Công thức đơn giản giúp Shimamura “vượt mặt” Uniqlo

Đăng ngày 28/11/2016 bởi iSenpai

Công thức đơn giản giúp Shimamura “vượt mặt” Uniqlo


Một cửa hàng của Shimamura

(ĐTCK) Không quá kiểu cách, thân thiện và giá rẻ, đó chính là công thức thu lợi nhuận bền vững của hãng thời trang Shimamura trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang đi xuống, giúp chuỗi kinh doanh quần áo lớn thứ hai của nước này vượt lên cả đối thủ Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo đình đám, trong 5 quý gần đây.

Trong khi tiêu dùng của các hộ gia đình tại Nhật Bản giảm liên tục suốt 11 tháng của năm tài khóa kết thúc hồi tháng 9 vừa qua, và giá tiêu dùng (CPI) cũng giảm liên tiếp 7 tháng, doanh thu của Shimamura vẫn tăng mạnh.

Trong 3 quý đầu năm nay, doanh thu của hãng tăng trung bình 6,2% mỗi quý, trong khi con số này của Fast Retailing (sở hữu doanh thu thường niên gấp 3 lần Shimamura) chỉ là 5,4%.

Trong 6 tháng tính đến 20/8 vừa qua, thu nhập ròng của Shimamura tăng 46% lên 16,7 tỷ Yên, vượt mục tiêu đề ra là 14,8 tỷ Yên. Hãng này dự kiến lợi nhuận trong cả năm nay sẽ là 46,2 tỷ Yên, tăng 15,8% so với năm trước.

Shimamura đạt mức lợi nhuận trên, một phần là nhờ đồng Yên tăng giá, khiến nguyên liệu nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc, về Nhật Bản trở nên rẻ hơn. Trong năm nay, đồng Yên tăng so với tất cả các đồng tiền khác ở châu Á và tăng 15% so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Một năm qua, cổ phiếu Shimamura chỉ giảm 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 15% của Fast Retailing. 5 trong số 13 nhà phân tích cổ phiếu của Bloomberg nhận định nên mua vào cổ phiếu của Shimamura, các ý kiến còn lại cho rằng nên tiếp tục nắm giữ.

Chiến lược nào đã giúp hãng thời trang này chiếm được thị phần từ tay một đối thủ lớn?

Shimamura mở cửa hàng quần áo đầu tiên tại Tokyo năm 1978, tức 15 năm sau khi có cửa hàng tại quận Saitama. Từ thập niên 90, hãng bán lẻ này bắt đầu mở ra nhiều cửa hàng trên toàn nước Nhật và cho đến cuối năm 2015, đã có 2.000 cửa hàng Shimamura và một vài hãng thời trang khác.

Theo Euromonitor International, năm 2011, với 4%, lần đầu tiên Shimamura dẫn trước World Co., trong cuộc đua thị phần ngành quần áo, nhưng vẫn bị Fast Retailing bỏ xa với 12%.

“Fast Retailing đang đi trên một con đường khác, giống như bay trên mây vậy, còn chúng tôi chỉ là một công ty bình thường”, chủ tịch Masato Nonaka nói và cho biết: “Chúng tôi không thể bắt chước họ. Chúng tôi phải tự đi trên con đường của riêng mình”.

Chiến lược của Shimamura là rất rõ ràng: Giá rẻ và nhắm đúng đối tượng mục tiêu. Họ không có nhà thiết kế thời trang tên tuổi, không có người mẫu nổi tiếng để quảng cáo. Hầu hết cửa hàng trong hệ thống 2.000 chi nhánh của hãng được đặt tại các khu dân cư, thay vì ở các trung tâm mua sắm cao cấp. Hàng hóa của họ, từ những chiếc áo cardigan giá 1.140 Yên, cho đến những chiếc quần skinny giá 900 Yên, chủ yếu đến từ các nhà sản xuất giá rẻ nước ngoài.

Trong bối cảnh đối tượng khách hàng mà các chuỗi thời trang nhanh thường hướng đến là nhóm người trẻ tuổi, thì xu hướng “già hóa” dân số tại Nhật đã trở thành thách thức lớn. Bên cạnh đó, chi phí truy cập Intenet trên điện thoại di động tăng cao cũng khiến cho giới trẻ Nhật Bản ít tiêu tốn vào quần áo hơn. Tuy vậy, Chủ tịch Nonaka, người đã gắn bó với Shimamura hơn 30 năm, nhận định rằng, tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của một công ty bán đồ giá rẻ như Shimamura.

“Chúng tôi không đánh bạc, chúng tôi chỉ đi thẳng vào mảng mà mình có thể giành phần thắng và làm những gì mình am hiểu”, Chủ tịch Nonaka chia sẻ trên Bloomberg: “Đó là chính sách nền tảng của chúng tôi”.

Các nhà đầu tư và giới phân tích cũng cho biết, Shimamura và đối thủ Uniqlo rất khác nhau về định hướng phát triển.

“Họ hoàn toàn khác nhau, cả ở những việc đã làm trong quá khứ lẫn những dự định cho tương lai. Trong khi Uniqlo có doanh số quốc tế chiếm tỷ lệ lớn, thì Shimamura lại chủ yếu hoạt động ở nội địa”, Dairo Murata, nhà phân tích tại JP Morgan Securities nhận xét.

Hai năm trước, Shimamura đã số hóa hệ thống quản lý hàng tồn kho. Hiện nay, họ sử dụng thuật toán để đưa ra quyết định triển khai các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi. Dù vậy, Công ty vẫn chưa bán hàng online, nhiều cửa hàng của họ tại Trung Quốc vẫn đang chật vật do thiếu nhận diện thương hiệu suốt 4 năm qua kể từ khi thành lập. Do đó, Chủ tịch Nonaka cho biết, Công ty dự định sẽ đóng cửa các cơ sở hoạt động không tốt, thay vào đó là việc bổ sung các danh mục sản phẩm còn thiếu. Và hiện tại, Shimamura vẫn có thể hài lòng với mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng sau mùa hè.

“Việc bán hàng của chúng tôi đang rất thuận lợi. Tôi có thể chỉ nói là ‘tốt’, nhưng sự thật là chúng tôi đang bán rất chạy. Điều đó khiến tôi không thể ngừng mỉm cười được”, ông Nonaka nói.

Mai Thảo (Đầu Tư Chứng Khoán) (Theo Bloomberg)

Trả lời