Hoa cúc có ý nghĩa thế nào với người Nhật

Đăng ngày 01/04/2020 bởi iSenpai

Có những ý kiến khác nhau về quốc hoa của Nhật Bản, một số người cho rằng anh đào là quốc hoa của Nhật do đây là loài hoa phổ biến nhất tại Nhật, tuy nhiên, một số người lại cho rằng hoa cúc mới là quốc hoa của Nhật do nó là biểu tượng quốc huy của Nhật, tượng trưng cho hoàng gia Nhật Bản. Thật khó để xác định nhỉ, hãy cùng iSenpai tìm hiểu xem vì sao hoa cúc lại đặc biệt với người Nhật đến thế nhé!

Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du hành vào Nhật Bản như một loài thuốc vào thời Nara (710 – 794). Hình ảnh hoa cúc xuất hiện rất nhiều trong tuyển tập thơ Kokin Wakashū được biên soạn trong thời Heian (794 – 1185), trong đó cũng chỉ ra rằng đây là một loài hoa thường xuất hiện trong hoàng tộc, được yêu thích không chỉ vì những tác dụng y học đa dạng mà còn vì vẻ đẹp rực rỡ mà lại vô cùng thanh thoát của những cánh hoa. Người ta tin rằng hoa cúc đã trở thành biểu tượng hoàng gia khi Thiên hoàng Go-Toba chọn loài hoa này làm biểu tượng cá nhân của mình.

Hoa cúc là hình ảnh tiêu biểu và được tìm thấy rất nhiều trong nền văn hóa Nhật Bản – với hơn 150 con dấu và huy hiệu ở xứ sở Mặt trời mọc có hình dạng của loài hoa tuyệt vời này. Vào thời cổ đại, hoa cúc là dấu hiệu của hoàng tộc, ngoại trừ Thiên hoàng, không ai được sử dụng biểu tượng này. Biểu tượng quốc huy của Nhật Bản là hoa cúc màu vàng cam được viền đen và đỏ, với 16 cánh hoa bao quanh hình tròn ở giữa. Hoa cúc 16 cánh còn mang ý nghĩa mặt trời chiếu sáng, đại diện cho Nhật Bản – đất nước mặt trời mọc. 

Ở Nhật, hoa cúc mang ý nghĩa sự trường thọ, trẻ trung và quý phái, đồng thời cũng là biểu tượng của mùa thu, sự thu hoạch và tấm lòng lương thiện, những đức tính cao cả nhất của con người. Vì những ý nghĩa tốt đẹp đó, hoa cúc thường xuất hiện trên các đồ trang trí, họa tiết kiến trúc, phụ kiện, đồ sứ, kimono và obi, cũng như đồng xu 50 yên,…. 

Chỉ riêng ở Nhật Bản, có tới hơn 350 loại hoa cúc trong số 200.000 giống tồn tại trên thế giới. Những loài cúc được trồng và sinh trưởng tại Nhật được gọi là wagiku để phân biệt với các giống sinh trưởng ở nước ngoài. Cụ thể, wagiku với màu sắc và hình dạng độc đáo được phát triển từ thời Edo (1603 – 1868) được gọi là kotengiku, có nghĩa là hoa cúc cổ điển. Wagiku được chia thành ba loại cơ bản tùy theo những kích thước khác nhau: ōgiku (lớn), chūgiku (trung bình) và kogiku (nhỏ). Ōgiku với đường kính từ 18cm trở lên được chia các loài như atsumono (Hay tên khác là Hậu vật cúc, loài hoa với khoảng 300 cánh hoa, các cánh hoa ở dạng hình cong hướng lên phía trên, xếp tuần tự lên nhau tạo thành một đóa hoa to tròn và đầy đặn thể hiện cho sự phúc hậu), kudamono (Còn gọi là Quản vật cúc, có cánh hoa dài và thanh mảnh trông như những chiếc ống nhỏ) và ichimonji (Nhất văn tự cúc chỉ có từ 14 đến 16 cánh hoa nhưng mỗi cánh có kích thước khá to và rộng, là loài hoa được sử dụng làm quốc huy đất nước). Chūgiku có kích cỡ trung bình với đường kính 9 ~ 18cm, thường được sử dụng trong cúng viếng tang lễ, còn loài kogiku nho nhỏ rất được yêu thích trong nghệ thuật Bonsai, thường được tìm thấy trong chậu hoa nở rộ nơi vườn nhà. 

 

Trong văn hóa Nhật Bản, mỗi một tháng sẽ có một loài hoa tượng trưng riêng biệt, và hoa cúc chính là loài hoa của tháng chín. Chính vì vậy, ngày hoa cúc của Nhật (Kiku no Sekku) được tổ chức vào ngày 9 tháng 9, đồng thời cũng là Lễ hội hạnh phúc của đất nước. Đây là một trong năm lễ hội thiêng liêng cổ xưa của Nhật Bản, vào ngày này, mọi người sẽ uống rượu sake hoa cúc có rắc những cánh hoa cúc bên trên và ăn các món ăn như kuri-gohan (gạo hạt dẻ) và guri-mochi (hạt dẻ với gạo nếp). Ở một số vùng, soba và amazake cũng được thưởng thức vào ngày này. 

Thêm vào đó, vào khoảng tháng 10, tháng 11, có không ít những lễ hội triển lãm hoa cúc được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa này, một trong những lễ hội đặc biệt nhất phải kể đến Kiku matsuri tại đền Yushima Tenmangū (Bunkyō, Tokyo). Đây là một cơ hội tuyệt vời để ngắm nhìn hơn 2.000 đóa cúc rực rỡ đại diện cho 32 giống hoa tuyệt đẹp được chăm sóc và trưng bày bởi Bunkyō Aikiku Kai – Hội những người đam mê hoa cúc tại địa phương. Hằng năm, lễ hội này thu hút tới hơn 100.000 du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng. 

Những đóa hoa ở đây được bày bố, sắp xếp một cách tỉ mỉ và theo những ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, với những loài ōgiku, sự sắp xếp theo hướng cổ điển được gọi là sanbon-jitate, khi ba nhánh bông nở từ một thân, những bông hoa này được coi là đẹp nhất khi bông hoa cao nhất ở phía sau tượng trưng cho thiên đàng nằm so le với hai bông phía trước, hai bông này tượng trưng cho trái đất bên trái và nhân loại bên phải. 

Hay hình ảnh của vô số những cụm hoa kogiku mọc theo hình thác đổ xuống từ trên cao và tầng tầng lớp lớp những đóa ōgiku mọc từ một thân cây ōgiku, sẽ khiến bạn kinh ngạc và thích thú vô cùng. Chắc chắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng và ngắm nghía nhiều phương pháp sắp xếp bontei đặc sắc, và điều đặc sắc cuối cùng bạn không nên bỏ lỡ chính là búp bê kiku-ningyō, một điểm đặc trưng của bất kỳ lễ hội hoa cúc nào, là hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng trong bộ trang phục công phu làm từ hoa cúc.

Tham khảo:

https://nationalpedia.org/japan/national-symbols-of-japan/
https://en.wikipedia.org/wiki/Imperial_Seal_of_Japan
https://news.cgtn.com/news/2019-09-10/The-chrysanthemum-culture-in-Japan-beautiful-auspicious-and-royal-JSbIPUG5Ve/index.htm
https://www.nippon.com/en/guide-to-japan/b08104/the-chrysanthemum-flower-of-emperors.html

Trả lời