Trà đạo là nét văn hóa đã có từ rất lâu đời tại Nhật Bản. Bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 12, trà đạo đã dần phổ biến và đã trở thành tập tục lâu đời tại xứ sở hoa anh đào. Chính vì vậy, địa điểm thưởng trà nhiều khi cũng phải tinh tế để phù hợp với nhu cầu thưởng trà. Vào mùa thu năm ngoái, nghệ sĩ Tokujin Yoshioka đã dựng nên trà thất thủy tinh trong suốt có tên KOU-AN tại thành phố Kyoto, Nhật Bản.
Trà thất thuỷ tinh trong suốt được đánh giá là tác phẩm kiến trúc độc nhất vô nhị tại Kyoto.
Trà thất KOU-AN được đặt tại đài quan sát bằng gỗ của Đền Seiryuden, ngôi đền tọa lạc trên dãy núi phía Đông của Kyoto. Được biết, tác phẩm là một phần trong lễ kỷ niệm 50 năm tình hữu nghị giữa hai thành phố anh em Kyoto và Florence, Ý.
Với cấu trúc gần như trong suốt cùng những tấm kính dày được nâng đỡ bởi khung kim loại bền vững, nghệ sĩ Tokujin Yoshioka đã pha trộn những nét nghệ thuật truyền thống với kiến trúc hiện đại. Thêm vào đó, những người tới đây còn có thể hứng được dải cầu vồng đẹp mắt khi đang thưởng trà vào lúc trời nắng.
Nghệ sĩ Tokujin Yoshioka “hứng” cầu vồng khi ánh sáng mặt trời chiếu vào trà thất.
Tokujin Yoshioka là nghệ sĩ chuyên tạo nên những tác phẩm liên quan đến kính và ánh sáng. Ông có nhiều tác phẩm đang được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên Thế giới như bảo tàng MoMA ở New York hay bảo tàng Musee d’Orsay ở Paris. Dự án trà thất thủy tinh KOU-AN ban đầu nằm trong kế hoạch “Ngôi nhà trong suốt đầu tiên của Nhật Bản” được giới thiệu năm 2002. Về sau, dự án được phát triển thành trà thất, biểu tượng nổi bật của văn hóa Nhật Bản.
Trà thất được đặt trên đài quan sát trang nghiêm ở đồi Shogunzuka, nơi mà du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Kyoto ở độ cao 220m so với thành phố. Nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách tới tham quan và thưởng trà tại trà thất độc đáo này.
Cùng với chánh điện của đền Seiryuden, đài quan sát này chỉ vừa mới hoàn thành và mở cửa từ mùa thu năm ngoái. Theo dự kiến, trà thất thủy tinh KOU-AN sẽ còn tiếp tục được trưng bày và mở cửa hàng ngày cho đến hết tháng 4/2016.
Những góc sắt nhọn của phần mái trà thất.
Cầu vồng xuất hiện phía bên trong trà thất.
Những băng ghế “nước” được đặt xung quanh trà thất cũng là một thiết kế của nghệ sĩ Tokujin Yoshioka.
Dụng cụ để pha trà được gọi là trà cụ.
Trà thất được đặt trên đài quan sát của đền Seiryuden.
Quang cảnh Kyoto nhìn từ đài quan sát ở đền Seiryuden.
Nghệ sĩ Tokujin Yoshioka và một nhà sư đang tham gia tiệc trà đạo.
(Nguồn: Japan Guide)
Theo Trí Thức Trẻ