Nhật Bản đã gặp vô vàn khó khăn, từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, tới thiên tai, môi trường trong quá trình xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới – Tokyo SkyTree.
Ngày 29/2/2012, tháp truyền hình cao nhất thế giới – Tokyo SkyTree – chính thức hoàn thành.
Tòa tháp cao 634 mét, là kiến trúc cao nhất Nhật Bản và cao nhì thế giới thời bấy giờ, đồng thời giữ ngôi vương tòa tháp truyền hình độc lập cao nhất thế giới.
Nhật Bản đã mất 4 năm để thiết kế Tokyo Skytree, 3 năm 8 tháng để xây dựng và huy động 585.000 nhân công các loại.
Tòa tháp cao nhất Nhật Bản trước Tokyo Skytree là tháp Tokyo Tower, cao 333 mét, hoàn thành năm 1958. Đối nghịch với móng hình tam giác của Tokyo Tower, Tokyo SkyTree có thiết kế giống một cây cột thanh mảnh hơn.
Nguồn gốc hình thành
Kế hoạch xây dựng tháp truyền hình Tokyo SkyTree nhen nhóm từ năm 2003, khi Nhật Bản đẩy mạnh thay thế truyền hình analog bằng truyền hình digital.
Đài truyền hình quốc gia NHK đã hợp tác với 5 đài tư nhân khác trong một dự án xây dựng tháp truyền hình mới thay cho Tokyo Tower, khi đó bị các tòa nhà cao tầng xung quanh ngăn sóng.
Bên cạnh chức năng phát sóng, Tokyo SkyTree còn được đầu tư thiết kế với kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng du lịch mới của thủ đô Tokyo thế kỷ 21.
Tokyo SkyTree tọa lạc tại quận Sumida, gần kề khu du lịch nổi tiếng nhất Tokyo – Asakusa, nổi tiếng ngôi chùa cổ Asakusa được xây dựng từ năm 1649, đứng sừng sững qua làn bom đạn trong thế chiến II.
Chi phí cho việc xây dựng tháp vào khoảng 500 triệu USD, tổng chi phí phục vụ giải phóng mặt bằng, xây công trình phụ, nhân công, hoàn thiện… xấp xỉ 820 triệu USD.
Khó khăn
Trên lý thuyết, đế kiến trúc càng rộng, càng dễ kéo dài độ cao. Một tòa tháp có đế rộng như Tokyo Tower thường vững chắc hơn các tòa tháp đế hẹp như thiết kế của Tokyo SkyTree.
Để đạt được tỷ lệ chiều cao/độ rộng đế của Tokyo Tower tại 333m/95m, tòa Tokyo SkyTree cao 634m phải có độ rộng đế 181m.
Khu vực xây dựng tháp mới không đủ diện tích để đáp ứng đòi hỏi này. Nền bãi đỗ hàng cũ chỉ rộng 60m, đồng nghĩa đường tròn đế bị hạn chế đường kính chỉ còn 60m.
Thiết kế kiềng ba chân này vừa phù hợp với diện tích xây dựng hẹp, vừa cải thiện độ vững chãi.
Lúc này nảy sinh một vấn đề mới. Theo thiết kế, đài quan sát phục vụ khách du lịch trên tầng cao cần ở dạng tròn để đảm bảo góc nhìn 360 độ phóng ra toàn thành phố.
Kiến trúc sư chọn giải phát sẽ tạo hình đế tam giác, sau đó “nắn” dần thân tòa tháp thành hình tròn khi lên cao dần. Đây là nền tảng cho một kiến trúc hình dạng độc đáo, với góc nhìn thay đổi khi khách du lịch leo dần lên cao.
Trong giai đoạn thiết kế, các kiến trúc sư đã dựng khoảng 40 mô hình tháp, sau đó chọn mô hình dễ thực hiện nhất, cũng như ấn tượng nhất và vững chắc nhất.
Bên ngoài, thiết kế thuôn dài lên cao tham khảo đường cong xuôi dần về mũi của cây kiếm Nhật. Bên trong, Tokyo SkyTree ứng dụng thiết kế chịu lực của ngôi chùa Kyoto’s Hōryūji, một ngôi chùa cổ tại Nara được xây dựng vào những năm 710.
Trải qua 1.400 năm gió mưa bão bùng, động đất liên miên nhưng ngôi chùa gỗ vẫn đứng vững tới tận ngày nay, với thiết kế giảm sóc nhờ một trụ trung tâm, điều không ngôi chùa nào tại Nhật Bản làm được. Đây là lý do chính khiến thiết kế của Tokyo Sky Tree mang dáng vẻ một cây cột thẳng đứng.
Các ống thép chịu lực nối với trụ chính giữa tháp có chiều dài 4m, đường kính 2,3m, dày 10cm, nặng khoảng 29 tấn. 2 lớp lưới ống thép được kết nối với trụ chính, bắt đầu từ hình tam giác dưới móng, sau đó uốn thành hình tròn thoai thoải lên trên đỉnh.
Đây là kiến trúc đầu tiên tại Nhật Bản ứng dụng thiết kế một cột trụ, và chứng minh được công dụng như kỳ vọng trong quá trình xây dựng.
Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2012, tuy nhiên bị chậm tiến độ 3 tháng do thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra tại Đông Bắc Nhật Bản, cùng vụ rò rỉ hạt nhân.
Trong 3 năm xây dựng Tokyo SkyTree, không dưới 7 lần Tokyo rung chuyển bởi các trận động đất lớn nhỏ, nhưng không có bất kỳ tai nạn lao động nào xảy ra tại Tokyo SkyTree.
Các giám sát viên liên tục kiểm tra công trình sau các sự vụ, nhưng không ghi nhận hiện tượng sụt lún, lệch lạc, cong antenna nào.
Đặc biệt ngày 11/3/2011, Tokyo chịu 3 trận động đất cường độ 5 – 6 richter trong cùng một ngày. Khi đó có khoảng hơn 1.000 nhân công các loại đang làm việc trên tòa kiến trúc đã dựng lên độ cao 630m.
Cơn địa chấn bẻ cong antenna của tháp Tokyo Tower, làm dấy lên lo ngại nó đã hủy hoại một phần kết cấu của Tokyo SkyTree.
Đoàn kỹ sư đã cấp tốc tới công trường để kiểm tra mức độ thiệt hại, và hết sức sửng sốt khi “Tokyo SkyTree không hề gặp bất kỳ trục trặc hay thiệt hại gì, dù là nhỏ nhất sau trận động đất. Cần cẩu tạm dừng hoạt động khi xảy ra địa chấn ở độ cao 600m đã quay trở lại làm việc bình thường ngay sau đó”, đoàn kiểm tra ghi nhận.
Địa chấn và sức gió là hai vấn đề cần được khảo sát kỹ càng trước khi bắt tay xây dựng những công trình chọc trời như Tokyo SkyTree.
Các chuyên gia đã thả một loại kinh khí cầu đặc biệt tới độ cao trên 600m của tòa tháp, đo đạc hướng gió, sức gió hay sự giao thoa giữa các luồng khí dịch chuyển tác động vào phần đỉnh tháp.
Phía dưới, các kỹ sư phải kiểm tra các lớp đất dưới độ sâu tới 3m, thử giả lập hàng nghìn lần các tác động của động đất lên công trình.
Tất cả những bài thử này không được nhà thầu công bố chi tiết để bảo vệ lợi thế kinh doanh, chúng vẫn là bí kíp xây dựng mà người Nhật có quyền tự hào với toàn thế giới đến tận bây giờ.
Một tuần sau 3 trận động đất, ngày 18/3, công nhân lắp đặt đèn phát sáng trên đỉnh tháp Tokyo SkyTree, chính thức dựng lên kiến trúc cao 634m.
Công trình biểu tượng
Tòa tháp được Sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là tòa tháp cao nhất thời điểm đó, vượt qua Tháp Canton của Trung Quốc (cao 600m).
Tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay là tòa Burj Khalifa ở Dubai với chiều cao 828 mét, tuy nhiên được xếp nhóm nhà chọc trời chứ không thuộc nhóm tháp.
Tòa tháp có nhà hàng và hai tiệm cà phê trên đài quan sát. Thang máy tốc độ cao có thể đưa khách lên đài quan sát ở độ cao 350m chỉ trong 50 giây, và mất 80 giây để lên đến độ cao 445m.
Tokyo SkyTree sử dụng hệ thống chiếu sáng LED do Panasonic sản xuất, màu sắc thay đổi theo mùa.
Hệ thống đèn chiếu sáng bên ngoài tòa tháp được thiết kế màu đậm chất văn hóa Nhật: Màu xanh lam biểu tượng cho tinh thần của người dân địa phương kể từ thời Edo, cũng là màu của dòng sông Sumida gần đó. Dải màu tím nhạt thể hiện vẻ tinh tế, nghệ thuật của công trình biểu tượng trên bầu trời Tokyo.
Hai màu sắc quấn quýt tạo nên hình một tòa tháp rực sáng trong màn đêm Tokyo ngày đầu tiên khai trương. Hôm sau, khi mây tan, Tokyo SkyTree hiện lên với màu chàm nhạt nhẹ như nhuộm phai trên nền trời xanh rực rỡ.
Đúng như kỳ vọng ban đầu của chủ đầu tư Tōbu Railway, tòa Tokyo SkyTree đã chuyển hóa thời gian và không gian của thành phố, là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một vẻ nhìn tương lai cho bầu trời thủ đô đất nước mặt trời mọc.
Theo THẢO MAI/bizlive.vn/