Dân số của Tokyo, một trong những đô thị đông dân nhất thế giới đã có đà giảm 6 tháng liên tiếp. Theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính của hiện trạng này là do văn hóa làm việc ở Nhật đã thay đổi đáng kể dưới tác động của Covid.
NHK lấy ví dụ về Oyama, một người sinh ra và lớn lên ở Tokyo mùa thu vừa rồi đã chuyển về vùng rừng núi ở Chichibu, một thị trấn ngoại ô ở Saitama cách nhà cũ của anh hai tiếng lái xe. Oyama vốn làm công việc tuyển dụng nhân viên bán thời gian. Sau khi đại dịch xảy ra thì anh không thể tiếp tục làm việc gặp khách hàng và phỏng vấn nhân sự trực tiếp nữa vì các nghiệp vụ đã dần chuyển qua trực tuyến. Anh nhận ra mình không còn nhiều lý do để ở lại thủ đô.
Chuyển về Chichibu, Oyama có một căn hộ to gấp 3 lần nhà cũ chỉ với 1/4 số tiền hàng tháng. Anh tiết kiệm được khoảng 10 vạn yên mỗi tháng vì chi phí sinh hoạt đã rẻ đi nhiều. Hơn thế nữa anh cho biết cuộc sống của mình đã bớt căng thẳng khi có thể làm việc theo nhịp độ của riêng mình.
Lãnh đạo các địa phương như Chichibu cực kỳ khuyến khích việc cư dân từ các thành phố chuyển về những vùng quê vì vấn đề dân số giảm ở các vùng nông thôn trong nhiều thập kỷ qua. Những người di cư về nông thôn được trợ cấp để cải tạo những ngôi nhà mà hay mua xe – thứ không thể thiếu khi sinh sống ở nông thôn. Thậm chí Chichibu còn có chương trình sống thử ở địa phương trọng một tuần để những người có ý định di cư có thể làm quen với cuộc sống địa phương.
Một nhà phân tích cao cấp tại viện nghiên cứu Mizuho cho rằng làn sóng di dân về nông thôn sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch kết thúc khi các công ty đang thay đổi văn hóa làm việc sang trực tuyến hóa nhiều hơn. Chính sách vĩ mô của Nhật Bản cũng khuyến khích qua trình này để hồi sinh các nền kinh tế địa phương, một trụ cột trong chính sách kinh tế của chính quyền Abe và Suga.
Trong nhiếu năm qua, khi dân số Nhật vẫn giảm đều thì dân số Tokyo đang tăng lên. Những người Nhật trẻ đã bỏ quê lên Tokyo để tìm kiếm những cơ hội công việc tốt hơn tạo ra gánh nặng về hệ thống giao thông công cộng, tiệc ích công, bệnh viện,… Trong khi đó nhiều vùng nông thôn chỉ còn lại người già, các trường học lần lượt đóng cửa và đồng ruộng bị bỏ hoang. Xu hướng làm việc tại nhà mở ra cơ hội để Nhật Bản dãn bớt tình trạng các hoạt động kinh tế tập trung mật độ cao ở Tokyo và các thành phố lớn. Chính phủ kỳ vọng việc người dân bỏ phố về quê sẽ giúp giải quyết các vấn đề xã hội như già hóa dân số.
Theo NHK, Reuters