Buổi lễ tưởng niệm nạn nhân hạt nhân hàng năm lần thứ 76 của thành phố Hiroshima được tổ chức với quy mô thu nhỏ trong bối cảnh dịch Covid đang lây lan mạnh ở Nhật. Trong buổi lễ, thị trưởng Kazumi Matsui đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc có hiệu lực vào tháng Giêng năm nay.
Sau khoảnh khắc tưởng niệm lúc 8 giờ 15 phút sáng, thời điểm chính xác của vụ tấn công hạt nhân ngày 6 tháng 8 năm 1945, thị trưởng Matsui đã phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa sự đoàn kết của các cá nhân, đặc biệt là giới trẻ, để thúc đẩy các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thay đồi chính sách của họ.
“Con đường xóa bỏ vũ khí hạt nhân sẽ không suôn sẻ, nhưng có một tia hy vọng tỏa sáng từ những người trẻ đang tiếp nối nhiệm vụ của các hibakusha,” thị trưởng Matsui nói, đề cập đến hibakusha – những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Những người này đang giảm dần sau từng năm. Ông cũng khẳng định Hiroshima sẽ mãi mãi bảo tồn các dữ kiện liên quan tới thảm họa hạt nhân và đấu tranh cho hòa bình trên toàn thế giới.
Ông nói: “Vũ khí hạt nhân là thứ bạo lực tối thượng của con người. Nếu chúng ta quyết định không cần chúng, cánh cửa dẫn đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân sẽ được mở ra.”
Thủ tướng Nhật Bản Suga cũng nhấn mạnh sự kiên trì với các sáng kiến hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang bị chia rẽ. Ông nói: “Nhật Bản, với tư cách là quốc gia duy nhất từng hứng chịu các vụ ném bom nguyên tử trong chiến tranh, hiểu rõ sự vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải kiên định hướng tới việc hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Tổng thư ký Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuy không tham dự buổi lễ do đại dịch nhưng vẫn gửi tới một video phát biểu. Ông cho biết: “Sự đảm bảo duy nhất với việc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân là giải trừ hoàn toàn thứ vũ khí này”.
Ở giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ Hai, một quả bom nguyên tử lõi uranium có tên “Little Boy” do một máy bay ném bom của Mỹ thả xuống đã phát nổ phía trên thành phố Hirsohima lúc 8:15 sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945 khiến khoảng 140.000 người tử vong. Sau đó 3 ngày, quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki khiên Nhật Bản đầu hàng sau đó 6 ngày, đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh thế giới.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tổng số nạn nhân còn sống của hai vụ đánh bom nguyên tử (hibakusha) ở Nhật Bản là 127.755 tính đến tháng 3 năm nay, giảm khoảng 8.900 so với một năm trước đó. Số tuổi trung bình của họ hiện là 83,94.
Theo NHK, Japan Today, Kyodo