Đại dịch virus Corona mới đang làm thay đổi đáng kể bối cảnh của nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) tại Nhật Bản, khi mà người người đang tìm cách giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm thông qua việc tránh xa các dịch vụ khiến họ tiếp xúc gần với những người khác. Trong khi nhu cầu về các công việc có không gian làm việc chung và nhu cầu về nhà nghỉ cá nhân đang trên đà suy giảm, thì các công việc khác như dịch vụ giao hàng lại phát triển khá mạnh mẽ. Các chuyên gia nói rằng, xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn cho tới khi tìm ra được một loại vắc xin hoặc phương pháp điều trị mang lại hiệu quả.
Chen Lirong, 32 tuổi, người có 8 phòng cho thuê gần khu du lịch Asakusa của Tokyo thông qua Airbnb trả lời phỏng vấn của Japan Today rằng, tỷ suất sử dụng phòng cho thuê của anh thời gian gần đây luôn lơ lửng ở mức gần 10%, giảm từ gần 100% trước khi xảy ra đại dịch. “Tôi làm công việc này vì tôi thích tiếp xúc với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, nhưng điều này có thể sẽ khó khăn trong một thời gian”, cô ấy nói.
Nhận một khoản vay để mua một vài căn hộ tương đối mới, Chen Lirong đã bắt đầu công việc cho thuê từ năm 2016, và sau đó trở thành một “superhost” của Airbnb với thành tích là rất nhiều đánh giá tốt từ phía khách hàng. Tuy nhiên kể từ khi virus corona bùng phát, gia đình cô bây giờ hầu như chỉ đủ chi tiêu, ngay cả với thu nhập mà chồng cô ấy kiếm được từ công việc văn phòng của mình. Cùng lúc đó Airbnb đã quyết định hoãn lại việc niêm yết lên sàn chứng khoán trong năm nay và cho biết sẽ cắt giảm 25% lực lượng lao động của họ.
Việc chia sẻ văn phòng cũng đang phải vùng vẫy giữa cơn đại dịch. WeWork Companies Inc, một công ty của Hoa Kỳ có mô hình văn phòng không gian làm việc chung, xác nhận đã có 4 văn phòng của họ ở Tokyo bị nhiễm virus corona. “Hầu như không có ai ở đây,” một người sử dụng không gian làm việc chung của WeWork tại trung tâm mua sắm Shibuya của thủ đô cho biết. “Tôi sẽ chấm dứt hợp đồng của mình vào cuối tháng Năm này.” “Trừ khi có một loại thuốc hoặc vắc-xin (cho chủng virus corona mới này), nếu không mọi người vẫn sẽ tiếp tục tránh xa các dịch vụ chia sẻ liên quan tới việc tiếp xúc cá nhân”, theo Naoko Kuga, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu NLI.
Ngược lại, các công việc mà không cần hoặc ít có sự tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như các nghề phụ tận dụng thời gian và kỹ năng cá nhân, lại đang tăng lên. Crowdworks Inc – nơi giới thiệu các công việc chỉ dành cho một người – là một công ty được lợi trong thời gian vừa qua. Báo cáo cho thấy số lượng người đăng ký dịch vụ của công ty đã tăng lên đáng kể.
“Xuất hiện nhu cầu từ phía những người bị cắt giảm tiền làm thêm ngoài giờ và những người muốn có thêm một vài công việc khi đang làm việc từ xa”, một công chức của công ty cho biết. Hoạt động chia sẻ hành trình của Uber cũng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tuy nhiên dịch vụ giao hàng Uber Eats của họ lại đang có sự tiến triển ở Nhật Bản. Rất nhiều các nhà hàng đang tìm cách để đăng ký dịch vụ, chỉ để nhận về câu trả lời rằng quá trình đăng ký có thể diễn ra tới một vài tháng trong một số trường hợp. Cùng với dịch vụ mới này, từ khi virus corona bùng phát, những người đặt hàng thực phẩm đều không phải gặp mặt trực tiếp với nhân viên giao hàng, bởi vì đồ ăn sẽ được đặt ở bên ngoài phía trước cửa.
Tuy nhiên ngay cả khi virus corona làm thay đổi lối sống của con người, một số chuyên gia vẫn rất lạc quan về tương lai của nền kinh tế chia sẻ trong dài hạn. Anju Ishiyama, tổng thư ký của Hiệp hội Kinh tế chia sẻ tại Tokyo cho biết: “Viễn cảnh trong ngắn hạn khá khốc liệt, tuy nhiên trong dài hạn, mọi người sẽ lại quay trở lại nền kinh tế kiểu chia sẻ, bởi vì họ có thể đa dạng hóa các rủi ro”
Theo Japan Today