Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật và các chi hội VYSA

Đăng ngày 02/10/2014 bởi Mr. Kro

Nếu là một người sẽ đến Nhật hoặc thậm chí đã đến Nhật sinh sống, hẳn đôi khi bạn cũng đã từng nghĩ đến việc, nơi mình sống có nhiều người Việt hay không, có giao lưu với nhau không, hay chỉ có một mình mình giữa toàn người Nhật.

Dĩ nhiên ở quy mô nhỏ, bạn vẫn có thể gặp những người bạn cùng trường, hay cùng chỗ làm, hay sống cùng khu là người Việt. Tuy nhiên, ngoài các nhóm nhỏ lẻ như vậy ra, ở các tình thành phố vẫn tập trung nhiều cộng đồng người Việt Nam ở quy mô lớn hơn, mà trong đó đáng phải kể đến nhất là các cộng đồng thành viên của các chi hội VYSA.

Người Việt tại Tokyo đón Tết cùng VYSA

Người Việt tại Tokyo đón Tết cùng VYSA

VYSA là viết tắt của Vietnam Youth and Students Association – Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Các hội VYSA gồm có VYSA toàn quốc đứng đầu quản lý và hỗ trợ các chi hội VYSA địa phương. Hiện nay các chi hội VYSA đã được thành lập ở các địa phương Beppu – Oita (VYSA APU), Fukuoka, Hokkaido, Kobe – Hyogo, Kyoto, Niigata, Okayama, Okinawa, Osaka, Sendai – Fukushima, Shiga, và khu vực Tokai (khu vực xung quanh Nagoya – Aichi).

Các chi hội VYSA (Cập nhật 2014)

Các chi hội VYSA (Cập nhật 2014)

Vốn ban đầu được sáng lập phục vụ lợi ích của sinh viên và thanh niên trong khu vực địa phương mình, nhưng hiện nay do sự tăng nhanh của số lượng các thanh niên sang Nhật thực tập, lao động, hiện hoạt động của các chi hội VYSA nói chung hướng đến toàn bộ cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại địa phương đó. Những anh chị giữ via trò chủ chốt trong việc tổ chức hội thường là sinh viên hoặc học viên cao học, nghiên cứu sinh – những người có sự linh hoạt về thời gian hơn so với người đi làm.

Tiệc tết với các món ăn truyền thống ngày Tết

Tiệc tết tại VYSA với các món ăn truyền thống ngày Tết

Số lượng và quy mô hoạt động của các chi hội VYSA còn tùy vào nhân lực và số thành viên trong cộng đồng của hội VYSA đó, nhưng đáng kể nhất phải nói là sự kiện tết truyền thống. Do Nhật Bản không có tết âm, vào thời điểm tết âm lịch tại Việt Nam thì tại Nhật mọi người vẫn phải đi làm, đi học, đi thi, nên số người Việt Nam phải ở lại ăn tết xa xứ không về được nhà là rất nhiều. Vì thế hầu như các cộng đồng người Việt dù lớn hay bé đều luôn cố gắng tổ chức tiệc tết, cho dù có thể không đúng ngày, với những món ăn truyền thống như gà luộc, bánh chưng, dưa hành… để làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ các món ăn, nhớ không khí ngày tết của các đồng bào xa xứ.

Giải thể thao SV-Handai Open 2014 (Osaka)

Giải thể thao SV-Handai Open 2014 (Osaka)

Ngoài ra tại các địa phương có số lượng người Việt đông đảo, các chi hội VYSA tại địa phương đó thường có các sự kiện khác về thể thao, học thuật, văn hóa… Trong số đó có thể kể đến: VYSA Job Fair – Hội chợ việc làm cho người Việt Nam ở Nhật lớn nhất Nhật Bản (VYSA toàn quốc), SV-Handai Open – Giải thể thao thường niên cho người Việt Nam lớn nhất Nhật Bản (VYSA Osaka), VJSE – Hội nghị trao đổi học thuật quốc tế Việt – Nhật (2013: VYSA Osaka, 2014: VYSA Kobe), chương trình từ thiện “Cơm có thịt” (VYSA toàn quốc) cũng như các giải bóng đá do các chi hội VYSA ở Tokyo, Tokai, Okayama, Kobe… tổ chức. Hoặc một số sự kiện khác như: ngắm pháo hoa, ngắm hoa anh đào, ngắm lá đỏ, tắm biển, hay chào mừng ngày quốc tế phụ nữ 20/10 cũng được tổ chức, thu hút rất nhiều người Việt sinh sống tại Nhật đến tham dự.

HDO2

Ngoài các sự kiện lớn tổ chức hàng năm, các chi hội VYSA còn có các câu lạc bộ, được hỗ trợ bởi ban điều hành của chi hội đó và vận hành bởi chính các thành viên có chung sở thích về thể thao, văn hóa, như: câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ âm nhạc… Không như các sự kiện lỡn một năm chỉ được tổ chức 1-2 lần, các câu lạc bộ hoạt động thường xuyên hơn và là sân chơi, cầu nối để các thành viên có cơ hội giao lưu gặp gỡ và chia sẻ sở thích cá nhân của mình.

HDO3

Không chỉ tạo điều kiện giao lưu giữa các thành viên, các chi hội VYSA còn quan tâm hỗ trợ đến các mặt khác trong đời sống của thành viên. Năm 2013 vừa qua khi vấn đề biển Đông nổi cộm lên tại Việt Nam cũng như trên cộng đồng quốc tế, một số chi hội VYSA đã tổ chức các buổi biểu tình phản đối xâm phạm chủ quyền biển đảo, liên hệ với giới truyền thông đưa tin, cũng như huy động nhân lực điều khiển kết hợp với cảnh sát sở tại để đảm bảo các cuộc biểu tình diễn ra trong trật tự.

Biểu tình bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Osaka

Biểu tình bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Osaka

Tháng 5/2014, hội VYSA toàn quốc đã phát động phong trào quyên góp “Cộng đồng người Việt tại Nhật hướng về biển đảo quê hương” nhằm góp sức giúp ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; trang bị hệ thống thông tin liên lạc tầm xa cho các nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân đang ngày đêm bám biển và hỗ trợ lực lượng Kiểm ngư tham gia bảo vệ biển đảo thiêng liêng của đất nước.

Ngoài ra, ở Osaka đã từng có trường hợp người đi làm là người Việt đưa người thân sang Nhật du lịch, trong quá trình đó người thân của người đó đã phát bệnh đột ngột, và do không có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị tại bệnh viện mà gia đình phải trả là hàng trăm nghìn yên (vài chục triệu tiền Việt). Khi đó hội VYSA Osaka đã tổ chức một buổi nhạc hội quyên góp tiền ủng hộ cho gia đình với lời kêu gọi “Lá lành đùm lá rách”, và đã thu được số tiền lớn giúp ích rất nhiều cho gia đình người gặp tai nạn.

Sinh viên Indonesia đóng góp tiết mục văn nghệ trong buổi nhạc hội quyên góp từ thiện

Sinh viên Indonesia đóng góp tiết mục văn nghệ trong buổi nhạc hội quyên góp từ thiện

Sống ở nước ngoài là một trải nghiệm quý giá (và đôi khi còn có thể nói là “đắt giá”), tuy nhiên cũng là một quá trình đầy thử thách và bất trắc nếu bạn không quản lý và chăm lo cho cuộc sống tinh thần của mình. Đã có không ít những người sau khi đến Nhật học tập và làm việc mới nhận ra, “giấc mơ xuất ngoại” không phải bao giờ cũng đẹp đẽ như mình tưởng tượng, khi buổi tối đi học đi làm về, và thứ bảy chủ nhật chỉ có mình mình ngồi nhà ôm lấy chiếc điện thoại hay máy tính. Khi bạn bè, đồng nghiệp người Nhật còn có cuộc sống riêng của họ và khó có thể chia sẻ với một người nước ngoài. Khi cảm giác cô độc kéo dài gây ra những muộn phiền hay áp lực, ức chế trong cuộc sống. Những khi đó, việc được giao lưu, có nơi chốn chia sẻ với những người đồng bào tha hương, với những người hiểu mình là niềm an ủi rất lớn. Mặc dù kết bạn với những người bản xứ hay người nước ngoài cũng là những trải nghiệm thú vị mà chỉ khi sang nước ngoài bạn mới có điều kiện dễ dàng nhất để trải qua, nhưng mặt khác, trong một xã hội với nhiều sự bất đồng về văn hóa, quy tắc xã hội, và quan trọng nhất là ngôn ngữ, thì việc xung quanh bạn không có người thân thích, không có bạn bè quen biết như khi còn ở Việt Nam sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn vô cùng nhiều.

hanami

Ngắm hoa anh đào 2014

Vì thế, nếu sang Nhật và dù chỉ một lần cảm thấy cô đơn hay lo lắng, hay chỉ đơn giản là muốn giao lưu gặp gỡ với những người Việt Nam khác đang sinh sống gần nơi ở của bạn tại Nhật, hoặc thậm chí chỉ khi muốn ăn một bữa tiệc tết ấm cúng đông đủ với hương vị quê nhà, hãy nghĩ đến việc giao lưu và tham gia các sự kiện của các chi hội VYSA tại địa phương của bạn.
Ông cha ta đã có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”, tất cả các hội người Việt tại Nhật cũng như các chi hội VYSA đang là minh chứng rõ nhất, rằng cho dù xa quê hương Tổ quốc nghìn dặm, nhưng những giá trị muôn đời đó của dân tộc ta vẫn đang được trân trọng và gìn giữ.

Mr.Kro

5 thoughts on “Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật và các chi hội VYSA

Trả lời