Cơn bão hàng Nhật chuẩn bị đổ bộ vào thị trường Việt

Đăng ngày 21/04/2016 bởi iSenpai

Hàng hóa xuất xứ Nhật Bản từ lâu vốn đã nhận được sự tin tưởng và ưa chuộng của người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại bằng con đường hàng xách tay, hàng Nhật đang dọn đường khá bài bản để chuẩn bị ồ ạt tấn công vào thị trường Việt.

Sự xuất hiện của hàng loạt kênh bán hàng
Nhằm đón đầu hiệp định TPP, nhiều doanh nghiệp Nhật đang có ý định đưa hàng hóa của họ vào thị trường Việt thông qua chuỗi những cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi của Nhật cũng đã thực hiện việc khảo sát hay chuẩn bị gia nhập thị trường Việt.
Ông Yasuzumi Hirotaka – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã từng chia sẻ, các doanh nghiệp nước này sẽ đẩy mạnh việc đưa những mặt hàng như: bánh kẹo, nông sản, nguyên liệu, thực phẩm… vào Việt Nam.
Hiện tại, tập đoàn bán lẻ AEON đã mua 49% tập đoàn của citimart và 30% cổ phần của Fivimart thì hàng Nhật cũng đã điềm nhiên bước chân vào các siêu thị nội. Thêm đó, hệ thống siêu thị AEON mall cũng là điểm bày bán vô số những mặt hàng Nhật và thu hút rất đông người tiêu dùng Việt ở Hà Nội, TP.HCM hay Bình Dương.
Ngoài ra, chuỗi cửa hàng chuyên doanh đồ Nhật như: Daiso, Tokyo Shop… cũng đang được mở tại khá nhiều nơi và nhanh chóng thu hút được người tiêu dùng Việt. Chuỗi cửa hàng Mini Stop và FamilyMart đã có mặt tại thị trường cũng đang có những chiến lược phát triển, gia tăng số lượng cửa hàng cũng như tìm cách để thêm nhiều mặt hàng xuất xứ Nhật Bản được người tiêu dùng biết đến.
Đến năm 2017, Tập đoàn bán lẻ Seven Eleven – hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật cũng sẽ mở cửa hàng ở Việt Nam. Đây được coi là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới và đã có mặt tại 17 quốc gia trên toàn thế giới với 56.400 cửa hàng, riêng tại Nhật đã có hơn 15.000 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng này cũng sẽ là cầu nối cho hàng loạt mặt hàng Nhật tấn công vào thị trường Việt.
Thách thức với những hàng hóa trong nước
Nếu với hàng Trung Quốc người Việt luôn có tâm thái e dè, thậm chí tẩy chay thì hàng Nhật lại là một thái cực hoàn toàn khác. Người Việt dường như luôn tin tưởng và ưa thích những mặt hàng xuất xứ từ Nhật Bản và nghĩ rằng “chúng tốt, an toàn, bền”. Dù mức giá của nhiều mặt hàng Nhật cao hơn hẳn hàng hóa cùng loại nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua.
Thêm vào đó, hiệp định TPP có hiệu lực cũng khiến nhiều mặt hàng Nhật được giảm hay miễn thuế khi vào Việt Nam và có giá bán sản phẩm cạnh tranh hơn. Bởi vậy, khi hàng hóa Nhật đổ bộ vào thị trường cũng sẽ cạnh tranh thị phần với nhiều mặt hàng trong nước.
Sau cơn sốt hàng Thái Lan thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ phải tiếp tục chia sẻ thị phần với hàng hóa đa dạng xuất xứ từ Nhật Bản.
 

Trả lời