28 năm ở đảo Guam sống thấp thỏm lo sợ trước con người, thú dữ, bệnh tật nhưng chưa khi nào người lính ấy hết hy vọng…
Câu chuyện về ông, Shoichi Yokoi, một binh sĩ Nhật Bản, người đã “ẩn mình” trong khu rừng nhiệt đới ở Guam trong hơn một phần tư thế kỷ để tránh sự truy đuổi của các lực lượng Mỹ đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách đến hòn đảo này. Sự sống sót kỳ diệu cho đến khi được trở về Nhật Bản sau gần 3 thập kỷ có thể nói là một nghị lực sống phi thường ở ông.
Shoichi Yokoi được sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nông nghiệp gần thành phố Nagoya ở miền Trung Nhật Bản. Trước khi nhập ngũ năm 1941, ông là một thợ may ở thị trấn Saori, tỉnh Aichi. Ban đầu, Yokoi phục vụ trong Sư đoàn Bộ binh 29 ở Mãn Châu Quốc (vùng đất do Nhật Bản lập ra vào năm 1932 ở phía Đông Bắc Trung Quốc). Năm 1943 ông được chuyển giao cho Trung đoàn 38 trên quần đảo Mariana (phía Nam Nhật Bản). Tháng 2/1943, ông đặt chân lên đảo Guam. Những ngày tháng phải sống chui lủi của Yokoi bắt đầu vào tháng 7/1944 khi các lực lượng Mỹ tấn công giành lại quyền kiểm soát đảo Guam từ tay người Nhật Bản. Người Nhật thất thủ trên đảo Guam và cũng từ thời điểm đó rất nhiều người lính Nhật Bản, trong đó có Yokoi không thể liên lạc được với đất liền.
Lẩn trốn
Binh sĩ trong quân đội Nhật đều được tôi luyện để có một tinh thần thép, chiến đấu đến cùng chứ không bao giờ được đầu hàng. Với họ, sống sót trong trại tù binh bị coi là nỗi nhục và phản bội Tổ quốc. Vì vậy, khi quân đội Mỹ nắm quyền kiểm soát đảo Guam vào năm 1944, Yokoi và hơn 1.000 lính Nhật Bản khác đã lẩn trốn trong rừng chứ không tự tử hay đầu hàng. Nhiều người trong số họ đều bị bắt trong vòng một vài năm hoặc chết vì đói, bệnh tật. Yokoi và 2 người lính khác là những binh sĩ Nhật cuối cùng còn lại trong rừng.
Yokoi cùng đồng đội đã buộc phải tự xoay xở để không bị bắt làm tù nhân. Họ phải tìm nơi lẩn trốn và xóa sạch mọi dấu vết của mình ở trên đảo. Họ sống chủ yếu bằng cách bắt giết gia súc ở địa phương. Nỗi lo sợ bị người Mỹ cũng như người dân địa phương phát hiện buộc họ phải dần dần rút sâu vào rừng. Ở đó họ chỉ có thể ăn cóc, lươn và chuột để sống qua ngày. Yokoi đã làm một cái bẫy bằng các cây lau sậy để bắt lươn. Nghề may đã giúp ông dệt quần áo bằng vỏ cây. Cũng chính trong khu rừng rậm này, Yokoi đã kiên trì đào một căn hầm trú ẩn dưới lòng đất.
Đến khoảng năm 1964, 2 người bạn sống chết với ông trong hơn 20 năm trên đảo đã bỏ ông ra đi trong một trận lũ lụt. Từ đó cho đến khi được tìm thấy, ông sống một mình trong căn hầm dưới lòng đất. Yokoi tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng sống sót của mình bằng cách săn bắn, chủ yếu là vào ban đêm. Ông sử dụng cây bản địa để làm quần áo, làm giường ngủ cùng các đồ dùng cần thiết khác và cất giấu cẩn thận trong căn hầm của mình. Giữ cho mình luôn bận rộn là cách để ông tránh những suy nghĩ quá nhiều về tình cảnh của mình cũng như hy vọng trở về. Ông đã từng tự nhủ với mình rằng ông không thể chết ở đây, không thể để xác mình rơi vào tay kẻ thù, ông buộc phải trở về để chết ở nơi chôn nhau cắt rốn. Ý chí phải sống bằng mọi giá của ông, đặc biệt trong 8 năm cuối cùng sống một mình trên đảo khiến người ta không khỏi khâm phục. Dù cũng có đôi lúc tuyệt vọng nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ hy vọng sống của mình.
Trở về
Vào một buổi tối tháng 1/1972, hai người đàn ông địa phương trong lúc đi kiểm tra bẫy tôm của họ trên một con sông nhỏ ở Talofofo đã phát hiện ra Yokoi và nghĩ rằng ông là một người dân làng Talofofo.
Giật mình khi nhìn thấy con người sau nhiều năm sống một mình, ông hoảng sợ khi nghĩ rằng tính mạng đang gặp nguy hiểm và cố gắng chộp lấy chiếc súng săn để tấn công họ.
Sức khỏe suy yếu do chế độ ăn uống kham khổ trong một thời gian dài khiến ông nhanh chóng bị 2 người đàn ông quật ngã và đưa ra khỏi rừng.
Lo sợ bị trả về như một tù nhân chiến tranh – sự sỉ nhục lớn nhất đối với một người lính Nhật Bản và gia đình anh ta khi trở về, Yokoi đã khóc và đề nghị được chết trong rừng.
Hai tuần sau khi được phát hiện trong rừng, Yokoi được đưa về Nhật Bản và được chào đón như một người anh hùng. Hàng ngàn người Nhật đứng dọc theo xa lộ vẫy cờ Nhật Bản chào đón ông trở về nhà. Cuộc trở về của ông được các phương tiện truyền thông trong nước đưa đậm nét. Ông đứng khóc trước ngôi mộ mà gia đình đã lập khi nghĩ rằng ông đã bỏ mạng trên đảo Guam năm 1944.
Nhiều người lo lắng về việc làm thế nào ông có thể thích nghi với cuộc sống mới ở Nhật Bản, nhưng dường như đó không phải là vấn đề với người đàn ông 58 tuổi. Ông kết hôn sau 6 tháng trở về, định cư ở vùng nông thôn tỉnh Aichi và thường xuyên được mời nói chuyện về các kỹ năng sống và đưa các bài giảng cho học sinh, sinh viên các trường học trên cả nước về cách sống tiết kiệm.
Vinh danh
Ông Yokoi đã trở thành một người nổi tiếng ở Nhật Bản. Bởi ông chính là minh chứng sinh động cho các giá trị trước chiến tranh của người Nhật: trung thành với đất nước và vượt qua số phận để thành công.
Câu nói đầu tiên của ông khi trở về Nhật Bản “mặc dù rất xấu hổ nhưng tôi đã trở lại” sau này đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản.
Năm 1977, người ta đã dựng phim tài liệu có tên Yokoi và cuộc sống bí mật trong 28 năm ở Guam. Ông đã nhận được khoản tiền tương đương 300 USD lúc đó cho bộ phim này, cùng với món tiền lương hưu nhỏ. Năm 1991, ông được tiếp kiến Nhật hoàng Akihito. Ông xem sự kiện này là niềm vinh dự lớn nhất đời mình.
Trước khi qua đời vào năm 1997 ở tuổi 82 sau một cơn đau tim, Yokoi đã cùng với vợ là Mihiko trở lại Guam nhiều lần. Một số đồ dùng gắn bó với ông suốt những năm tháng sống trong rừng, bao gồm cả bẫy lươn và chiếc máy dệt, vẫn còn được trưng bày tại một bảo tàng nhỏ trên đảo. Căn hầm của Yokoi cũng trở thành một điểm thăm quan nổi tiếng trên đảo. Du khách đến đảo Guam có thể đi bằng cáp treo tới căn hầm Yokoi gần khu vực thác Talofofo.
Sử dụng cuốn hồi ký của Yokoi, năm 2009, Hatashin, cháu trai của ông đã xuất bản cuốn sách bằng tiếng Anh với tiêu đề Hồi ký chiến tranh của Yokoi và cuộc sống trên đảo Guam, 1944-1972.
Theo VOV
One thought on “Chuyện về Shoichi Yokoi – người lính Nhật cố thủ 28 năm trên đảo Guam”
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
Câu chuyện này có thể là hình ảnh thực của câu chuyện Rô-bin-sơn Cru-zô, cũng sống ở đảo hoang với 28 năm 2 tháng 19 ngày. Nhưng ông Rô-bin-sơn thì may mắn hơn nhiều vì có các vật phẩm, lương thực lấy lại được từ con tàu bị đắm. Ông Yokoi này quả là một anh hùng và kết thúc câu chuyện có hậu. Những bằng chứng về sự bi tráng trong chiến tranh và con người như ở Guam cần được lưu lại. Chính phủ Nhật đã vô cùng sáng suốt khi sử dụng Yokôi để viết sách về cuộc sống hoang dã và lòng dũng cảm truyền lại cho học sinh. Còn VN thì sao..