Nguồn gốc của City Pop
Những khúc ca tinh tế, giai điệu trau chuốt và ca từ lãng mạn mang hơi hướng thành thị trưởng thành của City Pop vẫn luôn được yêu thích sau bao năm. Cùng với sự hồi sinh và vươn tầm quốc tế của phim ảnh Nhật Bản, City Pop Nhật cũng ngày càng được yêu thích khi ngày càng nhiều người hâm mộ bắt đầu tìm kiếm sưu tầm, đồng thời cũng ngày càng nhiều nhạc sĩ và DJ chơi các bài hát kinh điển của dòng nhạc này.
Mặc dù không có những khẳng định rõ ràng nhưng hầu hết người hâm mộ đều cho rằng ban nhạc Sugar Babe đóng một vai trò quan trọng đối với sự ra đời của City Pop, các thành viên Yamashita Tatsurō và Ōnuki Taeko của nhóm vẫn luôn được xem là tượng đài của phong cách âm nhạc này. Sugar Babe với sự kết hợp giữa các yếu tố từ nhạc cổ điển, nhạc pop và soul, đã tạo nên sự khác biệt so với các ban nhạc rock chịu ảnh hưởng của hard và blues rock thời điểm đó. Kể từ khi thành lập vào năm 1973, ban nhạc đã bắt đầu tạo nên sự khác biệt nhưng vẫn không thực sự được đánh giá cao cho đến khi các thành viên tách ra solo vào ba năm sau đó. Từ đó, các thành viên của nhóm và các nhạc sĩ khác đã mở đường cho City Pop.
Matsutōya Yumi (sau đó là Arai Yumi) đã góp phần khiến thể loại nhạc này được biết đến rộng rãi hơn. Bà ra mắt vào năm 1972 với tư cách là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ và nghệ sĩ dương cầm. Sau đó, thông qua sự hợp tác với ban nhạc Caramel Mama, được thành lập vào năm sau, bà bắt đầu tiếp cận City Pop – loại nhạc được pha trộn lời bài hát trưởng thành với âm thanh phong phú. Caramel Mama bao gồm người chồng tương lai của bà là Matsutōya Masataka chơi keyboard, cùng với Suzuki Shigeru chơi guitar và Hosono Haruomi chơi bass — cả hai nghệ sĩ guitar đều là cựu thành viên của nhóm nhạc Folk Rock Happy End nổi tiếng— và Hayashi Tatsuo chơi trống. Không quá lời khi nói rằng ban nhạc đã góp phần hoàn thiện giai điệu của dòng nhạc City Pop.
Caramel Mama đổi tên thành Tin Pan Alley và phát hành các album riêng, nhưng chủ yếu nhóm hoạt động hỗ trợ cho hàng loạt nghệ sĩ, tham gia vào việc tạo ra các album của nhiều ca sĩ City Pop cổ điển bao gồm Kosaka Chū, Yoshida Minako, Yano Akiko, Minami Yoshitaka, Yamashita Tatsurō và Ōnuki Taeko của Sugar Babe,.. vào những năm 1970. Đồng thời, nhóm cũng hỗ trợ cho các ca sĩ tên tuổi như Minami Saori và Ishida Ayumi trong thể loại pop kayōkyoku, từ đó cũng lan rộng âm hưởng của City Pop khắp đất nước.
Thời kỳ hoàng kim
Tuy nhiên, City Pop không thực sự đột phá cho đến những năm 1980, khi đĩa đơn “Ride on Time” của Yamashita Tatsurō đã tạo nên làn sóng hâm mộ và Takeuchi Mariya đã gây được tiếng vang lớn với “Fushigi na pīchi pai” vào năm 1980. Năm tiếp theo, “Pegasasu no asa” của Igarashi Hiroaki và “Surō na bugi ni shite kure (I want you)” của Minami Yoshitaka đã đạt những vị trí cao trong các bảng xếp hạng. Nhưng bài hát thực sự khiến thể loại này tăng vọt là “Rubī no yubiwa” của Terao Akira, một ca khúc với khung cảnh đẹp đẽ của một thành thị cô đơn, đã đạt doanh số hơn 1,6 triệu bản và giành được tình cảm của nhiều thế hệ. Đồng thời đã thúc đẩy City Pop trở thành một dòng nhạc chính thống của Nhật Bản.
City pop bước vào thời kỳ hoàng kim. Các nghệ sĩ hướng đến người nghe trưởng thành như Kisugi Takao, Sugiyama Kiyotaka và Omega Tribe, Nakahara Meiko, Anzen Chitai,… trở thành những nghệ sĩ quen thuộc trên truyền hình. Các nghệ sĩ thần tượng như Matsuda Seiko, Yakushimaru Hiroko và Kikuchi Momoko bắt đầu với dòng nhạc City Pop. Các cựu binh của nhạc rock và folk như Yazawa Eikichi và Inoue Yōsui thử sức với thể loại này trong những bản hit mới. Các nghệ sĩ tài năng khác như Kadomatsu Toshiki, Sugi Masamichi, Inagaki Jun’ichi, và Stardust Revue cũng hoạt động tích cực trong thời kỳ này.
Tuy nhiên, không lâu sau, phong trào âm nhạc City Pop dần tiến vào quá trình suy giảm chậm chạp. Các nghệ sĩ của thể loại này ít được chú ý hơn khi “làn sóng idol” cùng “làn sóng ban nhạc” nổ ra và đưa pop và rock phát triển theo những hướng mới. Tuy nhiên, các ngôi sao lớn vẫn tiếp tục biểu diễn và sự xuất hiện của thể loại Shibuya-kei của thập niên 1990, kéo theo là việc đánh giá lại những nghệ sĩ danh tiếng của City Pop như Matsutōya Yumi và Ohtaki Eiichi. Khi bản thân Shibuya-kei bắt đầu tàn lụi vào cuối thập kỷ, những hành động như Kirinji và Kinmokusei đã đặt nền móng cho sự hồi sinh của dòng nhạc City Pop mới.
Làn sóng quan tâm trở lại
Sự hồi sinh của City Pop những năm 2010 là một sự phát triển tự nhiên, diễn ra khi nền âm nhạc đa dạng hóa và không còn ranh giới thể loại rõ ràng. Các nhạc sĩ thường chuyển đổi giữa các thể loại như rock, folk và R&B, vì vậy chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi sự quan tâm một lần nữa chuyển sang City Pop.
Các nghệ sĩ của NeoCity Pop từ những năm 2010 bao gồm Cero, Yogee New Waves và Awesome City Club chủ yếu bắt nguồn từ những câu lạc bộ âm nhạc indie. Nhà sản xuất âm nhạc Kunimondo Takiguchi, người đã làm việc cùng Hitomitoi, cũng là một yếu tố quan trọng khác trong việc hồi sinh City Pop. Ban nhạc Suchmos trở nên nổi tiếng khi bài hát “Stay Tune” của nhóm xuất hiện trong một quảng cáo, đồng thời cũng mở rộng sức ảnh hưởng của thể loại này ra công chúng.
DJ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự biến hóa mới của City Pop.Từ khoảng năm 2010, cơn sốt các giai điệu phong cách disco đã thúc đẩy các DJ tái tạo lại City Pop những năm 1980 theo những ảnh hưởng của disco, tạo ra những giai điệu âm nhạc mới và thu hút hơn.
Người hâm mộ quốc tế
Làn sóng City Pop sau đó lan rộng ra nước ngoài. Vào những năm 2010, ngày càng có nhiều người hâm mộ âm nhạc cuồng nhiệt trên khắp thế giới tìm kiếm những album tiếng Nhật hiếm có, không chỉ thông qua đấu giá trực tuyến mà còn bằng cách tự mình đi đến Tokyo.Ngoài ra còn có rất nhiều bản nhạc được tải lên trên các dịch vụ âm nhạc trực tuyến như YouTube và Soundcloud. Chẳng hạn, bài hát “Plastic Love” của Takeuchi Mariya đã thu về hơn 20 triệu lượt xem trên YouTube sau khi được đăng lần đầu vào tháng 7 năm 2017.
Các nhạc sĩ quốc tế cũng đã thể hiện sự đánh giá cao của họ đối với City Pop. DJ và nhà sáng tạo âm nhạc người Mỹ – Toro y Moi – có lẽ là ví dụ điển hình nhất, hay ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Brazil, Ed Motta, đã thu thập các đĩa nhạc Nhật và cover “Windy Lady” của Yamashita Tatsurō khi ông biểu diễn ở Nhật Bản. Ban nhạc Ikkubaru của Indonesia và Polycat của Thái Lan cũng từng phát biểu rằng phong cách âm nhạc của họ cũng chịu ảnh hưởng to lớn của thể loại City Pop.
Với nhiều người thế hệ trước, City Pop từng gắn liền với kỷ nguyên bong bóng, tuy nhiên, giới trẻ ngày nay có thể chỉ đơn giản là thưởng thức nó như một sự pha trộn mới mẻ của các yếu tố âm nhạc mới mẻ và hợp thời. Âm nhạc Nhật Bản đã mất đi cái mác không hợp thời của các thời đại trước đây và City Pop đang dần được sự quan tâm như một thể loại âm nhạc thú vị.
Tham khảo từ Nippon, Wikipedia