Những đô vật phục phịch cùng trọng lượng cơ thể từ 120 – 150kg, chẳng mặc gì hết ngoài chiếc khố kèm đai lưng nặng trịch. Nhưng chiếc đai lưng nặng cả 15kg không chỉ để “tô điểm” cho vòng lưng phì nộn của họ, mà còn có ý nghĩa vô cùng thiết thực nhằm khẳng định đẳng cấp của một võ sĩ sumo trên sàn đấu.
Họ bắt buộc phải tiêu thụ tối thiểu 5.000 đơn vị calories mỗi ngày, tiềm ẩn những căn bệnh: áp huyết cao, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não. Thông thường một đô vật sumo chỉ sống được tới độ tuổi 50, trong khi tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản hiện nay là 74,5 tuổi.
Mọi võ sĩ sumo đều hiểu điều đó, nhưng chẳng gì có thể cản nổi bầu nhiệt huyết của họ đối với môn vật cổ truyền này. Bất chấp tất cả, họ vẫn miệt mài tiêu thụ đều đặn hàng ngày lượng thức ăn khổng lồ bao gồm cá, thịt, chim và trái cây – qua dạng nước sốt ép. Rồi thì cơm, các sản phẩm từ hạt dẻ, rau sống, một lít bia hoặc vài ly rượu sake…
Chế độ ăn uống đặc biệt ấy giúp tạo ra một giấc ngủ dài và sâu, nhanh chóng đem lại một cơ thể phì nộn – đáp ứng tiêu chí trọng lượng cho một đô vật “chuẩn”. Cũng cần biết thêm, rằng sumo là môn thể thao duy nhất không cấm vận động viên dùng chất kích thích có chứa cồn.
Với mục đích “càng chóng béo càng tốt” đã khiến mọi đô vật thành đạt đều gặp khó khăn trong việc đi lại. Họ phải sử dụng tới… 2 chỗ ngồi bình thường trên bất cứ phương tiện giao thông nào mỗi khi di chuyển. Đó là cái giá mà một võ sĩ sumo phải trả khi dấn thân vào môn võ này. Một môn võ huyền thoại rặt các vị “thánh sống”.Không như các môn thể thao giải trí khác, môn đấu vật sumo trên hết là thứ nghệ thuật sống có kỷ cương cụ thể. Mọi võ sĩ đều phục tùng vô điều kiện các quy định truyền đời, cũng như tuân thủ lời thề trước khi trở thành đấu vật: “Tuyệt đối gắn bó trọn đời với sumo!”. Ngay cả nhiều võ sĩ sau khi giải nghệ cũng tuyệt nhiên không tham gia vào bất cứ môn thể thao nào khác(!).
Đô vật tương lai được tuyển chọn trong lứa thiếu niên 14-15 tuổi cùng các chỉ tiêu “cực chuẩn”: tầm vóc – cao tối thiểu 1,70m, trọng lượng – chí ít phải nặng 75kg. Các “thánh sống nhí” vừa qua cuộc tuyển lựa khắt khe sẽ được đưa về các trung tâm huấn luyện, để được trau dồi có hệ thống thứ nghệ thuật cổ truyền rối rắm của trường phái vật sumo.
Mọi học viên đều thức dậy lúc 4h sáng. Một ngày mới được bắt đầu với bài tập luyện cơ. Chiều đến là các màn đấu tay đôi, đòi hỏi sự thông minh khéo léo nhanh chóng hạ gục đối phương, bởi thông thường một trận đấu sumo chỉ kéo dài trong vòng 10-20 giây đồng hồ mà thôi. Trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi ấy, người võ sĩ phải biết chớp thời cơ quật ngã đối thủ, hoặc dốc sức bê cả tấm thân phì nộn của đối thủ… quẳng ra ngoài võ đài.
Song song với các màn khổ luyện về thể chất là các bài tập tinh thần, tạo nên thứ ý chí thép quyết thắng đối phương còn hơn là phải… “chết tức tưởi vì thua”(!).Trung bình hàng năm có gần 80% số võ sĩ nhí mới tuyển bị loại, do không kham nổi cường độ tập luyện. Còn lại chưa đầy 5% số “thánh sống nhí” tốt nghiệp các trung tâm đào tạo một cách xuất sắc, đủ tiêu chuẩn làm lễ ăn thề trở thành môn đệ sumo và sẵn sàng xuất hiện trên sàn đấu. Nhưng chỉ có một số cực ít có cơ may lọt vào các giải sumo hạng siêu nặng và nhắm tới danh hiệu “Yokozuna” (Nhà vô địch sumo tuyệt đối) – qua các kỳ tích bách chiến bách thắng trong một mùa giải thi đấu.
Giới võ sĩ sumo quả thực rất được dân chúng trọng vọng, xứng đáng là người đại diện cho bộ môn quốc vật tiêu biểu của xứ Phù Tang. Trong lịch sử nhiều nghìn năm tồn tại, chỉ chưa đầy một ngàn võ sĩ sumo dày dạn đạt tới danh hiệu Yokozuna. Giải thưởng cho một nhà quán quân sumo tuyệt đối bây giờ thường lên tới hàng triệu yên, nhưng xem ra số tiền khổng lồ ấy chẳng có ý nghĩa gì so với sự dày công khổ luyện trọn đời của người võ sĩ, và trên hết là phần thưởng tinh thần cực kỳ lớn lao khi được mọi người tôn vinh như một vị “thánh sống”.
Theo An Ninh Thế Giới