Học ở Nhật thế nào (Kỳ 7): Đỗ Quang Tùng – Đại học Kyoto, ngành Kỹ thuật Xây dựng

Đăng ngày 15/01/2019 bởi iSenpai

Chắc hẳn nhiều bạn vẫn thắc mắc không biết cuộc sống sinh viên của các kỹ sư tương lai như thế nào? Hãy cùng iSenpai trò chuyện với Đỗ Quang Tùng về hành trình đầy hứa hẹn của mình tại Đại học Kyoto – một trong những đại học quốc lập hàng đầu Nhật Bản nhé!

Khác với hình ảnh mọi người thường nghĩ về sinh viên ngành xây dựng, Tùng xuất hiện ở buổi phỏng vấn của iSenpai với vẻ ngoài bảnh bao và vóc dáng cao ráo, cùng sự hoạt ngôn và khiếu hài hước. Khi giới thiệu về bản thân, Tùng trả lời rất ngắn gọn: “Mình là Tùng, 24 tuổi, sở thích đi du lịch và nghe nhạc”. Đến khi được hỏi về chuyên ngành và cuộc sống sinh viên, ánh mắt cậu sáng lên và bắt đầu kể say sưa.

Chân dung chàng kỹ sư xây dựng tương lai

Ước mơ từ nhỏ là trở thành bác sĩ, chưa từng nghĩ sẽ đi xây cầu

Khác với chuyên ngành đặc thù mà không nhiều người lựa chọn, Tùng kể rằng, giấc mơ từ nhỏ của cậu là trở thành bác sỹ. Tùng có năng khiếu đối với các môn khoa học tự nhiên – cậu từng học chuyên Sinh và giành giải Ba trong kỳ thi Học sinh giỏi môn Sinh học cấp thành phố của thành phố Hà Nội. Năm đó khi đăng ký khoa Y Đa Khoa của Đại học Y Hà Nội, Tùng đã thiếu một chút may mắn. “Mình đã nhận lời khuyên từ cha mình, một người đầy kinh nghiệm, đó là thử sức ở ngành xây dựng. Trong những năm học đại học, mình muốn được theo học chuyên ngành có thể tận dụng được những kiến thức từ cấp ba. Quả là cầu được ước thấy, mình tha hồ ngập lụt trong Toán và Vật lý khi học ngành xây dựng, đặc biệt là xây dựng cầu đường”. Tùng hóm hỉnh chia sẻ.

Cơ duyên với ngôi trường quốc lập top đầu Nhật Bản

Với kiến thức chuyên ngành chắc chắn, khi đang là sinh viên năm hai, Tùng thi tuyển vào Đại học Kyoto và là một trong những sinh viên ưu tú trúng tuyển vào trường. Dù phải bắt đầu học lại từ năm nhất, Tùng chưa bao giờ hối hận về quyết định này. Trước ngày lên đường, cậu không lo lắng mà chỉ đùa rằng: “Có lẽ điều mình lo lắng nhất là các bạn của mình ở nhà đi lấy chồng hết”.

Tùng chụp ảnh kỷ niệm cùng các bạn (thứ 3 từ bên phải)

Về quá trình học tập tại Đại học Kyoto, Tùng chia sẻ: “Trường mình mọi người dùng tiếng Anh nhiều nên mình cũng không gặp nhiều khó khăn khi đến Nhật mà chưa biết tiếng Nhật. Mình lại có cơ hội sử dụng toàn bộ các công thức tính toán cấp ba, đúng sở trường của mình. Nghĩ đến việc có thể tự tính toán thiết kế một mặt sàn, mình thấy vô cùng phấn khích”.

Lời nhắc nhở đáng nhớ từ giáo sư

Trò chuyện với iSenpai, Tùng nhắc về một kỷ niệm sâu sắc khó quên thời sinh viên. Khi mới bắt đầu làm quen với các môn học chuyên ngành, do chưa quen nên Tùng thường thiếu cẩn thận trong việc sử dụng số liệu. Một lần, giáo sư của cậu đã phải hỏi rằng: “Tùng, sau này em định làm gì?”. Khi cậu trả lời rằng mình muốn đi xây cầu, vị giáo sư hài hước xen lẫn nghiêm khắc: “Nếu như thế thì tôi không bao giờ dám đi chiếc cầu cậu xây đâu”. Đó là một kỷ niệm khiến cậu nhớ mãi. Từ đó, Tùng luôn nhắc nhở mình phải tôn trọng công thức và số liệu, vì đó không chỉ là nguyên tắc mà còn là đạo đức của người kỹ sư.

“Người kỹ sư phải tự đối mặt trước mọi tình huống”

Khi kể về những vất vả khi thực hành thí nghiệm hay làm bài tập nhóm, Tùng luôn ghi nhớ câu nói “Người kỹ sư phải tự đối mặt trước mọi tình huống” của giáo sư. Đó là kim chỉ nam mỗi khi cậu gặp khó khăn, thử thách, và cả những sai lầm. Chia sẻ với iSenpai, Tùng kể: “Giáo trình của trường mình viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, nên khi được phân công vào cùng nhóm với một bạn người Nhật, mình đã có suy nghĩ ỷ lại vào bạn ấy. Mình nghĩ bạn ấy là người Nhật nên đọc hiểu tiếng Nhật sẽ nhanh hơn. Mình đã để bạn ấy chuẩn bị tất cả, rồi vài lần cũng trôi qua trót lọt. Cho đến một hôm bạn ấy bảo mình, bạn ấy cũng rất bận rộn và có công việc riêng, vậy mà tại sao lúc nào bạn ấy cũng là người phải làm tất cả. Câu nói của người bạn ấy khiến mình tỉnh ngộ và đã suy nghĩ rất nhiều. Từ đó mình luôn cố gắng chuẩn bị bài tập mới thật cẩn thận và cuối cùng nhóm mình đã đạt được điểm cao”.

 

Mỗi bài học từ thầy giáo và bạn bè đều khiến Tùng trưởng thành hơn

Vinh hạnh được ở trong ký túc xá Yoshida – một trong những ký túc xá nổi tiếng nhất Nhật Bản

Trái với suy nghĩ của nhiều người về cuộc sống tại ký túc xá Yoshida, Tùng chia sẻ, quãng thời gian sống ở đây là những kỷ niệm đẹp thời sinh viên của cậu. “Khi xem những bức ảnh về cuộc sống bề bộn nơi đây, mọi người hay nghĩ rằng những sinh viên sống ở đây thật khác người. Nhưng đối với mình, mình coi các bạn như chiến hữu. Ở đây, chúng mình sống rất đoàn kết và tôn trọng nhau. Đây là ký túc xá tự quản của sinh viên đã duy trì hàng trăm năm, các thế hệ thay nhau nối tiếp truyền thống này, chắc chắn cũng không phải chuyện đơn giản phải không nào”. Tuy đã dọn ra ngoài, nhưng với Tùng, cuộc sống ở ký túc Yoshida và những buổi liên hoan ở đây luôn là những kỷ niệm đẹp nhất.

Ký túc xá Yoshida nổi tiếng từng là phim trường cho nhiều bộ phim. (Ảnh: Trần Đức Quang)

Ước mơ đóng góp nhiều hơn cho những cây cầu Việt Nam

Tùng còn chia sẻ với iSenpai cảm nhận của mình khi là sinh viên chuyên ngành xây dựng từng được đào tạo trong cả hai môi trường giáo dục Việt Nam và Nhật Bản. Theo Tùng, khi học ở Nhật, cậu được hướng dẫn chú trọng vào bản chất và nguyên lý, còn khi học ở Việt Nam, cậu lại được đào tạo cẩn thận về công thức và kỹ năng tính toán. Tùng luôn thấy may mắn vì được đào tạo với thế mạnh từ cả hai nền giáo dục này. Ước mơ của Tùng là được góp sức làm nên những công trình xây dựng an toàn và có giá trị với thời gian cho đất nước và cho những người thân yêu. Hãy chúc những ước mơ của Tùng sớm thành hiện thực, để một ngày chúng ta không chỉ tự hào về cầu Mỹ Thuận, cầu Rồng –  những cây cầu do các kỹ sư nước ngoài thiết kế, mà còn tự hào với những cây cầu được xây từ đam mê và nhiệt huyết bởi những người kỹ sư Việt Nam từ Nhật Bản trở về.

Thực hiện: Huyền Trang

Biên tập: Châu

Trả lời