Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Abe chấp thuận chính sách hỗ trợ 10 man, phát biểu trong buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ tài chính Taro Aso cho biết tiền mặt sẽ chỉ trao cho những người có yêu cầu cần được hỗ trợ, ông hi vọng những người giàu có sẽ không nhận khoản tiền trên. Điều này đã tạo ra một làn sóng dữ dội trong công chúng vì nó đi ngược với khẳng định của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ đối với tất cả người dân cư trú hợp pháp trên đất Nhật để thúc đẩy tinh thần đoàn kết cả nước. Việc từ chối tiếp nhận tiền trợ cấp là dựa trên tinh thần tự nguyện của mỗi người. Tuy nhiên, Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) lại gây ra tranh cãi khi quyết định rằng các thành viên Quốc hội sẽ không nhận số tiền hỗ trợ này.
Trong khi động thái trên có thể giúp Chính phủ tiết kiệm được 40 triệu yên nếu tất cả gần 400 thành viên đảng LDP không nhận trợ cấp 10 man, Takanori Fujita, phó giáo sư Đại học Seigakuin kiêm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Hotplus chuyên giúp đỡ người nghèo đã quy kết hành động của các nhà chức trách thuộc đảng LDP là “thiếu trách nhiệm”. Ông cho rằng số tiền mặt này sẽ trở nên vô nghĩa trừ khi mọi người nhận được tiền và sử dụng chúng. “Những gì mà các thành viên LDP đang làm như thể muốn nói rằng ‘Chúng tôi là đặc biệt và chúng tôi không cần tới những thứ như tiền trợ cấp’ Điều này sẽ phá vỡ tinh thần đoàn kết mà Thủ tướng Abe từng đề cập đến”. Ông Fujita nói Thủ tướng Abe nên tiên phong trong việc nhận số tiền 10 man để truyền tải thông điệp bất kể ai, dù là người giàu có đều được hoan nghênh tiếp nhận số tiền này. Khác với đảng LDP, các nhà lập pháp Đảng đối lập tuyên bố sẽ nhận tiền hỗ trợ và đem quyên góp. Yuichiro Tamaki, Đảng Dân chủ Nhân dân cho biết “Nếu chúng ta tạo ra tâm lý từ chối nhận tiền hỗ trợ là một hành động cao cả, điều này có thể khiến những người đang gặp khó khăn cảm thấy xấu hổ khi nhận sự trợ giúp này.”
Sự hỗn loạn xoay quanh quy trình đăng ký nhận hỗ trợ đã dấy lên một làn sóng chỉ trích khác. Để nhận trợ cấp 10 man, người dân có thể đăng ký theo mẫu đơn được chính quyền địa phương gửi qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến bằng thẻ My Number. Điều này gây ra không ít khó khăn đối với những người mong muốn sớm nhận được tiền trợ cấp. Theo kết quả điều tra của Bộ Nội Vụ, từ ngày 1/4, chỉ có 16% công dân Nhật có thẻ mã số cá nhân. Nhiều người đến các văn phòng địa phương để làm thẻ với hy vọng sẽ sớm nhận được trợ cấp, tuy nhiên, phải mất từ 1~2 tháng mới có thể phát hành được thẻ. Nhiều người thậm chí có thẻ My number cũng không thể đăng ký trực tuyến được vì không nhớ mật khẩu, họ kéo hàng dài đến văn phòng chính quyền để thay mã mới khiến tình trạng tắc nghẽn càng trở nên tồi tệ hơn. Tại văn phòng quận Shinagawa, nhiều người đăng ký phải đợi đến tận 8 tiếng trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Sự gia tăng đột biến số người đăng ký trực tuyến cũng đã gây ra những sự cố hệ thống không mong muốn tại nhiều địa phương.
#iSenpaiNews
Tham khảo:
https://www.japantimes.co.jp/news/2020/05/15/national/abe-coronavirus-relief-cash-program-criticism/