Tư liệu: Nhìn lại thành phố Hiroshima 4 ngày sau thảm họa và ngày nay (Nguồn: Asahi)
Hiroshima – thành phố đầu tiên trong lịch sử nhân loại phải hứng chịu thảm họa bom nguyên tử, ngày 6/8 vừa qua đã đón “Ngày bom nguyên tử” lần thứ 70. Tại “Công viên hòa bình”, rất nhiều người trong đó có những người thân của các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử này đã đến cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số.
Một nạn nhân còn sống sót của vụ nổ bom nguyên tử – vụ nổ xảy ra khi ông đang ở nhà, cách tâm vụ nổ 1.5km, nay ông đã 76 tuổi – cho biết: “Chúng tôi đã thề trước những người đã khuất rằng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân một lần nữa. Là thế hệ cuối cùng trong số những người đã được biết đến ngày thảm họa đó, tôi muốn dành khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời mình vào việc truyền đạt lại sự thảm khốc của nó cho những thế hệ sau”.
Trong số những người đến tham dự buổi lễ cũng có một bạn sinh viên đại học (19t, Tokyo), bạn đã chọn đúng ngày lễ kỷ niệm 70 năm này để đến thăm Hiroshima lần đầu tiên. “Trong thời điểm dư luận đang tranh cãi về những vấn đề hòa bình (*), tôi muốn đến cảm nhận trực tiếp Hiroshima – thành phố bị ném bom nguyên tử, vì thế tôi đã đến đây. Tôi muốn đóng góp sức mình vào nỗ lực xây dựng một xã hội mà tất cả mọi người đều được hạnh phúc” – bạn chia sẻ.
Trong buổi lễ tưởng niệm ngày 6/8 vừa qua, Thủ tướng Abe cùng các đại biểu từ hơn 100 quốc gia – con số lớn nhất từ trước đến nay – đã đến tham gia và đứng xếp hàng từ lúc 8 giờ sáng. Trong buổi lễ được tiến hành hàng năm, danh sách những nạn nhân đã được xác định là đã mất trong 1 năm qua – năm nay là 5359 người – được đưa vào bia đá bài vị bom nguyên tử – nay đã lên đến 297 684 người.
Vào 8 giờ 15 phút sáng – thời khắc quả bom nguyên tử rơi xuống, tất cả những người có mặt đã đững mặc niệm.
Sau đó, thị trưởng thành phố Hiroshima, ông Kazumi Matsui, đã đọc “Tuyên ngôn hòa bình”, tỏ rõ ý chí nỗ lực hết sức để đẩy nhanh quá trình đàm phán cấm vũ khí hạt nhân – hiện đang trong giai đoạn bắt đầu, với quan điểm “Vũ khí hạt nhân là cái ác tuyệt đối”.
Khi mà tuổi thọ trung bình của những nạn nhân bom nguyên tử ngày một cao – bước sang năm nay lên đến mức cao nhất là 80 tuổi – thì vấn đề “làm thế nào để truyền đạt lại cho thế hệ sau hiểu được sự thảm khốc của vũ khí nguyên tử” đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ngày hôm nay, cùng với việc kỷ niệm 70 năm kể từ ngày thành phố bị ném bom, cũng đã trở thành ngày quan trọng đánh dấu mốc lời thề nỗ lực đem lại hòa bình cho thế giới, và gửi thông điệp đó đến toàn thể đất nước cũng như toàn thế giới.
Theo NHK