Năm 1944, Choji Suzuki có mặt trong đội quân Nhật và đặt chân lên đất nước Việt Nam. Sau sự kiện Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh, Choji Suzuki và một số người lính Nhật Bản quay sang theo Việt Minh, làm lính công binh, rèn kiếm và dạy võ cho du kích. Sau này, ông trở thành sư tổ môn võ Karate ở Việt Nam.
Dạy võ cho du kích Ba Tơ
70 năm trôi qua, những người lính trong Đội du kích Ba Tơ tại tỉnh Quảng Ngãi đến nay đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng mỗi khi nhắc đến những người lính Nhật đã hạ súng quay sang chiến đấu bên cạnh những người lính Việt Minh, ủng hộ Việt Nam thì mọi người thường nhắc đến người lính Nhật được đặt tên Việt là Phan Văn Phúc. Vì ông là một trong những người có tư tưởng rất tiến bộ và là một cao thủ võ Karate.
Khi theo cách mạng, ông Phúc ở lại chiến trường Khu 5 và làm lính của công binh xưởng. Những nhát búa của anh thợ rèn người Nhật, nghệ nhân rèn kiếm katana có nguồn gốc từ thế kỷ 8 đã tạo ra nhiều loại khí giới cho cách mạng. Một số người dân địa phương đã được ông tặng cho thanh kiếm Nhật để biểu hiện tấm lòng chân tình.
Đó là thanh kiếm có hình dáng thanh nhã, những đường gờ, vân và nước thép tuyệt vời. Một cây katana chuẩn có thể tháo rời từng bộ phận như lưỡi kiếm, bao kiếm, cán kiếm, nút giữ các nút thắt, các miếng chặn tay kiếm. Thanh kiếm ra lò được ông biểu diễn sự sắc bén bằng cách tung củ mì lên trời, sau đó vung kiếm chém vun vút. Mọi người kinh ngạc khi nhìn thấy 4 khúc củ mì có kích cỡ bằng nhau văng dưới đất.
Ông Phúc là một cao thủ võ Karate thuộc trường phái Take No Uchi của Nhật Bản. Ông từng kể lại rằng, để khổ luyện môn võ này, ông đã phải trải qua rất nhiều sự thử thách. Khi mới nhập môn, sư phụ giao cho một bát cơm, cứ buổi sáng ra ngồi ở cổng chùa. Võ sĩ phải tập trung tư tưởng và sự chú ý vào miệng bát. Ruồi bám vào miệng bát cơm thì phải nhanh tay bắt cho bằng được. Từ ngày này sang ngày khác, các võ sinh chỉ ngồi từ sáng đến chiều để bắt ruồi. Sau đó, võ sinh được nâng cấp sử dụng đũa để gắp cho được những con ruồi bay vo ve qua miệng bát cơm.
Các chiến sĩ trong Đội du kích Ba Tơ là những người đầu tiên được ông truyền dạy võ thuật. Đó là những đòn cận chiến tước khí giới, quật ngã, các thế khóa, đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê… Sau khóa học võ cấp tốc, các chiến sĩ lại tỏa về các địa phương để dạy cho các đội du kích, đội tự vệ.
Trở thành sư tổ Karate Việt Nam
Ông Phúc (Choji Suzuki) sinh ngày 10-6-1919, tại thành phố Tagajo, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Từ năm 8 tuổi đến 18 tuổi, ông học tiểu học và trung học ở Kasagami. Trong thời gian này, ông tập võ Judo và tập Karate với một thiền sư trong vùng. Trước thời gian đi lính, ông Phúc là sinh viên Đại học Y khoa. Ông được Thiền sư Kisaburu, trụ trì ngôi chùa Shiogama Shinza khai ngộ, truyền dạy Karate Take No Uchi Ryu thuộc dòng Thiền Soto.
Đây là môn phái do Thiền sư Dogen Kigen (1200-1253) sáng lập. Sau nhiều năm khổ luyện, ông Phúc trở thành một trong 3 cao đồ của Thiền sư Kisaburu. Năm ông 21 tuổi, ông đã đạt ngộ được võ công thì cũng là lúc phải gia nhập quân đội Thiên hoàng. Và đó chính là con đường đưa ông đến Việt Nam, dừng chân tại Quảng Ngãi và quay sang ủng hộ Việt Minh.
Trong một chuyến công tác vào tỉnh Bình Định, ông Phúc đã kết duyên với cô gái Nguyễn Thị Minh Lệ, quê ở Tam Quan. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, vợ chồng ông về sinh sống tại cố đô Huế. Năm 1956, ông mở lớp dạy Karate tại số 8 Võ Tánh, Huế và sáng lập Hệ phái Suzucho Karatedo. Suzucho là ghép từ họ Suzuki và tên của ông là Choji, có nghĩa là “Tiếng chuông vang xa”.
Năm 1972, khi phong trào Karate ở Huế và Đà Nẵng phát triển vững vàng, ông giao cho các cao đồ điều hành Võ đường, rồi vào Sài Gòn làm Giám đốc khách sạn Kiyo ở Khánh Hội. Ông trực tiếp điều hành cơ sở này cho đến năm 1975. Ngày 18-12-1978, ông Phúc cùng gia đình trở về Nhật và vẫn tiếp tục chỉ đạo sự phát triển của hệ phái. Dù sống ở Nhật Bản, nhưng ông vẫn luôn tự nhận mình là người con Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương của mình. Các con của ông đều được đặt tên theo quê mẹ: Ngọc Mỹ (Michiko), Đức (Tokuo), Ý (Eiji).
Ngôi nhà số 8, đường Võ Tánh, TP Huế (nay là Nguyễn Chí Thanh) là nơi gia đình của Phan Văn Phúc đã sinh sống tại Việt Nam và đào tạo ra nhiều môn sinh Karate tài năng. Sau này, vợ chồng võ sư đã hiến ngôi nhà cho Nhà nước để sử dụng làm nhà lưu niệm Karate phục vụ du lịch, thể thao và phòng truyền thống.
Đặt nền tảng Karate
Ông Phúc đã truyền thụ cho những học trò tâm đắc của mình kỹ thuật Trấn môn Kumanote (riêng kỹ thuật đặc biệt này, người rèn luyện phải mất thời gian từ 2 đến 3 năm). Phương pháp đào tạo của ông cho một môn đồ lên đến Huyền đai đặc biệt ở chỗ là phát triển chuyên sâu, sở đắc một trong các nội dung chương trình, như về kỹ thuật (Kihon), đối kháng (Kumite) kèm theo thuật sơ cứu (Kuatsu), quyền pháp (Kata).
Hệ thống quyền pháp chính thì có 6 bài Yen, 3 bài Maki, là những bài quyền đặc dị của hệ phái. Yen mang ý nghĩa về sự giàu có, ở đây không những chỉ sự sung mãn vật chất mà cả giàu có tri thức. Maki là quyển (cuộn), mang ý nghĩa về sức mạnh tự thắp sáng để con người vượt qua những ghềnh thác cuộc đời.
Học trò của ông là các võ sĩ: Lê Văn Thạnh, Đoàn Đình Long, Lê Công đều trở thành những huấn luyện viên xuất sắc của Đội tuyển Karate quốc gia. Những vận động viên được các võ sĩ này đào tạo thành công như: Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà… đã mang về cho đất nước những chiếc huy chương Vàng, Bạc tại các đấu trường SEA Games và ASIAD.
Thời trước, ông Phúc thực hiện theo tinh thần Võ đạo truyền thống của Tổ sư Funakoshi Gichin, đó là không được giao thủ với người khác phái, không được thượng đài tranh thắng thua, duy trì truyền thống, kết hợp với tinh hoa của Karate quốc tế hiện đại. Nhưng hiện nay, học trò của ông đã thay đổi quy định để đưa môn Karate đi thi đấu.
Ông Phan Văn Phúc mất ngày 6-2-1995, tại quê nhà Miyagi, Nhật Bản. Cụ bà mất ở tuổi 95. Những năm quay về Nhật Bản, ông vẫn luôn nhớ quê nhà Việt Nam. Tết Nguyên đán trước khi mất, ông đã nhắn gửi các môn đệ “Hãy sống cho tốt, cần cù tập luyện, tích cực góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp”.
Theo BÁO BIÊN PHÒNG (2015)