Một uỷ ban cố vấn của UNESCO đã để xuất đưa kỹ thuật kiến trúc sử dụng cấu trúc gỗ truyền thống của Nhật Bản vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể. Kỹ thuật xây dựng truyền thống của Nhật bao gồm 17 kỹ thuật, trong đó có các kỹ thuật lợp tranh, sơn mài, trát vữa, dệt chiếu tatami hay trùng tu, sửa chữa đền chùa và nhà cổ bằng gỗ- một kỹ thuật rất quan trọng trong việc bảo tồn tài sản văn hoá. Kỹ thuật này giúp kiên cố các công trình kiến trúc truyền thống và tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai như bão và động đất, dù các công trình này chỉ sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, cỏ và đất.
Uỷ ban cố vấn của UNESCO tin rằng những kỹ thuật xây dựng truyền thống này của Nhật Bản đã khẳng định tầm quan trọng của các tài sản văn hoá phi vật thể, đồng thời cho thấy mối liên hệ giữa tài sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Uỷ ban liên chính phủ của UNESCO cho biết sẽ đưa ra quyết định chính thức về việc công nhận kỹ thuật kiến trúc của Nhật Bản là Di sản văn hoá phi vật thể hay không tại một cuộc họp trực tuyến dự kiến diễn ra từ ngày 14~19/12.
Nếu được công nhận, đây sẽ là di sản thứ 22 tại Nhật ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO cùng với các di sản khác như văn hoá ẩm thực và giấy Nhật Bản. Phát biểu tại họp báo với các phóng viên, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hoá Nhật Bản, Hagiuda Koichi cho biết ông hy vọng rằng danh sách này sẽ giúp nâng cao nhận thức về di sản văn hoá của Nhật Bản cũng như tái thiết, khôi phục lại các địa phương.
Tham khảo:
https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/en/news/20201117_24/amp.html
https://japantoday.com/category/national/unesco-to-list-japan-architectural-techniques-as-intangible-heritage