Cú sốc khó quên của nạn nhân sóng thần Nhật Bản

Đăng ngày 11/03/2015 bởi iSenpai

Nhiều nạn nhân của trận động đất và sóng thần Nhật Bản 4 năm trước dần thích nghi cuộc sống mới, song một số người khác chưa thể vượt qua cú sốc đã thay đổi cuộc đời họ.

Trận động đất 9 độ Richter và sóng thần cao 10 m tàn phá một vùng rộng lớn ở đông bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011 và cướp gần 19.000 sinh mạng. 4 năm sau, những nạn nhân sống sót sau thảm họa kép vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống tại nơi ở tạm.

Sống sót thần kỳ

Khi trận động đất và sóng thần lịch sử tấn công thành phố Ishinomaki, ông Kei Masuda đang đóng gói lô hàng hải sản tại nơi làm việc. Masuda biết rõ, sóng thần sẽ ập tới sau khi mặt đất rung lắc dữ dội. “Tôi thấy những con sóng ở phía xa vài trăm mét, sau đó chết lặng khi thấy cảnh tượng cột nước đen nhấn chìm một tòa nhà 3 tầng và tiến dần về phía tôi”, người đàn ông 63 tuổi hồi tưởng.

Vì quá sợ hãi, Masuda đã nhảy vào xe và theo bản năng, ông di chuyển tới một nhà kho gần đó để ẩn náu. Nhưng con sóng đã đuổi kịp ông. Dòng nước bủa vây ô tô đã buộc ông phải dùng búa để phá cửa sổ và thoát ra ngoài. Masuda bất tỉnh giữa dòng nước siết. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi cơ thể ông vẫn nổi trên mặt nước và sống sót sau nhiều giờ trôi dạt.

Hiện tại, Masuda là hội trưởng của một khu nhà tạm trong huyện Mangokuura, thành phố Ishinomaki. Đây là khu vực tập trung 78 hộ gia đình. Họ đều là nạn nhân của trận động đất và sóng thần 4 năm trước. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành lãnh đạo. Nhưng khi sống sót sau thảm họa kép, tôi cảm thấy cần hành động vì lợi ích của xã hội”, ông Masuada chia sẻ.

“Tiếp tục sống”

Chồng của bà Michiyo Oshima, 74 tuổi, đã thiệt mạng sau trận động đất – sóng thần năm 2011. Năm đầu tiên sau tai nạn, sự đau khổ luôn giày vò tâm trí góa phụ. Bà không ngừng nghĩ tới người chồng quá cố. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, Oshima dần gạt những ý nghĩ ấy sang một bên và chú tâm vào nhiệm vụ trưởng khu nhà tạm tại quận Minamizakai.

Bà xử lý mọi việc, từ đón tiếp tình nguyện viên tới kiểm tra đời sống tinh thần của những người cùng cảnh ngộ. Công việc mới đã đem lại cho bà Oshima cơ hội kết bạn và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Nếu nói rằng, tôi không còn nghĩ về người chồng quá cố, đó là lời nói dối. Nhưng tôi vui vì đã có thêm nhiều bạn. Là người sống sót sau thảm họa, chúng tôi cần tiếp tục sống”, Oshima chia sẻ với JapanTimes.

Bất lực khi đối diện với hậu quả của thiên tai

Trong khi đó, một cư dân của thành phố Kesennuma có biệt danh Mittsu, cho biết, dù là người sống sót sau thảm họa 4 năm trước, sóng thần đã thay đổi cuộc sống và cướp của ông mọi thứ, từ nhà cửa tới những người thân yêu. Thảm họa đã tác động tới lòng tự trọng của người đàn ông 56 tuổi.

Mittsu từng rất tự hào về bản thân khi luôn chủ động trong mọi việc. Nhưng giờ đây, ông cảm thấy bất lực khi đối diện với hậu quả của thiên tai. Mittsu nhận thấy ông không thể tự nuôi sống bản thân. Ông tâm sự rằng, khi các tình nguyện viên cùng nhà báo tới trung tâm sơ tán để an ủi và động viên những người sống sót, ông lại tự hành hạ bản thân.

“Tôi chưa từng nghĩ mình là người giàu. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn tự điều chỉnh và hành động theo sáng kiến riêng và vượt qua khó khăn mà không cần sự trợ giúp của người khác. Tuy nhiên, giờ đây tôi cảm thấy niềm tự hào ấy dường như bị chà đạp. Nhiều lúc tôi nghĩ, mọi chuyện có thể sẽ tốt hơn nếu tôi chết trong trận động đất năm đó”, ông tâm sự.

Tuy nhiên, theo Mittsu, ông vẫn phải cố gắng sống để nuôi vợ và cha mẹ của cô ấy. 4 người trong số họ đang sống trong nhà tạm, với khoản thu nhập ít ỏi.

Mặc dù bi quan về cuộc sống, Mittsu vẫn mong một ngày gần nhất, ông có thể giúp những người thân khôi phục việc kinh doanh. “Tôi hy vọng những người thân yêu được sống hạnh phúc thêm lần nữa”, Mittsu chia sẻ.

Nguồn news.zing.vn

Trả lời