Học sinh ăn trưa tại trường bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Sau Thế Chiến 2, vì nạn đói lan tràn, chương trình Ăn Trưa Tại Trường được thiết lập lại tại các thành phố. Đến năm 1952, Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường được áp dụng toàn quốc cho các trường tiểu học. Năm 1954, với Luật Ăn Trưa Tại Trường, chương trình này được áp dụng cho cấp một trường trung học trên toàn quốc.
Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới với nhiều cách tổ chức khác nhau. Có nước cho bữa ăn hoàn toàn miễn phí. Tại Nhật, chính phủ tài trợ cho việc nấu ăn còn phụ huynh trả tiền mua thức ăn. Tiền ăn đóng hàng tháng . Em nào gia đình nghèo thì được đóng ít hơn hoặc được miễn đóng tiền. Việc nấu ăn do bếp của trường nấu nhưng các em học sinh tham gia vào việc bưng thức ăn lên cho các bạn.
Lúc đầu, bữa ăn trưa là bánh mì hoặc cuốn làm bằng bột mì, sữa làm từ sữa bột. Đến năm 1958 thì sữa được thay bằng sữa trong hộp bằng các tông hay trong chai. Sau này khi Mỹ viện trợ cho bột mì thì bột mì này cũng được dùng trong Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường. Ngoài món ăn chính còn có món tráng miệng được thay đổi món mỗi ngày. Các món khác là các món cung cấp chất đạm với giá không đắt như đậu nấu, cá chiên hoặc thịt cá voi. Thịt cá voi được dọn ăn đến thập niên 1970 thì ngưng vì thế giới kêu gọi ngưng giết cá voi để bảo vệ cho cá voi khỏi bị tuyệt chủng. Đến năm 1976, nhờ dư thừa lúa gạo nên chính phủ phân phối gạo cho các trường. Qua thập niên 1980 thì chương trình này dùng các món làm từ gạo thường xuyên hơn. Sau này, các món như chả làm bằng thịt bò xay, thịt bò nấu hay cà ri kiểu Nhật được cho ăn thường xuyên.
Ngày nay, vào thời điểm năm 2004, có 99% học sinh các trường tiểu học và 82% học sinh trung học ăn trong Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường, tiếng Nhật gọi là kyūshoku. Thực phẩm dùng để nấu đều là thực phẩm trồng tại địa phương, không dùng thực phẩm đông lạnh. Ăn bữa nào thì nấu đủ cho bữa đó, không để thực phẩm qua ngày hôm sau. Các món được nấu theo đúng qui định về dinh dưỡng của chính phủ để bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dường cho các em. Tất cả các em trong trường đều ăn giống như nhau. Học sinh không được mua thức ăn ở ngoài đem vào mà chỉ được ăn thức ăn do bếp nhà trường dọn lên. Trong trường không đặt máy bán thức ăn vặt hay nước ngọt. Các em được dạy nên ăn thức ăn của nhà trường và không nên bỏ dở.
Mỗi trường đều có chuyên viên dinh dưỡng làm việc để coi sóc các suất ăn có đầy đủ chất dinh dường hay không . Các chuyên viên này cũng giải thích cho các em học sinh thế nào là chất tinh bột, thế nào là chất đạm, thế nào là chất béo và cho các em biết vì sao cơ thể cần các chất này . Chuyên viên dinh dường khuyên các em nên ăn món ăn của trường vì đó là thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng .
Học sinh tiểu học thì chỉ được ăn bữa ăn do nhà trường dọn lên còn học sinh trung học thì được đem cơm theo. Chuyên viên dinh dưỡng có thể bảo các em mở hộp cơm ra để xem mẹ các em cho các em ăn những gì, có đầy đủ chất dinh dưỡng hay không.
Chính phủ ra qui định về bữa ăn để đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng các qui định này tương đối tổng quát mà không đi vào chi tiết như mỗi bữa ăn phải đạt được bao nhiêu ca lô ri. Các trường tùy nghi mà chọn thực phẩm và các chuyên viên dinh dưỡng bảo đảm cho các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Chính quyền nói là có quyền can thiệp nếu nhà trường dọn bữa ăn thiếu vệ sinh hoặc kém dinh dưỡng. Nhưng chuyện này rất ít khi xảy ra.
Trong những năm sau Thế Chiến 2, vì đời sống còn khó khăn, Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường giúp cho các em thuộc gia đình có hoàn cảnh eo hẹp được ăn uống tương đối bổ dưỡng . Sau này, qua thập niên 1970, 1980, khi kinh tế Nhật khá hơn thì chương trình này có tác dụng giữ cho các em khỏi bị mập phì ở tuổi còn nhỏ như các nước công nghiệp khác nhờ bắt các em chỉ được ăn thức ăn ở trường, không được mua thức ăn ở ngoài đem vào và không đặt máy bán bánh kẹo, nước ngọt ở trong trường .
Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường là một phần trong nỗ lực của chính quyền Nhật muốn chăm sóc và thay đổi cách ăn uống của dân Nhật để cải thiện giống nòi. Nhờ thế vào các thập niên sau này, chiều cao dân Nhật đã gia tăng đáng kể.
Minh Đức/ Blog Minh Đức