Trang phục
Khi mới sang, theo mình các bạn không cần phải mang theo quá nhiều quần áo, bởi vì quần áo ở Việt Nam chưa chắc đã hợp với khí hậu Nhật, đồng thời chiếm quá nhiều diện tích nên thay vì đó có thể mang nhiều vật dụng cần thiết khác. Quần áo bên này không quá đắt so với chất lượng, bạn có thể săn hàng giảm giá hoặc mua tại các cửa hàng second-hand. Nếu biết tìm kiếm thì bạn có thể tìm được những bộ quần áo vừa đẹp, ấm áp, có khi giá còn rẻ hơn cả ở Việt Nam.
Nhiệt độ tháng 12 ở Nhật Bản trung bình ban ngày vào khoảng 12 độ, tối vào khoảng 5 độ. Đặc biệt những ngày có tuyết rơi thì nhiệt độ có thể giảm sâu hơn nữa, như ở Hokkaidou có những lúc nhiệt độ giảm xuống chỉ còn -30 độ. Vì vậy, để giữ ẩm cho cơ thể, thì điều quan trọng là phải cách ly cơ thể với môi trường bên ngoài càng nhiều càng tốt.
Áo khoác
Chọn loại khoác dày, có lót lông bên trong. Nhiều loại áo khoác mùa đông còn có chống ướt bên ngoài nên rất ấm. Bạn cũng nên để ý về chất liệu. Len cashmere hay wool có giá khá cao nhưng đồng nghĩa là chất lượng. Áo tuy mỏng hơn các chất liệu khác nhưng lại cực kỳ ấm, thoát mồ hôi tốt nên không bị bí. Hoặc thay vì mặc áo dày, mặc nhiều áo mỏng cũng không hề kém cạnh trong việc giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo loại áo giữ nhiệt của Uniqlo, ở đây có 3 loại tùy thuộc vào độ dày, giá dao động khoảng 1 sen.
Mũ
Nhiều người thường cho rằng, áo khoác đã có mũ rồi thì không cần đội thêm mũ len nữa. Nhưng điều đó không đúng. Những ngày lạnh, gió sẽ luồn cả vào tai, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác của câu “rét như cắt tai” đấy. Nếu không thích đội mũ bạn có thể mua loại chụp tai để bảo vệ cho tai của mình.
Găng tay
Quần áo dày là đương nhiên, và những vật dụng như mũ len, khăn, khẩu trang, găng tay cũng rất cần thiết. Có một nguyên tắc khá hữu dụng, đó là 3 cổ: cố, cổ tay, cổ chân. Vào những ngày thời tiết lạnh như vậy thì việc tháo ra tháo vào găng tay để dùng điện thoại thực sự là bất tiện. Bạn có thể tìm mua loại găng tay dùng được với smartphone. Chú ý găng tay dễ thấm nước, có thể làm hỏng điện thoại đấy nhé.
Quần, giày
Chọn loại quần dày, có lót lông bên trong. Nếu bạn nào muốn mặc váy thì nên chọn loại quần tất dày ít nhất là 80D, những hôm thời tiết xuống thấp nên chọn loại dày 110D. Giày cũng nên là loại lót lông hoặc bốt cao cổ, loại chống trượt thì càng tốt. Vào những ngày có tuyết đừng quên xịt chống nước lên giày trước khi ra ngoài, bởi nếu không phải đồ chuyên dùng đi trong tuyết thì sẽ cực kỳ lạnh và khó chịu khi tuyết tan ra. Đồng thời, trước khi đi ngủ bạn nên ngâm chân nước ấm để bảo vệ sức khỏe trước cái lạnh.
Với những ai làm việc ngoài trời
Những ai phải làm việc ngoài trời phải đảm bảo hai việc: giữ ấm và thấm hút mồ hôi. Cần chú ý đến việc toát mồ hôi ngược lại khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh. Tip nhỏ là bạn có thể dùng một chiếc khăn thấm hút tốt lót bên trong, phần sát nhất với da. Khi khăn đã thấm đầy mồ hôi thì lấy ra để thay chiếc khăn khác.
Với những ai di chuyển nhiều
Nhiệt độ mùa đông ở Nhật mặc dù lạnh nhưng trong các cửa hàng, siêu thị, phương tiện công cộng, thì máy sưởi làm việc rất tốt nhiều lúc thành ra nóng quá. Nếu bạn phải đi lại nhiều giữa môi trường bên trong và bên ngoài nhà, sẽ thật khó chịu khi nóng mà không thể cởi áo đúng không nào, do đó bạn nên chọn một áo khoác dày bên ngoài và áo đủ ấm bên trong để có thể dễ dàng cởi ra khi nóng.
Miếng dán nhiệt
Vào dịp đặc biệt, bạn cực kỳ muốn mặc bộ đồ này nhưng hôm đó trời lại quá lạnh, thì giải pháp hiệu quả đó làm miếng dán nhiệt. Cần dán ở 3 vị trí: bụng hoặc bụng dưới, lưng (nơi gần với tim), hai bên hông. Như vậy thì có thể thoải mái không sợ lạnh. Nhưng bí kíp này chỉ nên dùng trong những ngày không quá lạnh thôi nhé. Nếu thời tiết quá khắc nghiệt thì thời trang cũng lòng khó chọi lại thời tiết, sức khỏe vẫn là trên hết đúng không nào.
Nhà cửa
Những nhà đã xây lâu năm sẽ thường lạnh hơn so với những nhà mới xây. Trong vị trí người đang thuê nhà thì việc tu sửa gần như là không thể, lúc này giải pháp là ngăn cách môi trường trong và trong hết sức có thể. Bạn nên kiểm tra và chú ý những nơi là lối vào của không khí lạnh và chặn chúng lại.
Cửa sổ
Cửa sổ là nơi thoát nhiệt của căn phòng, cửa sổ càng lớn thì thoát nhiệt càng nhiều, đặc biệt là cửa hướng bắc. Giải pháp đó là tấm cách nhiệt. Dán miếng cách nhiệt lên cửa kính, tốt nhất là dán cả hai mặt sẽ giúp cách ly hai môi trường được kha khá. Nếu phải mở cửa chỉ nên để mở 2 độ. Ngoài ra, một vật dụng rẻ mà có võ đó là tấm bọt chống sốc, bạn có thể dễ dàng mua trong 100 yên hay đi kèm khi mua hàng trên mạng, hoặc có thể xin tại các cửa hàng điện gần nhà. Chính lớp không khí trong bọt chống sốc là lớp cách nhiệt cực tốt. Không chỉ phần kính, bạn cần chú ý đến cả phần khung cửa. Những chỗ này bạn có thể dán băng dính đè lên tuy nhiên, loại băng dính thông thường sẽ hay để lại lớp keo sau khi lột. Một mẹo đó là, dùng băng dán masking tape. Tấm cách nhiệt – mặt kính – tấm cách nhiệt – bọt chống sốc, như vậy đã tạo được 3 lớp đệm, ngăn cách môi trường trong vào ngoài nhà rồi!
Rèm cửa
Để việc ngăn cách trong – ngoài nhà tốt hơn nữa, đó là sử dụng rèm cửa. Mùa đông bạn nên chọn loại rèm dày, dài đến gần chạm đất (tránh bẩn và mốc), lý tưởng cách đất 1-2cm. Khi đó không khí lạnh từ cửa sổ sẽ xuôi theo rèm cửa và xuống mặt đất. Nếu đặt máy sưởi ở đây việc chống lạnh càng hoàn hảo hơn nữa. Những ngày đông có nắng, bạn thường muốn mở rèm để ấm và thoáng phòng nhưng nhớ đóng rèm trước khi mặt trời lặn để “giữ lại nắng ấm”, tránh thoát nhiệt nhé!
Thảm trải sàn
Bảo vệ đôi chân trong mùa lạnh là điều không thể thiếu. Dù không khí trong phòng ấm nhưng sàn lạnh thì vẫn cảm thấy lạnh hơn bình thường. Nếu ngại việc thảm trải sàn dễ bị bẩn, lại khó giặt bạn có thể mua loại thảm tấm ở 100 yên. Ưu điểm của thảm này dễ dàng tháo ra, dễ làm sạch, phù hợp cho dù phòng có diện tích như thế nào. Nếu lót một lớp cách nhiệt bên dưới thảm sẽ vừa giảm nấm mốc, cách nhiệt nữa đấy!
Sức khỏe
Chú ý giữ ấm bên ngoài không thôi chưa đủ, bạn còn cần chú ý cả sức khỏe bên trong nữa. Vốn dĩ mùa đông không khí sẽ khô hơn, cộng với việc sử dụng điều hòa càng làm cho không khí bị khô hơn nữa. Do đó việc bổ sung độ ẩm là cực kỳ cần thiết. Người ta thấy rằng, độ ẩm cứ tăng 10% thì nhiệt độ lại tăng thêm 2-3 độ, Tăng độ ẩm trong phòng không chỉ giúp giảm các bệnh về đường hô hấp mà còn giúp cho da không bị khô ráp vì thiếu ấm. Nếu chưa đầu tư được chiếc máy phun sương thì dùng một chiếc khăn ướt, đừng vắt kiệt nước và treo trong phòng cũng cực kỳ hiệu quả. Và cuối cùng, đừng quên tăng sức đề kháng cho cơ thể để chống lại cái lạnh bằng việc uống nước ấm, ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất nữa nhé!
Các mẹo trên có giúp ích cho bạn không? Nếu còn kinh nghiệm gì hay hãy chia sẻ ở dưới cho chúng mình cùng biết nhé!