Chuyện một người Nhật làm việc đến 101 tuổi mới nghỉ hưu

Đăng ngày 01/09/2016 bởi iSenpai

Nước Nhật vốn nổi tiếng với lịch làm việc dày đặc và cuộc sống làm việc kéo dài hơn rất nhiều nước khác. Tuy nhiên ông Fukutaro Fukui hẳn sẽ là một ngoại lệ ngay cả tại đất nước mà nhiều giáo sư ngoài 80 tuổi vẫn đến trường đại học giảng dạy.

Với kinh nghiệm nhiều năm đảm nhiệm vị trí có chuyên môn cao trong ngành tài chính Nhật, khi 70 tuổi, phần lớn những người cùng tuổi với ông đã nghỉ hưu được vài năm, ông lại bắt đầu công việc mới trong vai trò thư ký cho bộ phận kinh doanh xổ số tại công ty Tokyo Takara Shokai.Ông đã làm công việc này 31 năm. Mỗi ngày ông mất 1 tiếng để đi từ nhà đến công ty ở trung tâm Tokyo, từ năm 70 tuổi cho đến khi 101 tuổi. Ông được bình chọn là người đi làm già nhất nước Nhật.

Năm 101 tuổi, ông quyết định nghỉ hưu. Đến thời điểm hiện tại ông đã nghỉ hưu được 3 năm. Ông cho biết ông làm việc liên tục cho đến khi hơn 100 tuổi bởi ông tin rằng ông làm việc quá lâu như vậy không phải vì tiền, mà bởi bản năng của mỗi con người là ưa thích được làm việc, cống hiến. Thậm chí ông cũng không quan tâm nhiều đến việc được thăng tiến.

Công việc thư ký mà ông làm liên tục trong 30 năm trước khi nghỉ hưu khá nhàm chán nếu so với công việc cũ mà ông từng làm, đó là quản lý các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Suốt 30 năm, thời gian chủ yếu của ông là đếm tiền và đếm vé xổ số.

Thế nhưng ông vẫn yêu công việc của mình. Ông vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác mình được sống có ích cho đời như thế nào: “Tôi không thể quên được những khoảnh khắc tôi tự leo cầu thang mang theo hàng nghìn tờ vé số và thậm chí tôi còn có thể đi nhanh hơn nhiều đồng nghiệp nam”. Hiện tại ông đang sống tại Chigasaki, ngoại ô Tokyo.

Lý do khiến ông Fukui làm một công việc nhàm chán đến như vậy trong suốt khoảng thời gian dài, chính là sự trung thành và cam kết cao đối với người bạn thân nhất của mình, ông Tamazo Mochizuki. Hai ông từng gặp nhau khi họ học chung ngành kinh tế tại đại học Keio, cả hai đều mơ ước trở thành giáo sư kinh tế. Và Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã thay đổi giấc mơ của Fukui, ông phải lên đường nhập ngũ và sang Mãn Châu chiến đấu.

Ông Fukui kể lại: “Chiến tranh qua đi, tôi buộc phải quên đi giấc mơ của mình bởi khi trở về Nhật, lúc đó đã có quá nhiều học giả danh tiếng. Những người như chúng tôi tụt hậu lại đằng sau.”

Ông Fukui vào làm việc tại một công ty chứng khoán mang tên Mochizuki Securities và sau này đổi tên thành Kankaku Securities và ông điều hành cả một cửa hàng nhập khẩu bông. Hàng ngày ông chịu trách nhiệm tư vấn cho các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn niêm yết cổ phiếu, tư vấn đầu tư.

Đã từng có lần ông muốn nghỉ hưu ở tuổi 96, thế nhưng vợ của người chủ công ty đã đến gặp riêng con gái của ông Fukui: “Hãy nói với ông ấy giúp chúng tôi rằng chúng tôi cần ông ấy, hãy ở lại với chúng tôi càng lâu càng tốt.” Ông Fukui sau đó đã quyết định tiếp tục làm việc và hàng ngày lại đi tàu vào trung tâm Tokyo.

Ông cứ làm việc như vậy cho đến khi vợ ông mất vào năm 2009. Hàng ngày, con dâu lớn nhất của ông lái xe đưa ông đến ga tàu và đón ông về cho đến khi ông chính thức nghỉ hưu.

Ông cũng từng viết một cuốn sách về cuộc đời mình với tựa đề “Age 100: The Person Needed Forever” được phát hành tại Nhật. Sau đó cuốn sách được dịch và bán tại nhiều nước/vùng lãnh thổ khác như Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trên thực tế, việc đi làm nhiều năm sau khi nghỉ hưu như ông Fukui không hề hiếm. Ngày một nhiều người về hưu quyết định đi làm trở lại sau khi nghỉ hưu lần đầu tiên. Báo cáo nghiên cứu của Bộ Lao động Nhật năm 2015 cho thấy khoảng 85% công ty Nhật tuyển dụng lại nhân sự đã nghỉ hưu. Hiện đang có 6,81 triệu người Nhật trên 65 tuổi đang làm việc.

“Tôi chỉ làm việc cho Mochizuki, chính ông ấy đã mang lại cho tôi công việc và môi trường làm việc tuyệt vời”, ông Fukui nói.

Khi ngày một nhiều người già quay trở lại làm việc, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật nhờ đó cũng giảm sâu. Tính đến cuối tháng 8/2016, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, hiện ở mức khoảng 3,3%. Tỷ lệ thất nghiệp Nhật như vậy thấp hơn nhiều so với con số 5,3% của Anh, 4,3% của trung bình các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Đến năm 2060, ước tính khoảng 60% dân số Nhật trên 65 tuổi. Trong tương lai gần, lực lượng lao động Nhật sẽ có thể giảm đến 27 triệu người nếu chính phủ Nhật không có các biện pháp đủ mạnh để tăng tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh tại Nhật hiện thấp nhất thế giới, chỉ đạt 1,4 đứa trẻ/phụ nữ.

Rất nhiều người già Nhật thích được làm việc, dù công việc sau khi nghỉ hưu thường được trả lương thấp hơn và vất vả hơn.

Nhân viên thu ngân tại một cửa hàng bán lẻ của Nhật, ông Sugira năm nay đã 86 tuổi, cho biết: “Tôi muốn làm việc để cơ thể luôn được khỏe mạnh, điều đó tốt hơn nhiều so với việc chỉ ở nhà nhìn ngày tháng dần trôi qua.”

Đối với nhiều người về hưu khác như ông Junko Kondo hiện đang làm công việc đóng gói các bao muối cao cấp tại chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ xa xỉ, ông phải làm việc để có thêm tiền chữa bệnh cũng như mua quà cho con cháu.

Chính phủ Nhật đã chính thức quyết định sẽ nâng tuổi về hưu của người Nhật lên mức 65 vào năm 2025, tuổi về hưu đã được điều chỉnh lên 61 vào tháng 4/2013 và 62 vào năm 2016.

Theo NIKKEI/TUỔI TRẺ ONLINE

Trả lời