Đại học Kyoto nghiên cứu điều trị ung thư bằng tế bào iPS

Đăng ngày 12/01/2016 bởi iSenpai

Nhóm nghiên cứu trường đại học Kyoto cho hay họ sẽ chính thức bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều trị ung thư máu bằng tế bào gốc iPS từ khoảng tháng 4 tới.
Theo đó, nhóm sẽ tiến hành chế tạo các tế bào miễn dịch có khẳng năng tấn công mạnh mẽ vào tế bào ung thư máu từ các tế bào gốc iPS sẵn có trong cơ thể bệnh nhân. Kế hoạch này đã được sự đồng ý của Ủy ban đạo đức đại học Kyoto. Hiện vẫn chưa có trường hợp bệnh nhân ung thư máu nào được điều trị bằng tế bào miễn dịch xuất phát từ tế bào gốc iPS. Tuy nhiên, nếu các thực nghiệm trên động vật cho thấy kết quả tốt, nhóm sẽ tiến hành đưa tế bào miễn dịch vào cơ thể người. Nhóm cho biết họ hi vọng có thể bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng kiểm chứng tính hiệu quả của phương pháp trên vào năm 2019.
Tế bào dùng cho điều trị, được tạo ra từ tế bào gốc iPS , là một loại tế bào miễn dịch có tên Killer T. Tế bào này tấn công vào các “kẻ thù” của mình như tế bào ung thư, hay Virus. Chúng phân biệt các “ kẻ thù” khác nhau dựa vào các phân tử trên bề mặt tế bào đó.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về việc dùng tế bào miễn dịch Killer T trong điều trị ung thư ở cả trong và ngoài nước, nhưng tế bào này cũng có những hạn chế như mỗi loại tế bào miễn dịch khác nhau lại tấn công một loại tế bào bệnh khác nhau, hay những khó khăn trong việc gia tăng số lượng tế bào này…
Giáo sư Kawamoto Hiroshi, thuộc phòng nghiên cứu Y học tái sinh Đại học Kyoto cho biết, mục tiêu của nhóm là dù có thay thế các tế bào Killer T bằng các tế bào gốc iPS, các tế bào mới này vẫn sẽ giữ được các “kí ức” về đối tượng cần tấn công mà các Killer T đã có trước đây.
Bằng việc chọn ra các tế bào miễn dịch Killer T tấn công từng loại ung thư riêng, rồi thay chúng bằng các tế bào gốc iPS- loại tế bào có thế nhân lên vô hạn, ta có thể tạo ra vô số tế bào miễn dịch mới, rồi đưa chúng quay lại cơ thể người bệnh và tế bào này sẽ tấn công mạnh mẽ tới các tế bào ung thư.

Nguồn: Yomiuri 
Dịch: Hoàng Ngọc Trang

Trả lời