Tôi tới tỉnh Chiba, Nhật Bản để thăm trường học, và ấn tượng ngay từ đầu ở quận Chiba là khẩu hiệu: “Rác không nhìn thấy”. Tất cả những điểm nào có rác xả đều tự phân loại thành rác bán được, rác hữu cơ và rác vô cơ để được xử lý theo hai cách khác nhau. Cuối cùng, rác qua xử lý được tạo thành nhiều loại dầu. Ra vậy: Kho dầu mỏ dự trữ của loài người đang cạn kiệt, rác thành một nguồn nhiên liệu thay thế. Nhớ lại lúc còn ở nhà, do đề tài nghiên cứu ban đầu là đạo đức nên tôi có lần hỏi ý kiến thầy hướng dẫn về việc tổ chức cho trẻ em đi quét rác. Thầy dặn: “Làm cũng không sao, nhưng chú ý đừng để đường thì sạch nhưng rác thì vào đầu trẻ em”. Hóa ra điều quan trọng của một xã hội không phải là việc quét rác, mà là phương pháp quét rác. Vì là nhà trường nên cần đến phương pháp chứ không phải thành tích!
Là cư dân sống ở quận trung tâm nên tôi cũng hết sức chú ý chuyện giao thông và kẹt xe. Trên đường đi luôn luôn thấy những bảng điện tử báo hiệu đoạn đường nào đang bị tắc để tài xế chuyển hướng chạy. Trên đầu còn có cả máy bay lượn lờ. Nó đang kiểm soát gì? Đường phố vắng vẻ, vẫn kiểm soát giao thông sao? Hóa ra đó là để theo dõi xem trong giờ học nhỡ có em nào bỏ học đi chơi.
Ở Nhật Bản ai ai cũng bận bịu, không ai chú ý đến việc không thuộc phạm vi chức trách của mình. Trên đường phố Tokyo, người đi đường chẳng buồn nhìn mặt nhau bao giờ. Có lẽ vậy mà lâu dần hình thành ở họ thói quen không thích trò chuyện và bày tỏ, người Nhật sống khép kín, như trong tiểu thuyết Rừng Na-uy vậy. Nhưng thay vì “buôn chuyện” thì họ lại có năng lực diễn đạt nội tâm bằng nghệ thuật. Và điều này phải được dạy ngay từ tuổi học đường.
Sở Giáo dục – Đào tạo Tp. HN rất tinh tế khi bố trí cho đoàn tham quan tới dự một buổi diễn tập của học sinh khuyết tật tại Nhà hát nghệ thuật Fuchu. Đoàn được dự trọn vẹn buổi tập của nhóm 17 em học sinh cấp tiểu học với 3 cô giáo: một cô giữ nhịp bằng piano, hai cô giáo còn lại thì khéo léo trợ giúp cho đám học sinh khi cần. Các em đàn hai bài, hát một bài, và biểu diễn rất hay, mặc dù trong khi biểu diễn vẫn có vài em chỉ làm theo ý thích của mình, cứ nhảy tưng tưng và đánh sai nhịp. Nhưng chính cái sai sót đó đã cho thấy họ làm việc thật tình: không bố trí với những bài diễn văn viết sẵn, với những tiết mục nghệ thuật biểu diễn hộ, chủ yếu để đón khách. Cảm nhận được điều này nên khi nghe, xem các em học sinh khuyết tật biểu diễn, càng thấy hay và đầy cảm xúc.
Đoàn ghé thăm trường trung học Sengen. Thầy cô giáo và học sinh ở đây rất thân thiện. Trường học ở đây không có gì khác hơn ở ta, nếu ta cũng dành đất cho giáo dục rộng như họ. Với đội ngũ giáo viên có nghề như hiện nay thì tất cả những gì Nhật Bản có cũng trong tầm tay ta. Mặc dù vậy, đoàn tham quan ai ai cũng trầm trồ khen các phòng chức năng như phòng tập thể thao đa năng, phòng học nghệ thuật (vẽ, múa, xướng âm,…), phòng nữ công,…
Dẫu sao, tôi vẫn thấy rất ấn tượng ở hai điều: Thứ nhất là có một góc đọc sách nằm ở hành lang rất xinh xắn dù trường đã có một thư viện khá lớn, sách ở đây là sách riêng của thầy cô mang tới cho các em đọc. Đó có thể là một tác phẩm hay, một tài liệu quý mà thầy cô muốn chia sẻ với học sinh của mình. Ấn tượng thứ hai là cả trường chỉ có hai nhân viên phục vụ, không có cô giáo bảo mẫu. Tới giờ cơm, năm em học sinh trực nhật đeo tạp dề, đội nón, mang găng, chia khẩu phần cho các bạn. Các học sinh xếp hàng lần lượt đến nhận khẩu phần. Khẩu phần ăn không nhiều, nhưng tinh tế. Một lát bánh mì, một lát cá chiên, một chén súp nhỏ, một ít rau xào nấm trồng ngay tại địa phương và một hộp sữa nhỏ. Điều đặc biệt là không thấy em nào bỏ mứa thức ăn.
Bữa ăn của trường học được chuẩn bị một cách công nghiệp như thế nào? Tôi đã nhận được câu trả lời khi cả đoàn tới trung tâm nấu ăn trưa cho các trường và dùng bữa tại đó. Các thầy cô giáo đến thăm đất Phù Tang đã được ăn đúng khẩu phần mà học sinh vừa ăn lúc nãy, lạ miệng và ngon. Sẽ có một lúc, cách ăn tinh tế sẽ được đưa vào giảng dạy ở nhà trường: đó là một trong những cách thức dạy trẻ em sự tinh tế.
Khi tiếp đoàn tham quan, ngoài Ban giám hiệu của trường Sengen còn có đại diện phụ huynh học sinh ở đây. Quan điểm của họ là mong muốn của hiệu trưởng cũng là mong muốn của phụ huynh, vì thế khái niệm con tôi sẽ trở thành con chúng ta.
Học sinh ở Nhật học xong có về nhà ngay không? Hay các em cũng đi học thêm mệt mỏi như ở Việt Nam? Hay là các em đi chơi? Điều này tôi chưa dám trả lời. Chỉ biết là ở Nhật có “khách sạn tình yêu”, học sinh trung học vào đó để yêu nhau, khách sạn không có người quản lý, mọi thứ đều tự giác, khách đến cứ bấm nút chọn phòng, sau đó bỏ tiền vào hộp thì mới ra được khỏi cửa. Đơn giản và kín đáo. Nhưng nhà trường phải chuẩn bị thế nào thì mới tạo ra những con người biết tự bảo vệ hạnh phúc của mình và của bạn mình? Đó là những chuyện bí ẩn mà một chuyến đi chỉ vài ngày không sao giải đáp hết được.
Nguồn hinodenetwork