Con đường nào cho Nhật Bản ?

Đăng ngày 16/12/2014 bởi iSenpai

Những gì Nhật Bản đang trải qua là bài học quan trọng cho kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với châu Âu. Các chính sách kích thích, dù cần thiết trong thời gian ngắn hạn, nhưng sẽ không thể nào đủ để khắc phục những điểm yếu dài hạn về cơ cấu.

1

Kinh tế Nhật Bản đang đòi hỏi những thay đổi quyết liệt về tái cơ cấu – Ảnh: First world facts

Trong bài phân tích dành cho Thanh Niên, chuyên gia Kenneth Rogoff tại ĐH Harvard cung cấp cái nhìn chuyên sâu về bài học cải cách thông qua thực trạng và triển vọng kinh tế Nhật Bản.

Những quyết định chính sách gần đây của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe – đẩy mạnh kích thích tiền tệ, hoãn tăng thuế tiêu thụ và tổ chức bầu cử sớm – đã đưa nước này trở lại các cuộc tranh luận căng thẳng sau khi giai đoạn đầu tiên của cuộc cải cách kinh tế do ông Abe khởi xướng (được gọi là Abenomics) chưa mang lại thành quả như mong đợi.

Sau cuộc bầu cử sớm, Thủ tướng Abe sẽ có thể tiến hành giai đoạn 2 của Abenomics. Câu hỏi đặt ra là liệu Abenomics 2.0 có đưa kinh tế Nhật Bản trở lại con đường phồn thịnh hay không, sau khi những kỳ vọng ban đầu đã bị “dội gáo nước lạnh” bởi 2 quý suy thoái liên tiếp.

Quan điểm của tôi là 3 biện pháp cải cách chính yếu của Abenomics 1.0, thường được gọi là 3 mũi tên, về cơ bản đã đi đúng hướng: thả nổi tiền tệ để tăng lạm phát với mục tiêu khắc phục giảm phát triền miên nhiều năm qua; tiến hành chính sách kích cầu; tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách cấu trúc xã hội để phục vụ tăng trưởng lâu dài. Tuy nhiên, mũi tên quan trọng nhất còn cách đích rất xa.

Không có sự tiến triển đáng kể nào trong việc cải cách nguồn cung, nhất là vấn đề lực lượng lao động. Với dân số đang ngày càng lão hóa và co lại, chính phủ Nhật lại chưa thể hoàn thành các kế hoạch quan trọng của Thủ tướng Abe là khuyến khích phụ nữ làm việc, thuyết phục người lớn tuổi tiếp tục ở lại lực lượng lao động và phát triển các chính sách lao động thân thiện hơn với gia đình. Đặc biệt, theo tôi, Tokyo cần tạo ra một môi trường thoải mái hơn cho công nhân nước ngoài đến làm việc ở Nhật.

Hiện đã có một số chuyển động tích cực về nhập cư. Lo ngại về thời hạn phải hoàn thành các công trình cho Thế vận hội mùa hè 2020 ở Tokyo, chính phủ cuối cùng đã thông qua việc sử dụng công nhân xây dựng nước ngoài (dù quyết định này phải trầy vi tróc vảy mới lọt qua cửa của rất nhiều bộ ngành). Tuy nhiên, việc xúc tiến tổng thể vẫn còn chậm và nhìn chung các trở ngại về chính trị đối với người nhập cư vẫn chưa giảm.

Nợ công lớn và quỹ trợ cấp hưu trí ngày càng nhỏ lại cũng tạo ra những nguy cơ lớn. Vào thời điểm này, lãi suất đối với trái phiếu 10 năm vẫn dưới 0,5%. Tuy nhiên, các nguy cơ có thể còn xa nhưng không có nghĩa là chúng không nghiêm trọng, nhất là với nghịch lý Nhật đang đối mặt. Nước này cần thoát khỏi giảm phát nhưng nếu lạm phát xuất hiện thì liệu lãi suất có còn dưới 0,5%? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi bị chựng lại, dẫn đến tăng đáng kể lãi suất trên toàn cầu?

Tựu trung, vấn đề chiều sâu của Nhật là chỉ với những chính sách kích thích thì sẽ không thể xóa nhòa được 2 thập niên thất bát, chứ đừng nói tới gây dựng lại được thời kỳ hoàng kim khi xưa. Tình trạng suy giảm dân số và ảnh hưởng của nó đến cấu trúc xã hội là yếu tố chính dẫn đến khủng hoảng tài chính 1992 của Nhật với những hệ lụy kéo dài đến tận ngày nay.

Lần đầu tiên tôi hỏi các chuyên gia Nhật về những cải cách của ông Abe, họ trả lời: “Đừng lo, chúng sắp có kết quả”. Sau đó, họ lại nói: “Đừng lo, chúng sẽ có kết quả, nhưng hơi chậm”. Gần đây, câu trả lời đã được đổi thành: “Đừng lo, chúng tôi vẫn nghĩ chúng sắp có kết quả”. Nếu không quyết liệt với mũi tên thứ ba, tạo ra đột phá trong tái cơ cấu, nhất là về thị trường lao động, thì Abenomics 2.0 cũng sẽ chẳng làm gì hơn được so với giai đoạn đầu tiên.

Những gì Nhật Bản đang trải qua là bài học quan trọng cho kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với châu Âu. Các chính sách kích thích, dù cần thiết trong thời gian ngắn hạn, nhưng sẽ không thể nào đủ để khắc phục những điểm yếu dài hạn về cơ cấu.

K.R – Văn Khoa
(chuyển ngữ)
© Project Syndicate

Kenneth Rogoff
(Nguyên Trưởng kinh tế gia của IMF)

Theo Thanh Niên

Trả lời