Kích cầu du lịch địa phương từng được coi là một phương án hồi sinh nền kinh tế của thủ tướng Nhật Bản tuy nhiên việc đại dịch bùng phát trở lại đã khiến chiến lược của ông không thể vận hành trơn tru. Hai cây bút Leika Kihara và Takahiko Wada đã phân tích về tình trạng hiện tại của Nhật Bản trên Japn Today và đưa ra nhận định trên.
Mọi năm, trong thời gian cao điểm của kỳ nghỉ hè ở cố đô Kyoto cổ kính thì khách du lịch tràn ngập những đền chùa, di tích và mua sắm ở các trung tâm thương mại ở trung tâm thành phố. Tuy nhiên năm nay thì rất nhiều cửa hàng phải đóng cửa và các khách sạn, lữ quán đang vật lộn để tồn tại khi đại dịch làm vắng bóng các du khách và từng bước tàn phá nền kinh tế của thành phố du lịch quan trọng nhất của Nhật Bản. “Năm nay tình hình còn tệ hơn so với thời kỳ khủng hoảng Lehman”, một tài xế taxi 80 tuổi được phỏng vấn so sánh tình trạng hiện tại với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. “Bây giờ có ngày tôi chỉ kiếm được 2000 yên, không đủ bù tiền ăn trưa và tiền xăng.”
Tình hình ở Kyoto cũng giống như những các thành phố khác ở Nhật, nó chỉ ra sự mong manh của Abenomics khi gặp phải một tác nhân không lường trước như Covid-19. Trong chiến lược kích thích kinh tế của thủ tướng Nhật thì việc hồi sinh các nền kinh tế địa phương thông qua kinh doanh du lịch và nguồn thu ngoại tệ từ các du khách nước ngoài là một yếu tố quan trọng. Chính Abe đặt mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài mỗi năm và khuyến khích các thành phố trong khu vực Kansai mở thêm các cảng mới, tăng các chuyến bay quốc tế và phê duyệt xây dựng các khách sạn mới để đáp ứng dòng chảy khách du lịch tăng trưởng liên tục trong những năm qua.
Các thành phố như Kyoto hay Osaka đã trở nên phụ thuộc vào khách du lịch nước ngoài nhiều hơn và điều này khiến họ trở thành nạn nhân của chính thành công của mình. Kể từ khi Abenomics được đề xuất năm 2012 thì số lượng du khách nước ngoài tới Nhật đã tăng đều đặn và vượt 30 triệu vào năm 2019, gấp ba lần so với năm 2013. Trước đại dịch, hơn 2,7 triệu người đã đến thăm Nhật Bản vào tháng Giêng nhưng khi sau khi Nhật Bản đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh thì chỉ còn 2,600 khách nước ngoài nhập cảnh vào tháng Sáu.
Các vấn đề nảy sinh từ chính những thành công
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch là các khách sạn khi không chỉ chịu ảnh hưởng từ lượng khách nước ngoài sụt giảm mà còn do các công ty Nhật đã cắt giảm các chuyến công tác tốn kém để chuyển qua họp trực tuyến. Ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn được mở rộng quá nhiều trong thời gian trước đó vì du lịch mang lại quá nhiều tiền đã tạo ra những hệ luỵ như việc Kyoto trở nên thiếu bãi đỗ xe khi đất đai được ưu tiên để xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Giảm nguồn cung du lịch đã khiến số phòng trống ở Osaka tăng lên 90.000 trong năm nay, tăng 80% so với 5 năm trước. Khách sạn Nikko Osaka, một trong những khách sạn sang xa xỉ lớn nhất thành phố, có ít hơn 20% số phòng được lấp đầy trong tháng Bảy, giảm 90% so với thời điểm trước khi COVID-19 bùng lên ở Nhật.
“Tôi chưa bao giờ gặp hoàn cảnh tồi tệ như thế này và không biết các khách sạnkhác có thể tồn tại như thế nào trong tình huống này”, Hiroaki Gofuku, chủ tịch Hotel Nikko Osaka trả lời phỏng vấn của Reuters. “Sẽ có nhiều vụ phá sản hơn và nhiều người sẽ mất việc làm. Tình hình sẽ không khá hơn trong hai đến ba năm nữa.”
Osaka đã chứng kiến 147 công ty phá sản trong tháng 6, vượt Tokyo và trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Nhật Bản theo điều tra của Viện nghiên cứu Tokyo Shoko. Chính phủ Nhật đã đưa ra gói kích cầu du lịch trị giá 2 nghìn tỷ yên được vào tháng 7 để giúp ngành du lịch nội địa có thể cầm cự, tuy nhiên nếu làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Nhật tiếp tục bùng phát thì có lẽ sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản.
Theo Japan Today