Cuộc đời sáng tác của Kawabata Yasunari là cuộc hành hương đi tìm cái đẹp – cái đẹp ngàn xưa ở đất Phù Tang. Giấc mộng làm người họa sĩ để thể hiện cái đẹp ấy bằng màu sắc, đường nét, bố cục không thành, Kawabata chuyển nó vào văn chương. Sự nghiệp văn chương của ông từ Cô vũ nữ xứ Izu (Izu no odoriko) cho đến Cố đô (Koto) là lời ngợi ca và thương tiếc Cái đẹp – cái đẹp trong thiên nhiên, cái đẹp trong nghệ thuật, và cái đẹp ở trong con người; cái đẹp vĩnh cửu, có thể cứu rỗi con người, nhưng cái đẹp cũng rất mong manh, dễ mất. Tính chất truyền thống rất đậm nét trong các sáng tác của Kawabata, cái đẹp mà ông ngợi ca và thương tiếc cũng chính là cái đẹp Nhật Bản. Nhưng Kawabata sở dĩ là Kawabata, chứ không phải là một Murasaki , Saigyo , Ikkyu , Basho…những nghệ sĩ Nhật Bản hàng đầu thời trung thế kỷ mà ông từng hết lời tán tụng, trước hết là bởi ông đã thấm đẫm tư tưởng và tinh thần nghệ thuật của thời đại ông, một thời đại mà giá trị của mỗi dân tộc được bồi đắp và phải chịu sự kiểm nghiệm qua cuộc cọ sát với những giá trị toàn nhân loại. Sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn của một đứa trẻ mồ côi, nhưng Kawabata lại được hưởng nền giáo dục vào loại cao nhất lúc bấy giờ: Ông tốt nghiệp khoa Văn học Nhật Bản (lúc đầu ông vào học khoa Văn học Anh) trường Đại học Đế quốc Tokyo (nay là trường Đại học Tokyo, đại học danh tiếng nhất Nhật Bản từ trước đến nay). Vì thế văn chương phương Tây đối với ông là rất quen thuộc và ông chịu ảnh hưởng khá nhiều, nhất là tiểu thuyết của James Joyce, Marcel Proust, và phân tâm học của S.Freud. Đọc Kawabata ta thấy có sự hòa trộn kỳ diệu hai nền văn hóa Đông – Tây, một sự hòa trộn đã được khởi đi từ tinh thần gọi là “Hòa hồn Dương tài” của kỷ nguyên Minh Trị trước đó, nhưng với ông thì nhuần nhuyễn và đa dạng hơn nhiều. Nói một cách cụ thể hơn, vẻ đẹp Nhật Bản trong các tác phẩm của Kawabata được nhìn nhận thông qua thấu kính phương Tây, và từ thấu kính này ông phát hiện ra tính chất hiện đại ngay trong cái đẹp dân tộc và truyền thống, và thể hiện nó với một màu sắc mới.
Kawabata trong mỗi tác phẩm của mình, dường như đi vào một khía cạnh khác nhau của vẻ đẹp Nhật Bản. Cô vũ nữ xứ Izu viết về cái đẹp của những người nghệ sĩ lang thang (người Nhật gọi là Du Nghệ Nhân), Xứ tuyết viết về các cô gái ghê-sa (geisha – Nghệ Giả), Ngàn cánh hạc viết về nghệ thuật trà đạo (sadô), Tiếng rền của núi viết về thiên nhiên và con người, còn Cố đô thì lại là nghệ thuật trang trí và dệt kimono.v.v…Trong tất cả các tác phẩm đó bao giờ cũng ẩn chứa vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn của người Nhật Bản, đặc biệt là của người phụ nữ.
Trước hết nói về XỨ TUYẾT. Xứ tuyết (Yukiguni) được khởi đăng vào năm 1936 trên tập san Văn nghệ xuân thu và được xuất bản thành sách năm 1942 (Mục Dương xã xuất bản). Thiên tiểu thuyết được mở đầu bằng cách viết đầy chất thơ : “ Một đường hầm dài ngăn cách giữa hai vùng và đây đã vào Xứ tuyết. Chân trời đã rạng trong bóng đêm…” Người ta có cảm giác như đang bước vào thế giới cổ tích, như Thiên Thai, Đào Nguyên. Quả là như vậy, bước chân vào Xứ tuyết ta bắt gặp một thiên nhiên kỳ ảo và thanh sạch, một thế giới của những cô ghê-sa kiều diễm, tài hoa và giàu lòng vị tha. Các nhân vật trong Xứ tuyết như Komako, Yoko, ta vẫn thấy hình bóng của các ghê-sa thời hoàng kim của nó. Komako chơi đàn koto (tương tự như đàn tranh ở Việt Nam) rất hay. Cô bước chân vào làm ghê-sa chuyên nghiệp là để có tiền trị bệnh lao cho con trai của bà giáo dạy nhạc cho mình. Yoko cũng hết lòng chăm sóc và yêu thương người con trai ấy, nhưng cũng không giữ chân anh ta ở lại cuộc sống được. Câu chuyện kết thúc bằng cảnh Yoko ngã từ trên gác xuống đám cháy rừng rực, như một hành động hiến sinh cho tình yêu.
Trong Xứ tuyết, vẻ đẹp của vũ đạo và âm nhạc dân tộc được nhân vật Shimamura phát hiện thông qua con đường nghiên cứu nghệ thuật phương Tây. Tính cách của Shimamura có cái phóng đãng như nhân vật của Dumas, phiêu lưu của A.Gide, đa tình kiểu Nhật Bản như trong các tiểu thuyết của Murasaki và Saikaku . Nghề dệt vải chijimi cổ truyền,vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên Xứ tuyết được viết với nghệ thuật miêu tả tỉ mỉ như tiểu thuyết của M.Proust, tinh tế như tùy bút Chẩm thảo tử (Makura no soshi) của Sei Shônagon (tk.10-11) và đầy chất thơ như tanka, haiku Nhật Bản. Ở thơ ca truyền thống, ông không chỉ học được chất thơ mà quan trọng hơn nữa là tư tưởng về cái Không trong nghệ thuật. Chẳng riêng gì Xứ tuyết, trong các tiểu thuyết sau này cũng vậy, nhiều điểm nút phát triển câu chuyện, nhiều đoạn người đọc mong chờ sự phân tích suy nghĩ nhân vật nhưng Kawabata đã không nói đến hoặc chỉ nói lướt qua. Đó là dụng ý nghệ thuật của tác giả mà ông đã học được từ tư tưởng nghệ thuật Thiền tông – nghệ thuật để khoảng trống cho người đọc suy nghĩ. Kawabata viết : “Trọng tâm của bức tranh thủy mặc nằm ở khoảng không, nghĩa là ở khoảng không có nét vẽ” hay “Tác phẩm của tôi đã từng được mô tả như tác phẩm của chân không”(Đất Phù Tang, Cái đẹp và Tôi).
NGÀN CÁNH HẠC (Sembazuru) lại dẫn dắt chúng ta đến với vẻ đẹp khác của nghệ thuật và tâm hồn Nhật bản. Tác phẩm này được đăng lần đầu tiên vào năm 1949 và được xuất bản hai năm sau đó. Câu chuyện xoay quanh một buổi trà đạo với bốn nhân vật chính: Kurimoto, cô giáo dạy trà đạo, chàng trai Kikuji, bà Ota và cô Fumiko con gái của bà. Câu chuyện về trà đạo với những nghi thức cầu kỳ, những bình chén cổ đan xen với những quan hệ chằng chịt, đa tố của các nhân vật. Cha của Kikuji trước kia từng trải qua các mối tình chóng váng với Kurimoto và phu nhân Ota. Trong một đêm Tokyo bị oanh tạc, ông cũng đã qua đêm với Fumiko, con gái của bà Ota dưới hầm trú ẩn. Đến lượt mình Kikuji cũng bị xô đẩy vào mối tình định mệnh với phu nhân Ota và rồi chàng cũng yêu Fumiko với một tình yêu thanh sạch. Người ta dễ có cảm giác về sự vô luân trong những mối quan hệ này. Nhưng đặt nó trong hoàn cảnh tàn bạo của cuộc Thế chiến thứ hai, thì điều mà Kawabata kể cũng không khác gì lắm với nhiều đồng nghiệp của ông ở phương Tây. Đồng thời câu chuyện cũng không xa lạ gì với truyền thống văn học Nhật Bản nếu chúng ta nhớ đến Truyện Chàng Genji của Murasaki cách đây gần 10 thế kỷ. (Hoàng tử Genji đa tình yêu rất nhiều cô gái nhưng mối tình đầu tha thiết nhất của chàng là với Fujisubo, mẹ kế của mình). Dầu gì đi chăng nữa Ngàn cánh hạc cũng đem đến cho chúng ta một thế giới tranh tối tranh sáng giữa cái xấu và cái đẹp. Một bên là Kurimoto nhỏ nhen và độc ác với biểu tượng cái bớt đen to đùng trên ngực. Bên kia là phu nhân Ota đẹp đẽ, nồng nàn và giàu đức hy sinh: bà đã uống thuốc ngủ tự tử – vì mối tình tuyệt vọng? vì sự dằn vặt ? hay vì hạnh phúc của đứa con? Câu chuyện kết thúc với chi tiết cái chén trà kỳ lạ ám một vết son môi của phu nhân Ota bị con gái bà đập vỡ. Hình tượng ấy để lại dư vị lo lắng về sự tiêu vong của cái đẹp. Cuốn tiểu thuyết tràn ngập một thế giới đa tình và đa đoan. Tính dục được miêu tả không phải như một niềm hoan lạc, cũng không phải như một dục vọng thấp hèn mà như một đam mê và khổ nạn của con người. Cách nhìn đó là cách nhìn của phân tâm học Freud hay của Phật giáo Đại thừa?
Chủ đề tương tự như vậy ta cũng gặp trong TIẾNG RỀN CỦA NÚI (Yama no oto), tiểu thuyết dài hơi nhất của Kawabata. Tác phẩm được khởi đăng cùng năm với Ngàn cánh hạc, năm 1949, và được xuất bản thành sách năm 1954. Tiếng rền của núi cung thể hiện niềm lo lắng về nguy cơ sau chiến tranh cái đẹp sẽ bị tiêu vong. Người Nhật tin rằng mỗi khi nghe được tiếng núi rền, thì đó là điềm báo một con người tốt với tâm hồn đẹp và nhạy cảm sắp từ bỏ cuộc đời. Câu chuyện mở đầu bằng chuyện ông Ogata Shingon nghe thấy cái âm thanh đáng sợ ấy. Quyền lực đen của chiến tranh đối lập với cái đẹp đã hiện thân ở người con trai ông, Suichi, một người lính Nhật tham gia chiến tranh Thái Bình Dương trở về. Chiến tranh đã biến anh ta thành một con người độc ác và vô cảm như chính anh ta thừa nhận: “Bóng ma của cuộc chiến tranh cũng vẫn còn đeo đuổi những kẻ như con. Có lẽ nó đã cuộn mình như rắn trong một xó khuất nào đấy của linh hồn con chăng?”. Suichi chỉ biết uống rượu, giải trí và quan hệ lăng nhăng với những người đàn bà dễ dãi. Cha anh ta, ông Shingon, là một con người ngược lại. Ông Shingon bắt đầu già nhưng con người ông lại rất nhạy cảm và tinh tế, như là hiện thân của vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Ông yêu quý và hòa nhập với thiên nhiên, tâm hồn ông mang đầy chất thơ như những bài Hòa ca mà ông thuộc lòng. Chính điều ấy đã dẫn dắt ông đến với một vẻ đẹp và tâm hồn đồng điệu là Kikuko, con dâu ông, vợ Suichi. Shingon ý thức được tình cảm ấy là không thể chấp nhận được, trái với lẽ trời đất, nên không bao giờ có ý nghĩ bước qua lằn ranh của mối quan hệ đó. Nhưng người già thường khó ngủ. Trong những giấc ngủ chập chờn, ông hay mơ. Ông mơ thấy mình yêu một cô gái trẻ nhưng nhất định không phải là Kikuko, con dâu ông. Tuy nhiên, sau đó ông phải thành thực nhận ra là cô gái ấy giống Kikuko lắm. Ông cay đắng thốt lên: “Ngay cả trong giấc mơ ta cũng cố giấu giếm nó để đánh lừa bản thân mình”. Kikuko sợ tính hung bạo của chồng nhưng dường như cô lại yêu mến và thương cảm cha chồng mình. Tác phẩm kết thúc, nhưng câu chuyện về những tình cảm oan trái ấy còn bỏ lửng. Phân tâm học Freud đã được áp dụng khá triệt để trong tác phẩm này. Thế nhưng, nó không phải là sự nhai lại sống sượng hay bịa đặt những tình huống tưởng tượng về những libido, mặc cảm Edip, ẩn ức, hành vi sai lạc,…Kawabata đã dùng lý thuyết của Freud như một con dao phẫu thuật sắc bén, mổ xẻ những ngóc ngách trong trái tim con người, cả ý thức và cả vô thức, nhằm tìm hiểu, ngợi ca cái đẹp và đưa ra những thông điệp lo âu về số phận của nó.
Câu chuyện cuối cùng chúng tôi xin dành cho tiểu thuyết CỐ ĐÔ (Koto). Cố đô được đăng lần đầu ở tờ nhật báo Asahi shimbun năm 1961, và in thành sách năm 1962. Nếu như hai truyện trên được viết ra ngay sau Thế chiến thứ hai, nhằm bày tỏ nỗi lo âu về số phận của cái đẹp trước sức mạnh mù tối của chiến tranh, thì lần này trong Cố đô, Kawabata đã cảnh báo về số phận của cái đẹp đang bị đe dọa bởi nền kinh tế hàng hóa, với việc sản xuất hàng loạt và thói tiêu dùng trưởng giả mà thấp kém của đám đông thị dân hiện đại. Câu chuyện xoay xung quanh cửa hàng bán kimono của gia đình ông Takichiro. Ông có người con gái nuôi tên là Chieko. Chieko từ nhỏ đã bị bỏ rơi vì người xưa tin rằng sinh đôi là một điềm dữ. Lớn lên Chieko ngẫu nhiên tìm được người chị em song sinh của mình là Naeko đang làm công ở một làng núi xa. Số phận hai người khác hẳn nhau, nhưng họ đều mang trong mình vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Nhật Bản: một đằng trong sáng chất phác, giàu đức hy sinh của người nông dân, một đằng thì kiều diễm, thông minh và nhạy cảm của quí tộc và thị dân thời cổ. Ông Takichiro rất yêu quý cô con gái nuôi của mình, ông đã bỏ lên một ni viện trên núi gần nửa tháng trời để vẽ kiểu một chiếc đai lưng kimono cho Chieko. Ông tìm cái đẹp từ các hoa văn truyền thống Nhật Bản kết hợp với tranh của Paul Klee, Matisse, Chagall – các họa sĩ đương đại phương Tây. Bức họa vẽ xong, ông đưa cho người thợ thủ công trẻ tài hoa là Hideo xem thử. Anh thợ dệt khen họa tiết của ông đẹp nhưng thiếu sự hài hòa tình cảm, phảng phất nỗi bất ổn và đầy bệnh hoạn. Takichiro bực mình ném bức phác thảo xuống sông. Với tình yêu mê đắm của mình với Chieko, anh thợ dệt Hideo đã dệt lại một chiếc đai lưng theo đúng mẫu ấy và còn đẹp hơn cả nguyên mẫu, vì có hơi ấm của tâm hồn.
Kết thúc câu chuyện Takichiro phải bán nhà, công ty của ông ế ẩm. Kỹ thuật dệt của nền đại công nghiệp cơ khí sản xuất hàng loạt đang giết dần cái đẹp đích thực của nghệ thuật truyền thống. Không chỉ thế, cái đẹp của thiên nhiên cũng đang chết dần. Kyoto đang có nguy cơ trở thành một khu công nghiệp, một khách sạn khổng lồ với ô nhiễm của khói bụi và sự lạnh lùng của sắt thép, bê-tông.
Cuộc hành hương đi tìm cái đẹp và lời cảnh báo về nguy cơ diệt vong của nó chính là đóng góp lớn nhất của Kawabata. Con đường của Kawabata đi đến với giải Nobel không phải là sự kết hợp sống sít, “tân cổ giao duyên” giữa tính dân tộc và hiện đại, mà là tìm vẻ đẹp hiện đại từ trong truyền thống dân tộc, và thể hiện nó bằng những cách thức mới, kết hợp những giá trị cả phương Đông và phương Tây.
Tháng 11.1999
(Báo cáo tại Hội nghị KH về Kawabata tại Trường ĐH KHXH&NV năm 1999, in trong tạp chí Văn số 101 (tháng 3 / 2000), tr.87)