Kinh nghiệm thi chương trình G30 (khoa Human Science) của đại học Osaka

Đăng ngày 18/09/2020 bởi iSenpai

Bài viết hôm nay là câu chuyện apply chương trình G30 của bạn Giang, du học sinh học bổng MEXT đang học tại khoa Human Science của đại học Osaka. Mọi người cùng đón đọc nhé!

 GIỚI THIỆU BẢN THÂN

Mình là Giang, sinh viên năm 3 trường đại học Osaka và hiện đang theo học chương trình G30 (viết tắt cho Global 30) ngành Khoa Học Con Người (Human Science). Trong 3 năm đầu, chương trình mình học chung chung các phân ngành của Khoa Học Con Người như là giáo dục, chính trị, xã hội học, nhân chủng học v.v. và học sâu về các chủ đề như là nhân quyền, công dân toàn cầu, giới tính, di trú, tôn giáo, v.v. qua góc độ của những phân ngành nói trên nhưng chủ yếu là của xã hội học. Năm 4 là năm tụi mình tập trung viết luận văn tốt nghiệp dựa trên chủ đề và phân ngành tự chọn với sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn.

HỒ SƠ DỰ THI

1) Học bạ cấp 3
2) Điểm kì thi chuẩn hóa (SAT, ACT, AP, IB, A-level)
3) Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT (ít nhất 85 điểm) hoặc IELTS (ít nhât 6.5)
4) Bài tự luận khoảng 1,500 từ
5) 2 thư giới thiệu
6) Bằng tốt nghiệp

Giống những trường có chương trình G30 khác, trường thi 2 vòng: vòng xét đơn và vòng phỏng vấn.

Mình thi TOEFL iBT nên mình chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm thi của bản thân. Cá nhân mình không rõ bao nhiêu điểm mới tính là cao và dễ đậu, nhưng năm đó mình thi được 113/120 điểm. Còn SAT thì mình được khoảng 1460/1600. Nếu hỏi được những người khác thì có lẽ sẽ biết được trung bình cần nhiêu điểm để đậu.

1 số tips mình muốn chia sẻ về hồ sơ của mình.

+ Thứ nhất, hãy gắng giữ điểm TB năm/HK trên 9 để dễ được nhận hơn.

+ Thứ 2, bài tự luận hãy viết thật hay để dễ gây thiện cảm với giáo viên tuyển sinh (vì vòng phỏng vấn bài tự luận của mình được 1 giáo viên khen). Mình đã phải chỉnh sửa những 3 ngày và nhờ 1 người bạn nhận xét từ góc độ người ngoài để có thể hoàn thiện bài luận đó. Hồi đó, chủ đề của bài tự luận khá chung chung (như là động cơ của việc nộp Nhật và chọn ngành này) nhưng bây giờ, chủ đề đòi hỏi khả năng nghị luận những vấn đề thời sự chung chung và mục đích tương lai cụ thể sau tốt nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu hướng viết cần bỏ công một chút và nên tham khảo cái nhìn của những người có kinh nghiệm (qua những news article tiếng Anh là tốt nhất) để làm giàu giọng văn của mình nhưng cũng không nên đánh mất cá tính của riêng bản thân. Không nên nghe quá mơ hồ và trẻ trâu. Và việc nói mình chọn Nhật vì thích văn hóa Nhật là một lý do mà nhiều bạn nộp hồ sơ đã dùng và khiến giáo viên cảm thấy khá nhàm rồi.

+ Thứ 3, thư giới thiệu của mình thì mình nhờ 2 tổ trưởng tổ bộ môn viết để tăng độ tin cậy.

Một góc campus Toyonaka – đại học Osaka

CHẾ ĐỘ HỌC BỔNG
1) MEXT (hào phóng nhất – bao luôn tiền học phí và cho thêm phí sinh hoạt những 25 triệu/tháng hết 4 năm học)
2) JASSO (không bao học phí, tiền sinh hoạt 10 triệu/tháng trong vòng 1 năm)
3) Quĩ trường cho học sinh có vấn đề về tài chính

CHIA SẺ KINH NGHIỆM DỰ THI
Mình quyết định du học Nhật vào năm lớp 11 và từ đó đã đi học trung tâm luyện thi chứng chỉ. Hạn nộp là tháng 1 nên học kì I năm 12 đã phải rục rịch thi lấy bằng. Mình nghĩ mọi người nên chừa cho bản thân khoảng 2, 3 tháng để thi 2, 3 lần nếu chẳng may kết quả lần đầu không tốt và thêm 1 tháng để chờ kết quả (thời gian chờ mất bao lâu mình cũng không nhớ nữa rồi).

Khi phỏng vấn, giáo viên trường Osaka đã hỏi những câu không quá khó nuốt: những câu về thông tin cá nhân, lý do chọn trường, và những câu chung chung khác.

CHIA SẺ VỀ TRƯỜNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH

 Điểm tốt: chương trình nhỏ và mô hình lớp học tổ chức theo dạng thảo luận, đa dạng về chủ đề, giáo viên rất dễ gần và luôn sẵn sàng trao đổi nhiều vấn đề. Ngoài ra, chương trình có sự đa dạng văn hóa vì ngoài các bạn cùng chương trình đến từ những nước khác nhau thì bọn mình còn được học chung 1 số lớp với sinh viên người nhật và sinh viên trao đổi. Trường có partnership với nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới nên năm 3 có thể đi trao đổi, có sự hỗ trợ về ngôn ngữ, giấy tờ và thủ tục tìm nhà thông qua văn phòng của chương trình và văn phòng học sinh quốc tế không thuộc chương trình.

 Điểm không tốt: ban đầu mọi người có thể sẽ khó đọc bài và viết luận bằng tiếng Anh vì không quen, mức độ yêu cầu của các khóa học cũng không đồng đều (về mặt giáo viên, độ dễ của nội dung, cách đánh giá), mức độ nhận diện của chương trình rất thấp ở trong trường nên nhiều bạn người Nhật mình nói chuyện đều sẽ không biết về sự tồn tại của chương trình.

Giáo viên dễ gần và sẽ tùy giáo viên mà độ khắt khe của việc chấm điểm sẽ khác nhau.

CHIA SẺ VỀ MÔI TRƯỜNG SỐNG

Môi trường sống ở Nhật rất tốt, cả KTX và nhà riêng hiện giờ của mình rất sạch sẽ, yên tĩnh. Giá tiền thuê của mình hiện giờ là 7 triệu/tháng (mình chia nửa với 1 bạn ở cùng). Giá mua đồ ăn khoảng 7- 8 triệu/tháng, đó là ăn uống đầy đủ và không phải tiết kiệm. Mức sinh hoạt gồm tiền nước, điện, gas là 1 triệu 2/tháng vào những tháng nóng hoặc lạnh (đã chia đôi vs bạn cùng nhà) và 1 triệu/tháng vào những tháng bình thường.

Theo Tobira – Mở ra cánh cổng đại học Nhật Bản

Trả lời