Năm 2020, Saito Asumi đã được Forbes JAPAN bình chọn là một trong 30 người dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật với tư cách đồng sáng lập Waffle, công ty đặt mục tiêu xóa bỏ khoảng cách giới tính trong các ngành công nghệ cao ở Nhật thông qua việc đào tạo lập trình cho các nữ sinh trung học ở Nhật.
Từ kinh nghiệm làm việc của mình trong ngành IT, Saito nhận thấy hầu hết đồng nghiệp của mình là nam giới. Với mong muốn thu hẹp khoảng cách giới tính trong ngành IT, cô quyết tâm tạo dựng một chương trình đào tạo lập trình cho các bạn nữ tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Saito đã làm việc với vai trò kĩ sư khoa học dữ liệu tại nhiều công ty và xí nghiệp khác nhau. Công việc chính của cô là phân tích dữ liệu và dự đoán về lượng hàng tồn kho để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cô nói rằng mình đã rất ngạc nhiên khi nhận ra đồng nghiệp của mình hầu hết là nam giới.
Trên thực tế, theo kết quả khảo sát mới nhất được thực hiện bởi các nhóm ngành, tại Nhật Bản, tỷ lệ nhân sự nữ trong ngành IT chỉ đạt khoảng 20%. Saito cho biết, khi cô chia sẻ những suy nghĩ của mình với bên quản lí nhân sự, họ đã nói với cô rằng, họ không bao giờ vì thiên vị mà đánh trượt những ứng cử viên nữ mà do vốn dĩ, lượng hồ sơ của các ứng cử viên nữ gửi đến văn phòng tuyển dụng luôn ít hơn hẳn.
Sau khi điều tra, cô cũng biết được, tỉ lệ nữ giới theo học các ngành công nghệ chỉ dừng lại ở một con số khiêm tốn là 15%. Chính sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã giáng một đòn đau điếng, làm lộ ra ra sự chậm chạp và tụt hậu của ngành IT tại Nhật Bản. Điều này đã khiến cô rất khủng hoảng và thất vọng.
Trong khi nhiều nước khác họ rất nhanh chóng thích ứng với việc số hóa và làm việc từ xa vì công nghệ thông tin của họ phát triển, họ chỉ việc băng băng trên con đường đã trải nhựa, thì Nhật Bản vẫn đang loay hoay với con đường đất sơ khai. Cô nhấn mạnh sự phát triển công nghệ thông tin gắn liền với sự phát triển kinh tế trong tương lai. Vì vậy cô hi vọng bản thân có thể đánh thức những thế hệ học sinh ý thức được điều đó cũng như hối thúc chúng mong muốn làm gì đó góp phần vào sự thay đổi, sự tiến bộ của Nhật Bản trong tương lai.
Xu hướng thiếu hụt lao động trong ngành IT tại Nhật Bản đã được giới chuyên môn chỉ ra nhiều lần. Một cuộc khảo sát của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp còn khẳng định, vào năm 2030, ngành IT sẽ thiếu hụt khoảng 790.000 lao động. Vì vậy Saito khẳng định, hiện tại chính là thời điểm để tăng số lượng lao động nữ gia nhập vào lĩnh vực công nghệ. Saito nghĩ rằng đã quá muộn nếu bắt đầu từ các trường đại học, nơi có rất ít nữ sinh đang theo học các khối tự nhiên. Vì vậy, cô quyết định mở các lớp học online hướng đến đối tượng là các bạn nữ sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông quan tâm đến lĩnh vực CNTT, và dạy họ cách lập ra một trang Web.
Hiện tại, cô còn cùng những học trò của mình tham gia một cuộc thi có tên “Technovation Girls” do một tổ chức phi lợi nhuận (NPO) của Mỹ tổ chức. Đối tượng là các bạn nữ đang theo học các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đề tài là đưa ra một ứng dụng giải quyết các vấn đề xã hội quen thuộc hoặc các thiết kế về các mô hình kinh doanh trong thời gian vài tháng. Năm nay, cuộc thi có sự tham gia của 23 đội đến từ Nhật Bản.
Saito nói để khuyến khích sự tham gia của nữ giới vào các ngành công nghệ thì xã hội và trực tiếp nhất là các bậc phụ huynh cần phải xóa bỏ định kiến lạc hậu đối với vai trò vị trí của phụ nữ. Tại sao giọng nói của trợ lí ảo Siri là giọng nói của một người phụ nữ chứ không phải nam giới. Cô nhấn mạnh, nếu sự phát triển công nghệ chỉ tập trung vào nam giới, phụ nữ sẽ bị xã hội bỏ lại phía sau.
Một khi nguồn nhân lực quá thiên về nam giới sẽ dẫn đến tình trạng không có vấn đề nào được giải quyết từ góc độ của nữ giới. Saito cũng đưa ra các dẫn chứng về những nền xã hội tiên tiến như Mỹ và Úc, họ luôn tìm những biện pháp thu hút phụ nữ tham gia vào các ngành công nghệ khi nói về những cố gắng của mình.
Theo NHK, Forbes Japan, Tokion