Các nhà phân tích cho rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) muốn gieo rắc sự bất đồng giữa Jordan, Nhật Bản và Mỹ bằng cách đề nghị tha mạng cho nhà báo người Nhật Kenji Goto.
Đổi lại, IS đòi tự do cho Sajida al-Rishawi, một nữ tặc đã bị kết án tử hình vì liên can đến vụ đánh bom 3 khách sạn ở Amman, thủ đô Vương quốc Jordan, làm chết 60 người năm 2005, sự kiện đã từng có thời điểm được ví như “vụ 11-9 của Jordan”.
Kenji Gotos life may be won if Jordan frees Sajida al-Rishawi, right
IS muốn trao đổi nhà báo người Nhật Kenji Goto với nữ tặc Sajida al-Rishawi. Ảnh: AP-REUTERS
Nếu không được đáp ứng yêu cầu, IS dọa sẽ giết Goto và phi công Jordan Maaz al-Kassasbeh, người đã bị IS bắt sau khi bị bắn rơi ở Syria.
Đối với Tokyo, sau khi Haruna Yukawa – bạn tù của Goto – bị chặt đầu hồi tuần trước, đây là một đề nghị hấp dẫn.
Thế nhưng, Jordan phải cố gắng cân nhắc đòi hỏi nêu trên của IS mà không mất đi cơ hội mặc cả tốt nhất trong nỗ lực giải thoát phi công al-Kassasbeh.
Dân chúng Jordan sẽ cực kỳ phẫn nộ nếu như nữ tặc Rishawi được trả tự do, như nhận định của giáo sư Masanori Naito, nhà nghiên cứu về Hồi giáo tại Trường Đại học Doshisha của Nhật Bản.
“Đây là một tình huống rất khó khăn” – ông nhấn mạnh.
Chắc chắn cơn giận dữ đó sẽ bùng nổ nếu như Jordan thả Rishawi chỉ vì lợi ích của Tokyo.
Thêm nữa, Jordan có nguy cơ chọc giận Mỹ – đồng minh nền tảng của Nhật, vốn đã tuyên bố việc trao đổi tù nhân cũng được xem giống như hành động trả tiền chuộc.
Là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa, Jordan là một trong những nước ở Trung Đông có mối quan hệ ngoại giao tốt nhất của Nhật Bản.
Tuy nhiên, khi phiến quân IS hành quyết 1 con tin Nhật và đưa ra đòi hỏi mới, Amman đã lâm vào một tình trạng rắc rối không hề dễ chịu.
Hành động của IS làm lung lay quan điểm của Jordan bởi vì lúc này nó đã khiến cho Nhật Bản gây sức ép dưới dạng kêu gọi Amman phóng thích nữ tặc Rishawi.
Ông Oraib Rentawi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Al-Quds ở Amman, nhận định rằng Tokyo thật vô lý nếu mong đợi người Jordan phóng thích Rishawi để cứu nhà báo Goto trong lúc viên phi công của họ còn bị giam giữ.
Theo ông, có thể họ tìm cách mở rộng yêu cầu thả cả con tin người Nhật và phi công Jordan.
Tuy nhiên, nguy cơ ở đây là điều đó có thể kích động IS gia tăng đòi hỏi của mình.
Trong khi đó, một số giới chức có liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin trên tiết lộ Tokyo biết IS đang cầm giữ 2 con tin người Nhật trong nhiều tháng trời nhưng nước này đã thiếu sự sẵn sàng ứng phó khi IS đưa ra thời hạn chót nộp tiền chuộc và sau đó đã hành quyết 1 con tin.