Người Nhật Bản nổi tiếng về Nghệ thuật cắm hoa trên thế giới. Trong khi tại nhiều quốc gia khác, mọi người ưa thích hình thể và màu sắc của các bông hoa thì đặc điểm của Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là sự chú trọng vào đường nét. Nghệ thuật Ikebana thường được biết đến dưới cái tên kadō – “hoa đạo”.
Ikebana, một trong những môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, đã xuất hiện được hơn 600 năm nay. Nó phát triển từ một nghi thức hiến tế hoa cho những linh hồn đã chết của Phật giáo. Về sau, thói quen thưởng thức hoa đã trở nên phổ biến đối với giới quý tộc ở Nhật. Theo nghệ thuật Ikebana, hoa được cắm hài hòa với màu sắc, bài trí của phòng và bình cắm… tượng trưng cho thiên, địa, nhân.
Trong nghệ thuật Ikebana, cách cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Nhìn vào cách cắm, người ta sẽ hiểu được ý nghĩa của mỗi tác phẩm. Ví dụ như cành thưa thớt sẽ biểu hiện cho mùa đông hay, ngược lại, cắm nhiều cành đan xen với nhau sẽ tượng trưng cho mùa hạ. Hay như nụ hoa sẽ có nghĩa là tương lai, bông hoa chớm nở có nghĩa là hiện tại, và bông hoa đã nở bung gần hết có nghĩa là quá khứ. Nhìn vào cách cắm, người ta sẽ hiểu được ý nghĩa của mỗi tác phẩm. Mỗi kiểu hoa thường mang một ý nghĩa riêng, nhưng đều gồm ba nhóm hoa hay cành lá xếp đặt theo hình tam giác. Nhóm chính ở giữa, thẳng đứng, nhóm thứ hai nghiêng về một bên so với nhóm chính và nhóm thứ ba ngược lại, nghiêng về phía đối so với nhóm thứ hai. Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành… về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa.
Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được bày trên cao. Vào các ngày quốc lễ, người Nhật lại có một số cách cắm hoa được quy định riêng, các nghi lễ gia đình có thể bị coi là thiếu đầy đủ nếu không theo cách cắm hoa thích hợp và không trưng bày thứ hoa thích hợp. Hoa Cúc trắng là hoa của ngày Tết đầu năm, trong khi vào ngày Tết Búp Bê (mồng 3 tháng 3), người Nhật thường dùng tới hoa Đào, và hoa Diên Vĩ (Iris) là thứ hoa của ngày Tết Con Trai (mồng 5 tháng 5).
Người cắm hoa cũng giống như họa sĩ, “vẽ” vào không gian những tác phẩm hoa độc đáo. Vì thế ngoài việc chọn hoa phù hợp, người thể hiện cũng phải biết tính toán độ dài, ngắn và vị trí để cắm vào chiếc bình cho thật đẹp và có đường nét. Mặc dù sử dụng những loại hoa giống nhau nhưng mỗi người có cách cắm khác nhau, phản ánh được tính cách của họ. Người cắm hoa không nắm bắt kỹ thuật cắm hoa mà còn phải biết cách ngắm nhìn chúng bằng tất cả tâm hồn. Khi cắm, người hiểu về nghệ thuật cắm hoa sẽ không bao giờ để 2 bông hoa có tư thế giống nhau trong một bình hoa. Một bông hoa sẽ được làm nổi bật lên, những bông còn lại có tác dụng làm nền cho nó. Bí quyết này nhằm tạo ra sự hài hòa và phát huy hết nét đẹp của từng bông hoa.
Ngày nay tại Nhật Bản có nhiều trường phái cắm hoa. Các quy luật đặt ra bởi các trường phái này có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp… vì vậy mà có nhiều loại trường lớp dạy Nghệ Thuật Cắm Hoa.
(Theo Lapis)
Sưu tầm