Cuộc thi hùng biện Việt Nhật 2019: Cùng nghe cựu quán quân và á quân tâm sự về chữ Hoà

Đăng ngày 06/07/2019 bởi iSenpai

Giới thiệu dẫn dắt về chữ “Hòa”

An: Thời gian trôi nhanh quá chị nhỉ, chẳng mấy quay đi quay lại là quá nửa đời người rồi. Năm nay kể ra cũng ra một cái “Duyên” kết nối mọi người, chủ đề các năm lại chị nhỉ. Như năm đầu tiên của em là đề tài cũng là WA (輪) mở ra một vòng tròn kết nối mọi người, năm nay tình cờ lấy cảm hứng từ niên hiệu mới của Nhật nên BTC quyết định lựa chọn đề tài năm nay cũng là WA (和) như để thế hiện sự chúc mừng đến kỷ nguyên mới của Nhật Bản, vừa kết nối và mở rộng vòng tròn hữu hảo Nhật – Việt. Trong vòng tròn đấy chứa đựng những mối lương “Duyên” (縁), mọi người đối xử với nhau bằng cái “Tâm” (心) để gắn kết các mối quan hệ trong xã hội. Và năm nay, như là một sự kết nối với mạch chuyện, cùng kể về câu chuyện Nhật – Việt hữu hảo với một tình thần mới của kỷ nguyên mới Lệnh Hòa, BTC rất khuyến khích thí sinh tham gia cuộc thi được thỏa sức tự do sáng tạo, thể hiện quan điểm của mình.

Chữ wa có tầm quan trọng như thế nào trong văn hoá nơi công sở Nhật nhỉ? Hai người có thể nói về vấn đề này một chút thông qua kinh nghiệm cá nhân được không?

An: Và đặc biệt hơn nữa, không chỉ bó hẹp chỉ ở lĩnh vực văn hóa, vẻ đẹp ngôn ngữ con người hai nước, sân chơi hùng biện năm nay rộng ra tất cả các phạm vi, lĩnh vực, với tất cả các nhóm đối tượng, từ già đến trẻ, từ trình diễn cá nhân đến liên kết theo nhóm, v.v. Đặt để trong môi trường Nhật Bản, thì chữ WA(和) này có vai trò rất quan trọng, đó là khởi nguyên của sự phát triển cái nôi văn minh YAMATO(大和), biểu trưng cốt cách – lối sống dung dị, hài hòa của người Nhật trong văn hóa truyền thống. Cái truyền thống giao thoa với sự hội nhập quốc tế hóa của tân thời đại thì ắt hẳn phải có sự thích ứng để dung hợp, hài hòa. Đặc biệt thể hiện một cách rõ rệt nhất về ý chí mới trong kỉ nguyên mới như các bạn cũng được biết về quyết định thay đổi tiền tệ của chính phủ Nhật. Còn trong bối cảnh dòng di dân nhập cư vào, chọn Nhật Bản làm nơi sinh sống và làm việc ngày càng nhiều, ắt hẳn những xung đột văn hóa, rào cản ngôn ngữ là không để thiếu được trong sinh hoạt thường nhật và môi trường làm việc. Nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài của các công ty Nhật ngày càng cao, nhưng quả thật văn hóa quá đặc thù trong môi trường làm việc của Nhật Bản đôi lúc lại trở thành bức tường ngăn cách giữa nhu cầu của và nhân lực muốn ứng tuyển. Vậy nên, tại sân chơi hùng biện của VYSA Osaka hơn bao giờ hết là một sân chơi vô cùng thích hợp để các bạn được nói ra quan điểm đóng góp cũng như sáng kiến của mình đó!

Trang: Khi đi làm ở Nhật, mình nhận thấy người Nhật thường cố gắng tránh xung đột và mâu thuẫn khi đưa ra ý kiến, và luôn cố gắng giữ hoà khí khi tiếp xúc với nhau. Điều này là bởi phần lớn thời gian trong một ngày được sử dụng ở nơi làm việc, cho nên xây dựng và giữ gìn một môi trường làm việc mà ở đó mọi người cảm thấy yên ổn, an toàn như là một gia đình mới có thể thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân và lợi ích của cả tập thể.

Mình đã làm việc ở 3 công ty và trường học, nên có thể thấy rõ điều này trong quá trình OJT (On the job training), Kojin Mendan (thảo luận riêng giữa cấp trên với từng nhân viên), hay trong mối quan hệ rất đặc thù ở Nhật là quan hệ giữa Sempai (người vào công ty trước) và Kouhai (người vào công ty sau). Để có được “Hoà bình”, “Hoà khí”, “Hoà hảo”, trước hết là phải “Hiểu”. Vì vậy, trong mọi hình thức kể trên, người Nhật luôn chú trọng việc làm sao cho 2 bên hiểu nhau: không chỉ là Cá nhân hiểu về Tập thể… mà còn là Tập thể cũng hiểu về từng Cá nhân. Một lãnh đạo, một công ty, tập đoàn tốt là những nơi không chỉ nghĩ đến lợi nhuận, lợi ích chung, mà là nơi rất chú trọng đến việc giáo dục, đào tạo con người: Ở đây từng cá nhân có cơ hội để hiểu về bản thân và khai thác được những điểm mạnh của mình để đưa tập thể ấy phát triển nhất.

Chính vì “Hiểu” được như vậy, nên khi có mầm mống xung đột hay hiểu lầm xảy ra, người cấp trên sẽ nhanh chóng có những cách tiếp cận và tư vấn riêng để mâu thuẫn nội bộ được giải quyết. Khi đi làm ở Nhật mình cảm thấy yên tâm bởi vì có những Senpai và cấp trên có thể lắng nghe được những khó khăn của mình, không chỉ là về khó khăn về mặt kỹ năng, kiến thức trong công việc đó mà còn về cả những mối quan hệ với đồng nghiệp và đối tác, để đưa ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Nếu bạn không có được “Hoà”, không cảm thấy “An” trong chính mình thì cũng khó phát huy được hết khả năng của mình trong công việc và tập thể ấy cũng không “Hòa” được. Chính vì vậy, đừng ôm vấn đề một mình nếu bạn cảm thấy khó khăn và bế tắc, mà theo mình hãy chủ động thảo luận với Senpai, Team Leader hoặc cấp trên… của bạn. Và cũng đừng ngần ngại thể hiện “màu sắc riêng” của bạn như đưa ra các ý kiến sáng tạo riêng, miễn là cách bạn thể hiện cho thấy sự cầu tiến và giữ chừng mực, có hoà khí và thực hiện đúng các quy trình Ho – Ren – So (Báo cáo – Liên lạc – Thảo luận) thì mọi người luôn trân trọng ý kiến của bạn.

Anh chị thấy các nhà tuyển dụng hiện giờ, bên cạnh kỹ năng và trình độ làm việc, đang tìm kiếm điều gì nhất ở người xin việc? Liệu “hoà” có phải là một trong những yếu tố mà người tuyển dụng quan tâm hay không nhỉ?

An: Như mình đã đề cập phía trên, muốn đạt được sự hài hòa tránh xung đột trong môi trường công việc (和む、和やか、和合) thì phải hiểu được con người Nhật bản trong công việc, và tính cách đặc thù của họ (大和). Và ngay tại sân chơi hùng biện của VYSA Osaka là nơi các nhà tuyển dụng sẽ lắng nghe những bức thông điệp của các bạn gửi đến, vậy hãy tận dụng triệt để sự kiện lần này của VYSA Osaka, mở lòng ra để đón nhận những cơ hội bất ngờ.

Trang: Mình thấy rằng ngoài trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm, thì Nhà tuyển dụng rất chú trọng đến “độ tương thích” của bạn với tập thể của họ. Sự thích hợp ấy đến từ “Funiki” – năng lượng bạn tỏa ra, phong thái của bạn; và mục tiêu, lý tưởng, quan niệm của bạn về đạo đức, về kinh doanh, về lẽ sống… có khớp với tập thể đó hay không.

Chẳng hạn, một công ty lớn và lâu đời có thể sẽ cần một người luôn ham học hỏi, chịu khó tiếp thu và hiểu về truyền thống, về “văn hoá công ty” của họ, họ không cần bạn phải giỏi giang và rất sáng tạo ngay từ đầu, họ muốn bạn “học nghe” trước khi “học nói”, có nghe giỏi thì mới nói giỏi, và họ cũng mong bạn luôn khiêm tốn và cân bằng, giữ Hoà khí. Ngược lại, một công ty kinh doanh có nhiều nhân viên trẻ, họ luôn cần người có thể đưa ra nhiều ý kiến độc đáo, mới lạ, thì họ cũng luôn mở cửa đón chào sự đột phá, sáng tạo của bạn. Giả sử trong cuộc họp nếu bạn đưa ra những ý kiến mới và rất nhiệt tình trình bày, bảo vệ ý kiến của mình mà có phần đề cao nó hơn ý kiến của người đi trước, thì họ cũng không quá câu nệ điều đó mà đánh giá không tốt về bạn, ngược lại có thể rất thích thú trước ý tưởng của bạn.

Tóm lại, “Hoà” ở đây rất quan trọng, vì ai trong chúng ta hay bất cứ công ty, tập thể nào cũng muốn được làm việc với người dễ chịu, cân bằng và khiêm tốn, biết quản lý cảm xúc, song cách thể hiện nó ra sao, ở mức độ nào thì tuỳ thuộc vào văn hoá của từng công ty. Bạn cũng không cần phải đóng vai một người khác cho phù hợp với công ty đó, bởi mỗi hoa mỗi màu, sẽ có mái nhà phù hợp với bạn, nhưng trước hết là bạn phải hiểu mình, và cho người khác có cơ hội hiểu về mình. Như An đã nói, cuộc thi hùng biện Vysa Osaka lần này là một nơi để bạn cất lên tiếng nói của mình. Cùng là chữ “WA” nhưng mỗi công ty, mỗi tập thể, mỗi cá nhân lại có quan niệm và cách thể hiện khác nhau. Đến với cuộc thi này, ngoài các bạn học sinh, sinh viên, người đi làm, các thầy cô giáo, thì còn có rất nhiều công ty, nhà tuyển dụng… bạn hãy tận dụng tốt cơ hội này để cất lên tiếng nói của mình nhé!

Vậy từ những thông tin vừa rồi, qua cuộc thi lần này, hai người nghĩ các bạn thí sinh nên thể hiện những gì trong bài nói để có thể lọt vào mắt xanh của người tuyển dụng?

An: Theo mình thì cái các nhà tuyển dụng muốn nhìn ra nhất đó chính là tiềm năng, năng lực của bạn như thế nào trong công việc, yếu tố ngôn ngữ cũng chỉ là một tiêu chí để đánh giá, song với những người có kinh nghiệm lâu năm có thể bóc tách, có cái nhìn thấu đáo về TỐ CHẤT của nhân lực. Đó là lý do tại sao, năm này BTC sự kiện hùng biện quyết định mở thêm phân mảng tiếng Nhật không chuyên cho những bạn có TỐ CHẤT tiềm tàng, nhưng chưa tự tin vào khả năng tiếng Nhật của mình, và bên cạnh đó, BTC đã tạo ra phương thức hỗ trợ hữu hiện trong lối thể hiện phi ngôn ngữ trong việc khuyến khích các bạn bày trí sân khấu, âm nhạc, thước phim, những người cộng sự đắc lực … Phần còn lại chính là ở các bạn, niềm tin và lòng quả cảm, dám đương đầu với thử thách, nỗi sợ đám đông, mở lòng mình để đón nhận những cơ hội mới!

Trang: Mình hoàn toàn nhất trí với An. Đúng là ngôn ngữ rất quan trọng, nhưng bạn không cần thiết phải là một người rất giỏi tiếng Nhật mới đi thi tiếng Nhật. Chắc hẳn các bạn đều biết, người Nhật rất coi trọng những người Ham học hỏi, và sân chơi này còn có ý nghĩa rất nhiều hơn là giải thưởng: bạn được thử thách, học hỏi và kết nối với rất nhiều người.

Hầu như ai đi thi cũng muốn giành giải thưởng, bạn có từng tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn không được giải? Liệu bạn sẽ thất vọng vì bản thân và xấu hổ với mọi người?…Không! Bởi vì mọi nỗ lực của bạn từ nhỏ đến lớn đều được vũ trụ này ghi nhận. Với những ai đang học tiếng Nhật thì sân chơi này chính là một thử thách nho nhỏ dành cho bạn. Theo mình, chỉ những người luôn đón chào và đương đầu với thử thách mới là người xuất sắc nhất, vì họ chiến thắng chính nỗi lo sợ của chính mình, luôn ở trong tư thế học hỏi, nên chỉ có thể giỏi hơn mà thôi, họ phát triển không ngừng.

Vào ngày 4/8 tới sẽ diễn ra sự kiện “Hùng biện tiếng Việt – Nhật” hai bạn có thể cho các bạn thí sinh vài tips được không nhỉ để đi thi được tự tin không ?

An: Vậy thì xin mời chị Trang (cười) vì có lẽ người vừa mới trải qua cuộc thi gần đây thì kinh nghiệm truyền đạt đến các bạn thí sinh năm nay sẽ sắc nét và sinh động hơn mình.

Trang: Nói về tips thì mình có 3 tips nhỏ dành cho các bạn: đó là “sự đơn giản”, “kết cấu logic” và “dừng lại đúng lúc”.

Điều thứ nhất, bạn không cần phải dùng nhiều từ khó, mà có thể dùng những từ đơn giản, dễ hiểu, nhưng đi thẳng vào trái tim mọi người. Không cần triết lý sâu xa hay những điều xa vời, ngay cả một bông hoa, một chiếc dù, một cây bút, một tờ giấy, một bà cụ… tất cả mọi việc, mọi người, mọi trải nghiệm trong cuộc sống của bạn đều có thể trở thành cảm hứng cho bạn, tuy rất bình dị nhưng lại có sức mạnh lay động trái tim người khác.

Điều thứ hai là kết cấu logic. Ai cũng có một câu chuyện để kể… nhưng kể làm sao để người đọc, người nghe theo kịp và hiểu về nó thì điều đó đòi hỏi bạn phải sắp xếp ý tứ, đoạn văn sao cho có logic nhất. Cảm xúc là chất liệu quan trọng của bài viết, và chúng ta có thể tham về chi tiết, nên nhiều khi nó khiến bài viết trở nên dài và người nghe không cảm nhận hết được điều chúng ta muốn nói. Thế nên hãy chọn cho mình những chi tiết quan trọng nhất, và để cảm xúc của mình ở 1, 2 điểm quan trọng nhất, cũng như xếp các đoạn văn sao cho có hệ thống và mạch lạc. Chỉ có như vậy thì người đọc, người nghe mới có thể cảm nhận được câu chuyện của bạn như là bạn mong muốn.

Điều cuối cùng, là hãy dừng lại một, hai nhịp sau khi kết thúc một câu, một đoạn quan trọng. Vì như bạn biết đấy, con người không thể tập trung nghe quá lâu và đón nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, não bộ chúng ta cần thời gian để nghỉ ngơi và làm mới để đón nhận, hiểu những thông tin mới. Hãy cho bạn một ít thời gian để nghỉ chỉnh lại tông giọng và cảm xúc, và người nghe một ít thời gian để thẩm thấu câu chuyện, thông điệp của bạn.

“Ai cũng có một câu chuyện để kể”, mình rất háo hức được nghe câu chuyện của bạn. Chúc các bạn tự tin, có thật nhiều nụ cười và may mắn nhé!

Trả lời