Người Nhật không ngủ, họ chỉ “inemuri”. Đó là những gì mà họ – chính người Nhật – nói. Đương nhiên là nó không đúng. Nhưng nó lại rất thú vị khi là một tuyên bố về văn hóa và xã hội học.
Vẫn luôn có những than phiền: “Người Nhật chúng ta đúng là phát điên vì công việc!” Nhưng trong những lời ca thán đó ta vẫn thấy một niềm tự hào về sự siêng năng để vượt trội so với toàn nhân loại. Và ta sẽ dễ dàng bắt gặp vô số người ngủ gật trên tàu điện, một vài người còn ngủ đứng, và chẳng có ai lấy làm ngạc nhiên cả.
Thái độ đó khá mâu thuẫn. Hình mẫu tích cực của những con người ham việc, cắt bớt giấc ngủ đêm và chẳng chấp nhận việc dậy muộn, dường như lại kèm theo sự khoan dung rất lớn cho thứ gọi là ‘inemuri’ – chợp mắt trên phương tiên công cộng, trong cuộc họp, lớp học và giảng đường. Phụ nữ, đàn ông và trẻ em chẳng có mấy ức chế về chuyện ngủ ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào họ muốn.
Nếu ngủ trên giường hay futon được coi là dấu hiệu của sự lười nhác, vậy tại sao ngủ trong buổi họp hay kể cả khi làm việc lại không bị cho là biểu hiện mạnh mẽ hơn của sự lười biếng? Lý lẽ nào cho phép trẻ nhỏ thức khuya học bài nếu điều đó đồng nghĩa chúng sẽ ngủ trong giờ học vào ngày hôm sau? Từ đâu sinh ra những mâu thuẫn như vậy?
Ta thường mặc định rằng tổ tiên của mình đi ngủ “một cách tự nhiên” khi bóng tối xuất hiện và biến mất cùng mặt trời. Tuy nhiên, thời điểm đi ngủ chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản, dù ở Nhật hay đâu chăng nữa. Ngay cả khi chưa có đèn điện, những ghi chép vẫn cho thấy nhiều người vẫn luôn bị ý kiến khi thức khuya để trò chuyện, nhậu nhẹt và những thú vui khác. Tuy nhiên, những học giả – đặc biệt là samurai trẻ tuổi – thường được cho là có đức hạnh cao nếu họ học quên ngủ, cho dù việc này chẳng có mấy hiệu quả và cần tới dầu để thắp đèn cũng như dẫn tới việc ngủ trong buổi học.
Chợp mắt gần như không được nhắc đến trong tài liệu lịch sử và dường như không được đánh giá cao. Ngủ ở chốn công cộng thường chỉ được nhắc đến khi cơn chợp mắt là ngọn nguồn của một giai thoại hài hước. Người ta cũng rất thích thú chuyện trêu chọc bạn bè khi họ thiếp đi.
Còn dậy sớm, lại được cổ vũ như một đức tính, ít nhất là từ khi Nho Giáo và Phật Giáo xuất hiện. Thời cổ đại, những tài liệu cho thấy những mối lo ngại về lịch làm việc của những người phục vụ công, nhưng từ thời Trung Cổ, dậy sớm được áp dụng ở mọi tầng lớp xã hội, khi mà “ngủ muộn dậy sớm” được dùng như một phép ẩn dụ cho việc miêu tả một công dân đức hạnh.
Một vấn đề thú vị khác là việc ngủ chung. Ở Anh, cha mẹ thường được khuyên cho con cái, kể cả trẻ sơ sinh, ngủ riêng để chúng có thể học cách ngủ tự lập hơn, cũng như tạo dựng một lịch đi ngủ đều đặn. Đối lập lại, tại Nhật, cha mẹ và bác sĩ kiên quyết rằng việc ngủ chung với trẻ nhỏ cho tới khi ít nhất là tuổi đi học sẽ khiến chúng an tâm và giúp trẻ phát triển thành người độc lập và ổn định về tâm lý.
Có lẽ quy tắc văn hóa này đã khiến người Nhật có thể ngủ trước mặt người khác, ngay cả khi đã trưởng thành – rất nhiều người Nhật nói rằng họ ngủ ở công ty dễ hơn ở nhà. Hiệu ứng như vậy có thể dễ dàng quan sát được vào mùa xuân năm 2011 sau khi đại họa sóng thần hủy diệt rất nhiều thị trấn ven biển. Những người sống sót phải ở tại nơi sơ tán, nơi hàng tá hay thậm chí hàng trăm người chia sẻ mái nhà và chốn ngủ. Dù có nhiều vấn đề và mâu thuẫn, họ nói rằng chia sẻ nơi ngủ đã đem lại một chút thoải mái và giúp họ khôi phục lại nhịp điệu của giấc ngủ.
Tuy nhiên, trải nghiệm ngủ trước mặt người khác với trẻ em lại không đủ để giải thích cho sự dễ dãi của cộng đồng với inemuri, đặc biệt tại trường học và nơi làm việc. Câu trả lời nằm ở chỗ, ở một mức độ nhất định, inemuri không hề được coi là ngủ. Không chỉ là việc nó được cho là khác hoàn toàn với ngủ vào buổi đêm, mà nó còn được nhìn nhận khác hẳn với việc ngủ trưa hay ngủ chợp mắt chống mệt mỏi.
Làm sao để làm rõ điều này? Mấu chốt nằm ở bản thân từ này, khi nó được hình thành từ hai Hán tự. “I” nghĩa là “sự có mặt” trong những việc không phải là ngủ còn “nemuri” nghĩa là “ngủ”. Khái niệm của Erving Goffman về “sự tham gia trong các tình huống xã hội” có lẽ sẽ hữu ích trong việc giúp ta nắm bắt được ý nghĩa xã hội của inemuri và những nguyên tắc xung quanh nó. Qua ngôn ngữ hình thể và biểu cảm giọng nói, ta đã tham gia ở một mức độ nào đó trong mọi tình huống có sự hiện diện của minh. Tuy nhiên, ta vẫn có năng lực để phân chia sự chú ý vào những sự góp mặt quan trọng và thứ yếu.
Trong ngữ cảnh này, inemuri có thể được coi là một sự tham gia thứ yếu mà nó có thể được lạm dụng cho tới khi nó không làm ảnh hưởng đến tình huống xung quanh – tương tự như việc mơ màng. Cho dù tâm trí người ngủ có thể không ở đó, họ phải có khả năng quay trở lại với tình huống đó khi cần tới những hoạt động đóng góp. Họ cũng phải duy trì sự phù hợp với những sự tham gia quan trọng từ dáng điệu, ngôn ngữ hình thể, cách ăn mặc và những thứ tương tự.
Inemuri tại nơi làm việc là một ví dụ điển hình. Về nguyên tắc, sự chú tâm và chủ động tham gia là những gì được mong đợi ở chốn làm việc, và ngủ gây ra ấn tượng về sự thờ ơ và người đó đang trốn tránh trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nó cũng được cho là hệ quả của sự mệt mỏi từ công việc. Nó có thể được bỏ qua khi những cuộc họp vốn hay kéo dài và đơn giản chỉ là nghe báo cáo từ lãnh đạo. Nỗ lực để góp mặt thường được đánh giá cao hơn những gì thực sự đạt được. Như một người Nhật đã nói: “Người Nhật chúng tôi có tinh thần của Olympic – sự góp mặt mới là thứ được tính.”
Tính cần cù, được biểu hiện bằng nhiều giờ làm việc và dốc hết sức lực, là một đức tính rất được coi trọng tại Nhật Bản. Một người cố gắng góp mặt trong một buổi họp mặc cho mệt mỏi hay ốm bệnh chứng tỏ sự siêng năng, một ý thức trách nhiệm và sự sẵn sàng hy sinh của họ. Bằng việc vượt qua nhu cầu và yếu kém thể chất, một người sẽ trở nên đức hạnh và có tâm lý kiên định cũng như tràn đầy năng lượng tích cực. Người như vậy được cho là đáng tin cậy và sẽ được thăng chức.
Hơn thế, khiêm tốn cũng là một đức tính được coi trọng. Vì thế, việc tự hào về sự cần cù của chính mình sẽ không được chấp nhận – và nó tạo ra nhu cầu cho những cách thức tinh tế để đạt được sự công nhận của xã hội. Khi mệt mỏi và bệnh tật thường được xem là hệ quả của nỗ lực làm việc và sự siêng năng, thì inemuri – hay kể cả giả vờ inemuri bằng cách nhắm một mắt – cũng được cho là dấu hiệu của một người lao động chăm chỉ những vẫn có đủ sức mạnh và phẩm chất đạo đức cần thiết để kiểm soát bản thân và cảm xúc của mình.
Thực tế, thói quen inemuri của người Nhật không hẳn cho ta thấy một xu hướng của sự lười biếng. Mà nó là một đặc tính không hợp thức của đời sống xã hội Nhật Bản nhằm đảm bảo việc thực hiện những nghĩa vụ thường ngày bằng việc đưa ra một cách để có thể tạm thời “đi khỏi” trong khi thực hiện nghĩa vụ. Và vì thế nó đã rất rõ ràng: người Nhật không ngủ. Họ cũng chẳng chợp mắt. Họ thực hiện inemuri. Và nó sẽ chẳng thể đổi thay.
Theo REDS.VN/BBCNEWS