Học ở Nhật thế nào: Trần Thế Nam, chàng chủ tịch đa tài của VYSA Osaka

Đăng ngày 07/12/2018 bởi iSenpai

Trần Thế Nam, chàng thủ lĩnh đa tài của tổ chức thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật chi hội Osaka (VYSA Osaka) luôn gây ấn tượng trong các sự kiện của hội với vẻ ngoài năng động và sự nhiệt huyết với các sự kiện cộng đồng. Hãy cùng iSenpai trò chuyện cùng chàng trai luôn tràn đầy năng lượng này nhé!

Từ chàng nam sinh chuyên Nhật năng động của trường Bưởi

iSenpai: Chào Nam! Sau nhiều lần chứng kiến Nam xuất hiện đầy nhiệt huyết cùng năng lực tổ chức trong các sự kiện lớn của VYSA Osaka, iSenpai đã ấp ủ một cuộc phỏng vấn với Nam nhưng tới tận hôm nay mới có cơ hội được trò chuyện cùng bạn. Đầu tiên, Nam có thể giới thiệu đôi nét về bản thân tới các bạn độc giả của iSenpai được không?

Trần Thế Nam: Lời đầu tiên xin cho mình gửi lời chào tới toàn thể độc giả của iSenpai, mình là Trần Thế Nam, sinh viên năm cuối của Đại học Kinh tế Luật Osaka. Mình đã sang Nhật được gần 4 năm rưỡi và sẽ tốt nghiệp đại học vào tháng 3 tới đây. Mình đã học tiếng Nhật tính đến nay là được 11 năm rồi đấy nhưng tiếng Nhật mình vẫn còn chưa giỏi lắm đâu *cười*. Cũng như bao bạn du học sinh khác, tuy mình sang Nhật từ năm 18 tuổi nhưng cũng đang có một cuộc sống ổn định xoay quanh việc học tập, làm thêm, và một số hoạt động xã hội khác.

Chân dung phó chủ tịch trẻ tuổi, tài năng của tổ chức sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Nhật VYSA

iSenpai: Được biết bạn là một học sinh xuất sắc của trường THPT Chuyên chuẩn trọng điểm quốc gia Chu Văn An lớp Chuyên Nhật. Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với tiếng Nhật?

Trần Thế Nam: Thực ra nguyên do mình bắt đầu học tiếng Nhật cũng khá thú vị. Hồi bé mình rất ham chơi khiến bố mẹ mình rất lo lắng cho tương lai của mình và cũng vì mình rất có hứng thú với việc học ngoại ngữ nên bố mẹ mình đã quyết định đăng ký cho mình học lớp tiếng Nhật của trường THCS Chu Văn An. Ơ thời điểm đó tiếng Nhật cạnh tranh ít hơn các môn ngoại ngữ khác như tiếng Anh rất nhiều. Không như rất nhiều các bạn có đam mê với anime hay văn hoá Nhật, mình đã bắt đầu học tiếng Nhật từ lý do riêng đó, tuy nhiên mình cũng chưa bao giờ hối hận vì đã học tiếng Nhật *cười*.

Nam là cựu học sinh chuyên Nhật của ngôi trường có 110 năm lịch sử Chu Văn An

Đến anh chàng năng động hết mình trong các hoạt động xã hội

iSenpai: Có lẽ quá trình học tập tại một ngôi trường có bề dày lịch sử hàng trăm năm như vậy đã tạo nên một Thế Nam đa tài và năng động. Bạn có nghĩ việc tích cực tham gia các hoạt động của trường ngay từ khi học cấp 3 đã làm nên con người mình của ngày hôm nay không?

Trần Thế Nam: Ba năm cấp 3 mình dành hầu hết thời gian ngoài giờ học để chơi thể thao và tham gia vào nhóm nhảy của trường, những đam mê suốt thời phổ thông của mình. THPT Chu Văn An là ngôi trường nổi tiếng với sự năng động của học sinh nhờ vào rất nhiều hoạt động ngoại khoá xuyên suốt năm học, và mình luôn cảm thấy thật may mắn vì đã được theo học ngôi trường tuyệt vời ấy. Rất nhiều sự kiện như Chào tuần mới, Tuần lễ Sparkling với những chùm hoạt động như nam nhảy cheer-dance nữ đá bóng, con trai nấu ăn và cắm hoa,… thực sự đã tạo cho bọn mình những cơ hội để gắn kết lẫn nhau và rèn luyện kỹ năng teamwork.

iSenpai: Đúng là một môi trường học tập đầy năng động! Tiếp theo, câu này có vẻ như khá dễ trả lời với một cựu học sinh chuyên Nhật, tại sao bạn chọn Nhật Bản làm điểm đến du học?

Trần Thế Nam: Có lẽ mục tiêu của mọi học sinh cấp 3 đều là một ngày nào đó được đặt chân ra nước ngoài du học, đặc biệt là những bạn theo học ngoại ngữ. Và mình cũng không phải ngoại lệ. Mình đã theo học tiếng Nhật 7 năm tính đến thời điểm đó nên thật sự sẽ là rất lãng phí nếu dừng việc học tiếng Nhật tại đó đúng không nào? Hơn nữa, Nhật Bản là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, với nét đẹp văn hoá và con người nổi tiếng toàn cầu, mình tin là không chỉ mình mà rất nhiều bạn khác dù không học tiếng Nhật đi chăng nữa cũng rất muốn một lần được học tập tại xứ sở hoa anh đào này.

Hành trình trưởng thành từ các hoạt động của tổ chức VYSA

iSenpaiNgay từ khi học năm 2 bạn đã được tin tưởng giao trọng trách phụ trách toàn bộ sự kiện giải đấu thể thao Handai Open 2016. Chắc hẳn không phải dễ để chiếm trọn niềm tin của ban quản trị như vậy. Nam có thể chia sẻ về hành trình hoạt động Vysa của mình không?

Trần Thế Nam: Đầu năm 2016, qua lời hướng dẫn của chị mình trên Tokyo, mình đã tìm đến hội Vysa Osaka và tham gia sự kiện ngắm hoa anh đào – chào đón thành viên mới của hội. Qua sự kiện đó, mình thấy được sự năng động và nhiệt huyết của các thành viên nên đã chủ động xin tham gia buổi họp tiếp theo của hội. Và tại buổi họp đó mình cũng tham gia dự thính đồng thời đưa ra một số ý kiến cá nhân, và khi nói đến việc chuẩn bị sự kiện Handai Open 2016, đột nhiên mình được rủ vào và giao một trọng trách phụ trách chính các bộ môn thi đấu của sự kiện. Rất may là sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham dự của hơn 400 người Việt Nam từ khắp Nhật Bản tranh tài trong 7 bộ môn thể thao, và thực sự mình đã trưởng thành rất nhiều từ đó. Sau đó đến năm 2017 thì mình tiếp tục hoạt động và với những trách nhiệm lớn hơn, hỗ trợ trực tiếp cho chủ tịch Vysa Osaka năm đó, là trưởng Ban tổ chức của sự kiện VYSA CUP 2017, cùng BCH tổ chức thành công các sự kiện khác như cuộc thi Hùng biện Việt Nhật 2017, Seminar tìm kiếm việc làm cùng Top Career, ngắm hoa anh đào,… đồng thời cũng hỗ trợ và giao lưu cùng các đoàn thể khác như Vysa Kyoto, Vysa Kobe, iSenpai, và các sự kiện của Tổng Lãnh sự quán. Cho đến năm 2018, mình mạnh dạn ứng cử vị trí Chủ tịch Vysa Osaka và may mắn trở thành Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2019 hehe.

Với sở trường là thể thao và tố chất lãnh đạo Nam nhiều lần là trưởng bạn tổ chức các giải đấu bóng đá trong nước Nhật

“Thời gian của bạn luôn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời khác”

iSenpai: Từ cậu du học sinh ngày nào nay đã làm “Anh cả” của cả chi hội Osaka và phó chủ tịch VYSA toàn quốc rồi. Nam thấy trọng trách của mình quá lớn đối với một sinh viên năm cuối không?

Trần Thế Nam: Mình luôn quan niệm là trách nhiệm và sự bận rộn sẽ đi đôi với sự trưởng thành, do đó dù bận đến đâu thì mình vẫn cố gắng để sắp xếp và cân đối thời gian giữa việc học tập, làm việc, hoạt động của hội và cuộc sống cá nhân. Mình luôn xem khó khăn là để vượt qua chứ không phải để lùi bước, và mình vẫn đang theo đuổi con đường mà mình chọn. Nhưng mà thực tế là năm cuối là năm bạn sẽ rất bận rộn với luận văn tốt nghiệp và con đường sau tốt nghiệp, cá nhân mình muốn tiếp tục học lên cao hơn tại một nước nói tiếng Anh để có thêm kinh nghiệm và khả năng ngoại ngữ trước khi đi làm. Vì thế nên mình cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian vào việc học tiếng Anh cùng với hoàn thành luận tốt nghiệp, đồng thời cũng phải duy trì và phát triển các hoạt động của Vysa Osaka để thực hiện tròn trách nhiệm của vị trí Chủ tịch. Cá nhân mình rất tâm đắc 2 câu nói, “Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life” của Steve Jobs – cựu CEO Apple và “Today is hard, tomorrow will be worse, but the day after tomorrow will be sunshine” của Jack Ma – founder của Alibaba Group. Sự khác biệt giữa người thành công và người bình thường là khả năng sắp xếp và sử dụng thời gian hiệu quả, theo mình là vậy.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, chàng trai Hà Nội đam mê với nhũng công việc hướng tới cộng đồng

iSenpai: Bạn thấy mình được và mất gì khi tham gia các hoạt động này? Nam có kỉ niệm ấn tượng nào muốn chia sẻ không?

Trần Thế Nam: Nói về những gì mình mất trước nhé *cười*! Mình phải bỏ khá nhiều thời gian cá nhân, công sức chuẩn bị sự kiện, chưa kể là tiền đi lại ăn uống trong quá trình chuẩn bị sự kiện cũng khá đáng kể đó. Có những buổi tối phải họp online 3-4 tiếng đồng hồ cho đến nửa đêm, hay những ngày liên tiếp phải di chuyển 2-3 tiếng trên tàu để đến địa điểm tổ chức sự kiện cho công tác chuẩn bị. Mình rất hiếm khi có một ngày cuối tuần trọn vẹn cho bản thân mình cho dù lịch làm của mình luôn trong giờ hành chính. Tuy vậy, mình luôn tin rằng mình được nhiều hơn mất. Cụ thể đối với chính bản thân mình, mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, đã có cơ hội quen và làm việc cùng những người rất giỏi và tài năng, mình thực sự đã học được rất nhiều từ họ. Những ý kiến đóng góp, hay những cái nhìn của họ mang đến cho mình những kiến thức và suy nghĩ khác hẳn so với những điều mình học được từ giảng đường đại học. Ngoài ra, mình còn có cơ hội phát triển những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, leadership, kỹ năng quản lý công việc và sắp xếp thời gian. Khi đứng trên tư cách Chủ tịch của hội, mình có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều CEO của các doanh nghiệp lớn, từ đó học được những business manner đặc trưng của người Nhật, từ những điều nhỏ nhặt nhất như cách trao đổi danh thiếp hay cách trả lời mail thế nào cho lịch sự, cho đến những việc lớn lao hơn là đi xin tài trợ của doanh nghiệp để tổ chức sự kiện. Đó đều là những trải nghiệm bạn không thể có được nếu chỉ đến trường học và đi làm thêm, điều này mình có thể đảm bảo. Thêm nữa, tham gia các hoạt động cho mình cơ hội mở rộng mối quan hệ và làm quen với rất nhiều người bạn mới, từ đó mà mình đã nhận được khá nhiều điều (việc làm với thu nhập cao hơn, những người bạn cùng chí hướng,…).

Kỉ niệm cũng như là khoảng thời gian khó quên nhất đối với mình chính là khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018, là quá trình chuẩn bị cho sự kiện Vietnam Festival 2018 in Sakai mà Vysa Osaka cùng Vysa Kyoto và Vysa Kobe tổ chức. Vì là lần đầu tiên tổ chức một sự kiện với quy mô lớn như vậy, mà đội ngũ các thành viên chủ chốt của bọn mình chỉ có 4 người thay nhau lo các công việc nên đã có nhiều lúc áp lực đến mức muốn huỷ tất cả để lùi về phía sau. Thế nhưng nhờ sự động viên và hỗ trợ của các thành viên khác của BCH 3 hội, bọn mình đã tổ chức thành công sự kiện với sự tham gia của gần 10.000 người, một con số thực sự là không tưởng đối với bọn mình. Và ngày hôm đó chính là khoảnh khắc mà không chỉ mình mà cả những thành viên còn lại sẽ nhớ mãi, cái cảm xúc khi nói lời cảm ơn tới tất cả các thành viên và chính thức kết thúc sự kiện vẫn còn đọng lại trong mình cho đến tận bây giờ.

iSenpai: ược biết bạn không chỉ có nhiều thành tích tốt trong học tập mà còn cực đa tài với thể thao, âm nhạc và các loại nhạc cụ. Nam đã sắp xếp các công việc ngoại khoá, học tập, và sở thích cá nhân như thế nào vậy?

Trần Thế Nam: Những lúc có thời gian rảnh rỗi mình thường đọc sách hoặc ngồi đàn hát một mình (vì mình hát không hay tí nào *cười*). Mình đã thích thể thao đặc biệt là bóng rổ và cầu lông từ khi còn học cấp 2, và mình vẫn cố gắng duy trì thói quen tập thể thao để đảm bảo sức khoẻ và làm việc hiệu quả nhất. Sang Nhật rồi, vì những hạn chế trong việc tập hợp nhóm để chơi bóng rổ hay cầu lông nên mình chủ yếu chạy bộ và tập gym thôi. Đàn hát và chơi thể thao là những sở thích mà luôn giúp mình giải toả bớt căng thẳng sau mỗi ngày học tập làm việc. Về việc sắp xếp thời gian cho các hoạt động, tập thể thao hay đánh đàn chỉ tốn khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày, đọc sách thì mình có thể tận dụng thời gian di chuyển trên tàu hay xe bus mà. Thực tế thì mình vẫn cố gắng duy trì ngủ đủ 8 đến 9 tiếng mỗi ngày mà vẫn có thể sắp xếp thời gian đủ để làm những việc khác. Hiện nay có rất nhiều công cụ để bạn có thể sử dụng và sắp xếp thời gian hợp lý hơn, ví dụ mình có sử dụng một số app trên điện thoại như Google Calendar hay Paper (một ứng dụng khá hay để note và memo) để sắp xếp cũng như remind về công việc và mức độ ưu tiên đối với mỗi công việc. Cá nhân mình thường xếp công việc vào 3 nhóm là I (Important), U (Urgent) và U&I (Urgent & Important) để xử lý theo thứ tự ưu tiên.

Chương trình hùng biện Việt Nhật 2 từng thành công rực rỡ với nỗ lực của Nam và chi hội VYSA Osaka

iSenpai: Những lời khuyên của Nam thật hữu ích với người trẻ chúng mình đó. Bạn có thể bật mí một chút về các sự kiện sắp tới và kế hoạch trong tương lai của bản thân không?

Trần Thế Nam: Ngày mùng 9 tháng 12 tới đây (Chủ Nhật tuần này) bọn mình sẽ tổ chức sự kiện Hùng biện Việt Nhật lần thứ 3 với chủ đề là chữ Duyên. Đây là một sự kiện vô cùng ý nghĩa đối với cộng đồng, thể hiện sự gắn kết giữa mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thông qua việc giao lưu ngôn ngữ của học sinh sinh viên 2 nước (người Nhật thuyết trình tiếng Việt và ngược lại người Việt thuyết trình tiếng Nhật). Sự kiện được tổ chức tại Osaka University Hall của Đại học Osaka vào 13 giờ với sự tham gia của 8 thí sinh xuất sắc nhất của mỗi bộ môn mà bọn mình đã tuyển chọn trên toàn quốc trước vòng loại, hứa hẹn sẽ mang đến những bài nói đầy cảm xúc. Nếu có thời gian các bạn hãy đến và cùng theo dõi những phần trình bày ấy cùng bọn mình nhé. Bật mí là cuộc thi cũng sẽ được livestream trên fanpage của Vysa Osaka cũng như iSenpai để các bạn ở xa có điều kiện theo dõi đó.

Về cá nhân mình có lẽ sự kiện lần này sẽ là sự kiện cuối cùng của mình trên cương vị Chủ tịch Vysa Osaka trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào Tết năm 2019. Sau đó mình sẽ tốt nghiệp đại học và theo đuổi con đường mà mình đang hướng tới. Mình đang cố gắng để có thể theo học chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh thương mại quốc tế tại trường ĐH Melbourne của Úc hoặc trường ĐH Oxford của Anh, tuy nhiên con đường tới đó còn rất nhiều khó khăn mà mình phải vượt qua để thực hiện. Có lẽ mình tạm xa Nhật Bản một thời gian và biết đâu sau đó mình sẽ lại quay lại Nhật để làm việc không chừng. Trong thời gian còn ở lại Nhật, mình sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các hoạt động của Vysa Osaka trên tư cách cố vấn, đồng thời tập trung cho việc học tiếng Anh cũng như học thêm một số kiến thức liên quan đến lập trình (sở thích thôi hehe). Và tất nhiên mình cũng sẽ luôn ủng hộ và đón đọc iSenpai dù ở đâu đi nữa.

iSenpai: Cảm ơn Nam rất nhiều về cuộc trò chuyện chúc bạn những thành công rực rỡ hơn nữa nhé!

Trần Thế Nam: Xin cảm ơn buổi phỏng vấn của iSenpai.

Trả lời