Góc khuất cuộc sống ở Nhật của người nước ngoài: Con cái bạn thất học ư? Chẳng ai quan tâm!

Đăng ngày 02/03/2016 bởi iSenpai

Con của người nước ngoài ở Nhật Bản rất khó xin vào trường công để đi học nhưng chi phí của các trường tư lại rất đắt, nhiều người tự hỏi có lẽ nào giáo dục chỉ được dành cho người giàu?

Góc khuất cuộc sống ở Nhật của người nước ngoài: Con cái bạn thất học ư? Chẳng ai quan tâm!

Khi Igor Suzuchi cố gắng tìm việc làm, anh chỉ có thể xin làm công nhân tại một nhà máy. Anh đã bỏ học từ lúc mới học chưa hết cấp 2 khi mới khoảng 14 tuổi. Nay đã 23 tuổi, Anh Suzuchi cảm thấy rất khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Anh nuối tiếc quãng thời gian trẻ tuổi không được học hành của mình rất nhiều: “Tôi muốn đến trường. Tôi nghĩ tôi đã có thể tránh được những công việc nặng nhọc này nếu tôi được học hành tử tế.”

Anh Suzuchi đến Nhật từ năm 9 tuổi. Ban đầu anh học một trường tư dành cho trẻ em người Brazil ở tình Gunma. Tuy nhiên, năm 14 tuổi Suzuchi buộc phải bỏ học vì bố mẹ không có đủ tiền.

Suzuchi chỉ là một trong số những đứa trẻ người nước ngoài ở Nhật không có cơ hội học hành bởi chính quyền địa phương đã không chú ý đến mình.

Khảo sát của Kyodo News mới đây cho thấy, hiện có khoảng 10 nghìn học sinh người nước ngoài đã bỏ học tại Nhật. Trên toàn nước Nhật hiện có khoảng 100 nghìn học sinh người nước ngoài là con của những người nhập cư đang theo học.

Ngoài ra, thông tin từ Kyodo News cũng phơi bày một thực trạng đáng buồn rằng chính quyền của khoảng một nửa số tỉnh thành tại Nhật trong đó bao gồm Chiba, Yokohama và Osaka thừa nhận không còn theo dõi số lượng học sinh người nước ngoài tham gia trong hệ thống giáo dục của địa phương mình.

Trong khi đó theo quy định, khi một đứa trẻ trong độ tuổi đi học không được đến trường, những viên chức địa phương sẽ phải tìm hiểu cho ra nguyên nhân và rồi sau đó có những biện pháp hỗ trợ cho các em, giới thiệu các em đến các trường tư phù hợp.

Kết quả một cuộc khảo sát khác do báo Nikkei thực hiện cho thấy viên chức địa phương nhiều tỉnh của Nhật không theo dõi số lượng học sinh người nước ngoài đến trường là bởi quy định giáo dục bắt buộc đến hết cấp 2 không áp dụng với đối tượng này.

Trong khi một số em có thể đang theo học tại các trường tư dành cho học sinh người nước ngoài thì nhiều em khác có thể đã rời Nhật cùng gia đình mà không thông báo với chính quyền địa phương, theo nghiên cứu của giáo sư Eriko Suzuki tại đại học Kokushikan, người đã nghiên cứu nhiều năm về giáo dục cho người nước ngoài tại Nhật.

Và cũng theo ông, sự thờ ơ của chính quyền đã vi phạm Công ước về Quyền trẻ em Quốc tế, nó đã đẩy nhiều trẻ em người nước ngoài vào tình thế bị cô lập.

17 chính quyền tỉnh/thành phố khác của Nhật cũng được đưa tin rằng họ đã không tuân thủ hoàn toàn những quy định của chính phủ về việc quản lý trẻ em người nước ngoài trên địa bàn của họ. Chính quyền thành phố Nagoya cho biết họ từng gửi bản câu hỏi đến một số gia đình có con không đi học lớp 1 và không nhận được câu trả lời nhưng họ cũng không cử người đi tìm hiểu thêm.

Chính quyền của nhiều tỉnh/thành phố khác thậm chí còn không bao giờ theo dõi xem có bao nhiêu trẻ em người nước ngoài đang sinh sống tại địa phương của họ.

Chính quyền nhiều nơi tuyên bố rằng họ không thể làm được việc đó bởi hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính. Thế nhưng trên thực tế vẫn có những tỉnh làm rất tốt, ví dụ như Shizuoka. Địa phương này nắm rất chặt chẽ số lượng trẻ em không được đến trường, nguyên nhân của từng trường hợp cụ thể và khuyến khích hỗ trợ để tỷ lệ đến trường cao nhất có thể.

Không ít chuyên gia hoài nghi rằng lãnh đạo của một số tỉnh/thành phố khác đã không muốn nỗ lực để hỗ trợ người nước ngoài.

Theo nhiều chuyên gia xã hội học, sự thờ ơ của chính quyền địa phương sẽ đẩy nhiều học sinh người nước ngoài vào tình trạng thất học và sau này các em không tránh khỏi cảnh đói nghèo, cuộc sống bấp bênh hay trở thành tội phạm.

Anh Davis Alves, con của một gia đình Nepal nhập cư vào Nhật từ nhiều năm trước, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất mệt mỏi vì hợp đồng làm việc của tôi cứ liên tục bị cắt. Việc liên tục phải kiếm việc làm dường như đã không còn phù hợp với lứa tuổi của tôi nhưng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi không thể có được công việc toàn thời gian bởi tôi không có học vấn.”

Alves đến Nhật từ năm 6 tuổi và anh học tiểu học cũng như trung học tại trường địa phương ở tỉnh Gunma. Thế nhưng sau đó anh đã bỏ học bởi chính gia đình cũng không quyết tâm gửi anh đến trường.

Ở Nhật, thói bắt nạt trong trường học, đặc biệt đối với nhiều học sinh nước ngoài đã trở thành nỗi ám ảnh. Chính vì vậy nhiều bậc cha mẹ vì sợ hãi với tình trạng bắt nạt này đã không còn muốn gửi con đến trường có chỉ toàn học sinh Nhật. Nhưng họ cũng không có lựa chọn trường học nào khác bởi hiện tại hạ tầng giáo dục đáp ứng cho người nước ngoài còn rất ít và đắt đỏ.

Giờ đây, Alves cũng đã có con trai và anh quyết tâm sẽ cho con đi học bằng bất kỳ giá nào. Thế nhưng anh lo sợ nhiều bậc cha mẹ nước ngoài như anh khó mà duy trì được việc gửi con đến trường bởi họ quá nghèo, cuộc sống của họ còn bấp bênh hơn anh nhiều.

Khi mà xã hội Nhật đón nhận ngày một nhiều người nước ngoài hơn, chính phủ Nhật cần có thêm chính sách đảm bảo rằng nhóm cộng đồng này được nuôi dưỡng và giáo dục tử tế để tạo ra nguồn nhân lực cho chính xã hội Nhật tương lai. Nếu thất bại trong việc đó, việc tiếp nhận người nước ngoài sẽ tạo ra những tác động tiêu cực không nhỏ.

Ngọc Thanh (Trí Thức Trẻ)
Theo Kyodo News, Nikkei

 

Trả lời