Trong một bài báo mới công bố trên tạp chí Communications Biology đầu tháng này, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản Riken đã phát hiện một đặc điểm di truyền liên quan tới tế bào bạch cầu ở 60% dân số Nhật Bản giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với bệnh viêm phổi Covid-19.
Nghiên cứu này là một nỗ lực tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân số ca nhiễm Covid nặng và tỷ lệ tử vong ở Nhật tương đối thấp so với những nước có trình độ phát triển và tỷ lệ tiêm chủng tương đương. Các nhà khoa học ở Riken tập trung nghiên cứu tế bào T, loại tế bào cần được kích hoạt và biệt hoá trước khi thực hiện chức năng miễn dịch thông qua việc tiêu diệt các nhân gây hại cho cơ thể như virus.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu kháng nguyên bạch cầu HLA-A24 nằm trên bề mặt tế bào có chức năng kích thích tế bào T để xây dựng cơ chế tự phòng vệ trên cơ thể con người trước virus. Loại kháng nguyên có trong bạch cầu của khaongr 60% người Nhật. Khi peptit QYI của virus nCoV được đưa vào tế bào của người có kháng nguyên này thì tế bào T có phản ứng nhanh chóng, tương tự với các loại virus thuộc chủng corona khác gây cúm mùa.
Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận ở những người mắc Covid có kháng nguyên này, tế bào T có khả năng nhắc lại những lần nhiễm virus cúm mùa và tạo phản ứng tự nhiên để chống chọi Covid. HLA-A24 cũng phổ biến ở người châu Á hơn trong khi hiếm xuất hiện ở phương Tây. Trưởng nhóm nghiên cứu Fuji Shinichiro nhận định đây có thể coi là nhân tố di truyền giúp số ca chuyển nặng và tỷ lệ tử vong ở Nhật Bản tương đối thấp.