. Nhật Bản cũng đưa ra mục tiêu đa dạng hoá các đối tác nhập khẩu cũng như nâng tỷ lệ tự chủ nguồn cung.
Sách trắng hàng năm về chính sách lương thực và nông nghiệp của Nhật ghi nhận rằng giá lúa mì quốc tế đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3 do mất mùa ở Hoa Kỳ và các nước xuất khẩu khác cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhật Bản cần phải tiếp túc theo dõi diễn biến giá nhập khẩu trong bối cảnh dầu thô tăng và đồng yên suy yếu. Tác động từ những yếu tố này khiến giá nhập khẩu ở Nhật tăng cao do phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.
Trong năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu 7,04 nghìn tỷ yên nông sản trong đó có 1,64 nghìn tỷ yên từ Hoa Kỳ và 711,2 tỷ yên từ Trung Quốc. Tuy Nhật Bản đang từng bước đa dạng hoá các đối tác nhập khẩu nhưng nhìn chung cơ cấu nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào một số nước nhất định theo từng mặt hàng.
Tỷ lệ tự chủ lương thực tính theo calo của Nhật chỉ ở khoảng 37% theo số liệu năm 2020. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ thúc đẩy việc phát triển ngành trồng trọt với ứng dụng từ công nghệ để nâng tỷ lệ tự chủ lương thực lên 45% vào năm 2045.
Theo Japan Today, Mainichi