Khi cả thế giới đang nỗ lực đấu tranh chống lại đại dịch COVID-19 thì tại Nhật Bản có một vấn đề đang trở nên rõ ràng hơn. Dịch bệnh cho thấy Nhật Bản đang chậm trễ hơn các nước khác trong việc đưa các công nghệ kỹ thuật số mới vào ứng dụng trong cuộc sống. Các dịch vụ được xem là các biện pháp hiệu quả khi cách ly xã hội như y tế giáo dục từ xa vẫn chưa phổ biến. Nhà báo Heizo Takenaka đã có một bài phân tích đáng chú ý về vấn đề này trên Japan Times.
Mặc dù Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn khó khăn đầy căng thẳng, nhưng một sự thay đổi lớn trong cấu trúc đang diễn ra ở đó. Alibaba, người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã phân phối Ding Talk – một ứng dụng hội thoại giup các doanh nghiệp hội họp, ra quyết định trực tuyến, miễn phí cho 10 triệu công ty trong nước. Đó là một con số khổng lồ đối với một đất nước có khoảng 22 triệu doanh nghiệp như Trung Quốc. Điều đó giúp thúc đẩy văn hóa làm việc từ xa. Ứng dụng cũng giúp cắt giảm lượng lớn chi phí đi lại trên khắp đất nước rộng lớn này, từ đó đẩy mạnh năng suất. Trong vài tháng qua, các trường đại học lớn như Bắc Kinh đã áp dụng hệ thống dạy học trực tuyến cho sinh viên. Do sự bùng phát của COVID-19, đường phố có thể bị bỏ hoang và các cửa hàng/nhà hàng có thể bị mất doanh số, nhưng dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà lại đang tăng mạnh. Sự dịch chuyển kỹ thuật số đang tiến triển với tốc độ dữ dội, dẫn đến sự chuyển đổi lớn của cấu trúc và hệ thống kinh tế.
Tại Nhật Bản, dịch vụ y tế từ xa là lĩnh vực cần có sự thay đổi rõ ràng nhất. Nếu điều đó được thực hiện, bệnh nhân ở những nơi xa xôi có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Trên hết, dịch vụ y tế từ xa sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ các bác sĩ bị lây nhiễm Coronavirus chủng mới. Điều quan trọng tương tự là thúc đẩy giáo dục từ xa. Việc Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi tạm thời đóng cửa tất cả trường học trên toàn quốc đã nổ ra một cuộc tranh cãi lớn. Rõ ràng không cần phải đóng cửa tất cả các trường học nếu như có một hệ thống giáo dục từ xa hiệu quả.
Thanh toán phi tiền mặt cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Kể từ năm ngoái, chính phủ đã khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên so với các nước Bắc Âu, Trung Quốc và Mỹ, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt ở Nhật vẫn còn quá nhỏ.
Audrey Tang, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số của Đài Loan cũng chỉ ra những nhược điểm trong việc chậm trễ trong việc chuyển đổi sang xã hội kỹ thuật số của Nhật Bản trong bài phỏng vấn với Toyokeizai do sự bảo thủ trong việc vận hành xã hội cũng như các nhà lãnh đạo đất nước chưa sẵn sàng cho việc cách tân.
Takenaka cho răng phía sau sự phát triển chậm chạp của sự chuyển hóa xã hội điện tử tại Nhật Bản là sự hiện diện của các quy định cứng nhắc và sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích. Về vấn đề này, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và Liên hiệp giáo viên Nhật Bản được xem là các tổ chức có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ. Một trong những lý do khiến các dịch vụ trực tuyến không phổ biến ở Nhật Bản xuất phát từ sự phản đối mạnh mẽ của một số công đoàn lao động và các đảng đối lập đối với vấn đề trả lương dựa trên hiệu suất công việc. Thực tế cho thấy ở Nhật Bản các nghiệp đoàn lao động thường trả lương dựa vào thời gian làm việc thay vì kết quả công việc.
Như đã nói ở trên, đại dịch đã để lại cho Nhật Bản nhiều bài học. Một điểm quan trọng là một xã hội đã trải qua đại dịch sẽ hoàn toàn khác trước. Đại dịch Black Death (Cái Chết Đen) diễn ra ở châu Âu vào thế kỷ 14 khiến thu nhập bình quân đầu người tăng lên do sự suy giảm dân số và quyền lực của nhà thờ bị suy yếu. Những thay đổi này đã dẫn đến thời kỳ Phục Hưng rực rỡ ngay sau đó. Đại dịch Covid hiện tại có thể sẽ làm phát sinh một sự thay đổi xã hội hóa điện tử lớn ở Nhật Bản.
Có lẽ điều Nhật Bản cần một sự thay đổi lớn để thúc đẩy cải cách theo hướng xây dựng một xã hội điện tử hậu đại dịch, đồng thời ngay lập tức nỗ lực giảm thiểu những thiệt hại do COVID-19.